Dự báo doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam đạt 39 tỷ USD
Dự báo năm 2025, tổng doanh thu trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ đạt 39 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 70% giá trị nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Ngày 8/11, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo "Sáng tạo ứng dụng số trong thương mại điện tử ".
Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - khẳng định, đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối với doanh nghiệp công nghệ số trong quá trình chuyển đổi số nói chung của doanh nghiệp và phát triển thương mại điện tử, giao dịch điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, hàng hóa nói riêng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số cho Hà Nội.
Ông Lê Nam Trung - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin truyền thông - cho biết thêm, thương mại điện tử đã và đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, là lĩnh vực tiên phong của nền Kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và chuyển đổi số.
Tại Việt Nam, thương mại điện tử cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình 20-25% một năm. Trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử đạt hơn 227.000 tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo, năm 2025 tổng doanh thu trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ tăng lên 39 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 70% giá trị nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội - cho rằng, để đảm bảo vị thế trên thị trường ngày càng cạnh tranh, các doanh nghiệp cần ứng dụng các giải pháp số hóa nhằm tối ưu hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Bà Ngân thẳng thắn nhìn nhận việc nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số do hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự. Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua thách thức này, các giải pháp cụ thể được đề xuất bao gồm cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp hoặc không lãi suất nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính, thiết lập chính sách thuế ưu đãi cho các hoạt động số hóa, và cung cấp các gói tài trợ trực tiếp cho các dự án chuyển đổi số.
Ngoài ra, việc tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng số và tư vấn từ các chuyên gia sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm bắt công nghệ mới, xác định lộ trình và triển khai các giải pháp số hóa hiệu quả...
Trong khuôn khổ hội thảo, các doanh nghiệp cũng đã giới thiệu nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thương mại điện tử và bài học kinh nghiệm quốc tế từ VMO ; tăng trưởng bền vững với chiến lược thương mại điện tử đa nền tảng dành cho doanh nghiệp SMEs...
Tiền phong