MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án tiền số ‘cướp trắng’ 1,3 tỷ USD của nhà đầu tư: Lợi dụng CEO ‘ma’ để lừa đảo, nhà phát triển là founder 1 công ty Bitcoin đã phá sản

08-01-2024 - 13:54 PM | Kinh tế số

Hàng nghìn người đã mất trắng hàng triệu USD vì HyperVerse.

Cuộc điều tra của tờ The Guardian hồi tháng trước tiết lộ hàng nghìn người đã mất trắng hàng triệu USD vì HyperVerse - dự án tiền số được thành lập bởi doanh nhân người Úc Sam Lee và đối tác kinh doanh của ông, Ryan Xu. Đây đều là 2 founder của Blockchain Global - một công ty Bitcoin vừa sụp đổ.

Được biết, Blockchain Global đang nợ 58 triệu USD. Kế hoạch đầu tư ban đầu của HyperVerse lách được luật tại Úc mặc dù đã bị các cơ quan quản lý ở nước ngoài “gắn cờ đỏ”.

Trước đó, một người đàn ông tên Steven Reece Lewis đã được giới thiệu là giám đốc điều hành HyperVerse. Tài liệu nội bộ cho biết Reece Lewis tốt nghiệp Đại học Leeds, có bằng thạc sĩ tại Đại học Cambridge và từng làm việc cho Goldman Sachs trước khi đảm nhận vị trí lãnh đạo HyperVerse. Trong khi đó, Sam Lee xuất hiện với tư cách chủ tịch nhóm HyperTech, còn Ryan Xu là founder.

Tuy nhiên, điều tra của tờ The Guardian cho thấy hồ sơ sinh viên Đại học Leeds và Đại học Cambridge không có bất kỳ ai tên Steven Reece Lewis. Thông tin người đàn ông này cũng không hiện trong hồ sơ đăng ký công ty tại Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ.

Một tài khoản Twitter mang tên Reece Lewis đã được thiết lập 1 tháng trước khi y xuất hiện trong buổi ra mắt HyperVerse. Đại diện Goldman Sachs khẳng định chưa từng có ai tên Reece Lewis làm việc cho tập đoàn.

HyperVerse được quảng bá tại sự kiện ra mắt như một metaverse kỹ thuật số mới cạnh tranh trực tiếp với Facebook. Các thành viên có thể khám phá “biên giới mới của vũ trụ thiên hà và mang đến một thế giới ảo hoàn chỉnh”.

Dự án tiền số ‘cướp trắng’ 1,3 tỷ USD của nhà đầu tư: Lợi dụng CEO ‘ma’ để lừa đảo, nhà phát triển là founder 1 công ty Bitcoin đã phá sản - Ảnh 1.

Thông tin CEO 'ma'

Trong video, Reece Lewis khuyến khích mọi người gia nhập HyperVerse, đồng thời cho biết công ty sẽ “tạo ra một hệ thống có thể thay đổi cách mọi người sống và tương tác trên khắp thế giới”.

“Cuộc đua metaverse này mới chỉ bắt đầu. Tôi kêu gọi mọi người tham gia vào dự án với tư cách những người ủng hộ bước đột phá vào kỷ nguyên metaverse”, vị CEO ‘ma’ Reece Lewis nhấn mạnh.

Theo The Guardian, các nhà đầu tư vào HyperVerse có lợi nhuận tối thiểu 0,5%/ngày và 300% trong 600 ngày. Các chương trình ưu đãi hấp dẫn cũng được đưa ra để chiêu mộ thêm thành viên mới.

Báo cáo từ nhà phân tích blockchain có trụ sở tại Mỹ Chainalysis ước tính thiệt hại của các nhà đầu tư liên quan đến HyperVerse trong năm 2022 lên tới 1,3 tỷ USD. Sự ủng hộ của những người nổi tiếng, chẳng hạn Wozniak, Norris, diễn viên hài Jim Norton và ca sĩ nhóm nhạc nam Lance Bass, đã khiến các nhà đầu tư ‘xuống tiền’.

“Tôi ở đây để hỗ trợ Steven và HyperVerse. Tôi rất nóng lòng với HyperVerse”, Wozniak nói.

Trong khi đó, Norton mô tả HyperVerse là “nền tảng metaverse phi tập trung với khả năng vô hạn”, đồng thời khuyến khích mọi người đăng ký. “Tôi thực sự tin tưởng Steven sẽ dẫn dắt HyperVerse đi đến thành công. Tất cả chúng ta hãy tham gia HyperVerse. Bạn còn chờ gì nữa? Làm ngay bây giờ đi”.

Sau đó, phóng viên Guardian đã liên hệ với Wozniak, Norris, Norton và Bass song không nhận được phản hồi. Những người này không có bất kỳ kiến thức nào về mô hình kinh doanh của HyperVerse.

Hành vi lừa đảo vỡ lở khi đầu năm 2022, một số thành viên HyperVerse gặp vấn đề khi rút tiền từ dự án. Họ sau đó được khuyến khích chuyển sang nền tảng mới có tên HyperNation.

Video ra mắt HyperNation vào tháng 5 năm 2022 được phát sóng trên YouTube với sự góp mặt của 2 nhân viên ẩn danh “Mr H” và “Miss N”. Reece Lewis không xuất hiện và không được nhắc đến trong video.

Dự án tiền số ‘cướp trắng’ 1,3 tỷ USD của nhà đầu tư: Lợi dụng CEO ‘ma’ để lừa đảo, nhà phát triển là founder 1 công ty Bitcoin đã phá sản - Ảnh 2.

Mr H

“Mr H” tự mô tả bản thân là “nhà truyền giáo cho trật tự thế giới mới”, trong khi “Miss N” được giới thiệu là “đại sứ chính thức của HyperNation”.

Trong bài thuyết trình, “Mr H” nói về sự thất bại của chủ nghĩa tân tự do và cho biết HyperNation sẽ sử dụng công nghệ mới để giúp đỡ “công dân của HyperNation”.

“Tôi tưởng số phận đã định sẵn cho mình một cuộc sống vô nghĩa nhưng không còn nữa. Là một công dân HyperNation, tôi cảm thấy được giải phóng và tự do. Tôi toàn quyền tự chủ tài chính. Giá trị bản thân do chính tôi quyết định”, “Mr H” nói trong video.

Trong cuộc họp Zoom tiếp theo với các thành viên HyperNation, một nhà quảng bá cấp cao của cả HyperVerse và HyperNation đã được hỏi về mối tương quan giữa HyperNation và HyperTech.

“Đó là một thực thể lớn, nơi bạn có cả HyperVerse và HyperNation”, người đàn ông này trả lời.

Còn về phía founder Sam Lee. Khi được hỏi về sự tham gia của mình trong HyperNation, y phủ nhận và cho biết bản thân chỉ làm việc ở bộ phận quản lý quỹ và công nghệ.

“Về mặt HyperNation. Tôi không tham gia nên thực sự không có gì nhiều để nói”, Lee nói. “Không thiếu những người tức giận nói rằng lẽ ra tôi nên làm nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi không phải là người của công chúng”.

Lee vẫn bác bỏ mọi cáo buộc lừa đảo. “Nhiều người tự mắc sai lầm nhưng tôi lại trở thành mục tiêu bị làm phiền và đe dọa”, Lee nói.

Hiện những nạn nhân của dự án vẫn tìm cách thuyết phục cơ quan chức năng làm rõ vai trò của Lee và Xu trong vụ khủng hoảng HyperVerse.

Theo: The Guardian


Theo Vũ Anh

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên