Dự án “Thái Lan không bỏ học” và những thách thức với giáo dục nước này
Thái Lan thuộc nhóm quốc gia đang phát triển nhưng nền kinh tế lại được xếp vào nhóm các nước công nghiệp mới và những năm gần đây kinh tế Thái Lan phát triển khá ấn tượng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục, các số liệu cho thấy có hơn 1 triệu học sinh ở nước này bỏ học.
- 21-07-2024Thái Lan điều tra hãng xe điện BYD
- 20-07-2024Thảm án nhóm người Việt ở Thái Lan: Xyanua "có trong thức ăn", "thuốc rắn" không liên quan
- 20-07-2024Xyanua có cả ở đồ ăn, thêm nghi phạm vụ nhóm người Việt bị đầu độc ở Thái Lan
Đằng sau tỷ lệ bỏ học lớn của học sinh Thái Lan
Số liệu quốc gia của Thái Lan cho thấy hơn 1,02 triệu thanh thiếu niên Thái Lan trong độ tuổi từ 3-18 không được đến trường trong năm 2023, gấp đôi so với mức trung bình của những năm trước (khoảng 500.000 thanh thiếu niên). Dữ liệu cũng cho thấy ngày càng có nhiều thanh thiếu niên bỏ học ở giai đoạn chuyển cấp từ tiểu học lên trung học cơ sở hay từ trung học sang các trường dạy nghề.
Theo các chuyên gia, nghèo đói từng là nguyên nhân chủ yếu cho việc học sinh bỏ học, nhưng hiện nay, bối cảnh chính trị, khó khăn về kinh tế, việc làm… khiến nhiều gia đình phải cho con nghỉ học. Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình hình, gây mất việc làm, nợ nần gia đình và việc chuyển sang học trực tuyến dẫn đến tình trạng thụt lùi về học tập và hành vi xã hội tiêu cực ở học sinh.
Ngoài ra, Thái Lan cũng ghi nhận một tỷ lệ tương đối lớn trẻ em phải nghỉ học do có cha mẹ là lao động nhập cư, hoặc không có giấy tờ hợp pháp đang sinh sống ở vùng biên giới xa xôi.
Chính phủ Thái Lan đã nhân thức được sư nguy cấp của vấn đề, đồng thời đã triển khai nhiều giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng này, trong đó có chính sách "Thái Lan không bỏ học", với sự hợp tác giữa Bộ Giáo dục và 11 cơ quan khác, hay chính sách "Đưa trẻ em trở lại trường học" của Văn phòng Ủy ban Giáo dục cơ bản (OBEC).
Vấn đề hiện nay yêu cầu một chính sách toàn diện hơn thay vì các giải pháp đơn lẻ, trong đó các cơ quan chức năng phải sớm tiếp cận những trẻ em đã bỏ học, cung cấp các chế độ phúc lợi, tìm học bổng cho các em và tạo việc làm cho cha mẹ của các em. Một vấn đề cơ bản khác cũng cần được chú trọng, liên quan tới cấu trúc, hệ thống và đánh giá chương trình giảng dạy tại Thái Lan, khiến nhiều trẻ em khó tiếp cận được nền giáo dục chất lượng và công bằng.
Lộ trình dự án “Thái Lan không bỏ học”
Vào đầu tháng 7/2024, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết chính phủ nước này đang xúc tiến triển khai dự án “Thái Lan không bỏ học” (Thailand Zero Dropout) nhằm từng bước đưa hơn 1 triệu học sinh bỏ học quay lại nhà trường trong 5 năm tới.
Theo dự án “Thái Lan không bỏ học”, Chính phủ sẽ triển khai nhóm 4 giải pháp nhằm từng bước giảm số lượng học sinh không được đến trường trong 5 năm tới.
Giải pháp đầu tiên là việc cơ quan chức năng sẽ tổng hợp và sử dụng cơ sở dữ liệu của hệ thống các cơ quan nhà nước để xác định số thanh thiếu niên bỏ học. Chính phủ mới đây đã công bố ứng dụng “Thailand Zero Dropout” để hỗ trợ xác định số thanh thiếu niên bỏ học cũng như theo dõi tiến độ triển khai dự án. Tiếp theo là cung cấp các hỗ trợ cần thiết, nhất là về điều kiện sống, y tế… để các em quay trở lại trường học. Bộ Giáo dục sẽ đưa ra các hình thức giáo dục linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh của từng nhóm đối tượng nhằm khuyến khích phát huy tối đa tiềm năng phát triển của học sinh. Bước cuối cùng là khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đồng hành cùng Chính phủ, cung cấp các gói học bổng hoặc hình thức hỗ trợ thiết thực để giúp các em có điều kiện ăn học tốt hơn.
Những dữ liệu ban đầu cho thấy trong số hơn 1,02 triệu trẻ em bỏ học tính tới cuối tháng 11/2023, gần 140.000 em đã quay trở lại trường trong học kỳ I/2024, tương đương với 13,6% của tổng số học sinh bỏ học. Các chuyên gia nhận định kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng thêm hơn 3% GDP nếu Chính phủ nước này có thể đưa toàn bộ số học sinh và thanh thiếu niên nói trên quay trở lại trường học và hoàn tất chương trình giáo dục cơ bản, giúp các em có thêm kiến thức, kĩ năng cuộc sống cũng như định hướng nghề nghiệp để đóng góp cho xã hội sau này.
Thách thức của nền giáo dục Thái Lan
Bên cạnh những nguyên nhân chủ yếu khiến học sinh phải bỏ học như nghèo đói hay bối cảnh chính trị bất ổn dẫn đến khó khăn về kinh tế, việc làm hiện nay, Thái Lan đang phải đối diện với một thách thức không nhỏ về chương trình giảng dạy đã cũ kỹ và không còn phù hợp với thực tiễn, khiến nhiều trẻ em khó tiếp cận được nền giáo dục chất lượng và công bằng.
Trẻ em Thái Lan dành nhiều giờ ở trường, nhưng chất lượng giáo dục của các em lại kém. Theo đó, học sinh cấp I (từ lớp 1 tới lớp 6) phải có ít nhất 1.000 giờ học và hoạt động hàng năm. Học sinh cấp II (từ lớp 7 tới lớp 9) phải có không dưới 1.200 giờ học một năm, trong khi học sinh cấp III (lớp 10 đến 12), cũng phải có tổng số giờ học lên tới hơn 3.600 giờ học trong ba năm.
Một nghiên cứu cho thấy hơn một nửa số thanh thiếu niên 15 tuổi ở Thái Lan gặp khó khăn trong việc áp dụng các khái niệm toán học và khoa học vào các vấn đề hàng ngày. Chương trình giảng dạy được cho là không thay đổi đáng kể trong 22 năm qua, không phát triển được các năng lực toàn diện và ưu tiên các kỹ năng cần thiết trong thế giới thay đổi nhanh chóng ngày nay. Trong khi đó, các nỗ lực cải cách chương trình giảng dạy phải đối mặt với sự phản đối từ giáo viên và các bên liên quan.
Bộ Giáo dục Thái Lan mới đây đã công bố một kế hoạch ưu tiên cải cách chương trình giảng dạy quốc gia, nhằm mục đích giảm giờ học và kết hợp nhiều hình thức học tập thực tế, linh hoạt và dựa trên công nghệ hơn. Đề xuất giảm giờ học là một trong những thay đổi quan trọng nhất, giải quyết mối lo ngại rằng học sinh Thái Lan dành nhiều thời gian trên lớp hơn so với các bạn học trên toàn cầu.
Theo Bộ Giáo dục nước này, những thay đổi sắp tới nhằm mục đích trang bị tốt hơn cho học sinh Thái Lan trong tương lai, cân bằng thời gian học trên lớp với các phương pháp học tập thực tế, hiện đại, góp phần cải thiện nguồn nhân lực tương lai của xứ sở chùa Vàng.
VOV