MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, vành đai 3 TP. HCM trong diện giám sát năm 2024

19-04-2023 - 07:48 AM | Bất động sản

Dự án Sân bay Long Thành; đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh…được trình Quốc hội lựa chọn giám sát năm 2024.

Tổng Thư ký Quốc hội vừa thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi thảo luận tại Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, vành đai 3 TP. HCM trong diện giám sát năm 2024 - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng đoàn khảo sát thực địa Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. (Ảnh: Viết Thành)

Căn cứ kết quả tổng hợp phiếu xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất lựa chọn 4 chuyên đề giám sát gồm:

Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Chuyên đề đầu tiên này bao gồm các dự án Sân bay Long Thành; đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025; đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh ; đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Quốc hội sẽ lựa chọn giám sát tối cao 2 chuyên đề, 2 chuyên đề còn lại sẽ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

Thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong năm 2022 với những kết quả “tốt hơn các năm trước”.

Đây là lần thứ 2 của nhiệm kỳ khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức xem xét báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật.

Qua giám sát đã nêu lên được nhiều điểm tích cực, đồng thời cũng chỉ ra những nhiệm vụ, nội dung được giao quy định chi tiết trong luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được ban hành.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 của một số cơ quan còn chưa được quan tâm đúng mức; nội dung báo cáo và số liệu giám sát văn bản còn chưa thống nhất, thời gian gửi báo cáo chưa bảo đảm…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết số 560, coi giám sát văn bản quy phạm pháp luật là việc làm thường xuyên, liên tục, có kế hoạch cụ thể.

Trong quá trình giám sát, khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật cần kịp thời trao đổi, đối thoại với đối tượng chịu sự giám sát để đi đến kết luận và có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

Trở lên trên