Dự báo kém vui cho kinh tế toàn cầu
Kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất 3 thập kỷ qua vào 5 năm tới do lãi suất cao
- 18-04-2023‘Gấp đôi’ Mỹ: Quốc gia châu Á này sẽ là động lực tăng trưởng số 1 cho nền kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới
- 07-04-2023IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng yếu ớt nhất kể từ 1990 vì lãi suất tăng
- 29-03-2023Ngân hàng Thế giới: Nền kinh tế toàn cầu có thể bước vào thập kỷ khó khăn
Chỉ số đồng USD giảm sau khi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất lần nữa và Trung Quốc phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong quý I/2023. Chỉ số đồng USD, chỉ số đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ, có lúc giảm xuống 101,67 hôm 18-4.
Các thị trường đang dự đoán FED tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % tại cuộc họp vào tháng 5 trong khi các nhà giao dịch vẫn kỳ vọng đợt cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.
Theo đài CNBC, dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 18-4 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I/2023 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa kỳ vọng của thị trường.
Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng Đầu tư Natixis (Pháp), cho biết Bắc Kinh đang cố gắng lèo lái nền kinh tế phục hồi mà không gây ra tình trạng lạm phát như ở các nước khác.
Triển lãm ôtô ở Thượng Hải - Trung Quốc ngày 18-4. Ảnh: REUTERS
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Trung Quốc sẽ là nước đóng góp hàng đầu cho tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, với tỉ trọng đóng góp được dự báo là gấp đôi Mỹ.
Hãng tin Bloomberg phân tích số liệu từ báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của IMF công bố vào tuần trước chỉ ra 22,6% tổng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2028 có thể đến từ Trung Quốc; theo sau là Ấn Độ và Mỹ với tỉ lệ đóng góp lần lượt là 12,9% và 11,3%.
IMF cũng đánh giá kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 3% trong nửa thập kỷ tới do lãi suất cao tác động tiêu cực tới các hoạt động kinh doanh.
Đây là mức dự báo triển vọng tăng trưởng toàn cầu cho giai đoạn 5 năm thấp nhất mà IMF từng đưa ra trong hơn 3 thập kỷ qua. Cơ quan này cũng kêu gọi các quốc gia tránh để xảy ra tình trạng phân mảnh kinh tế do ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị và thực hiện các bước để tăng năng suất.
Khoảng 75% tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ tập trung ở 20 quốc gia và hơn một nửa trong đó đến từ 4 nước là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Indonesia.
Bất chấp những triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, thị trường chứng khoán có nhiều biến động khi giới đầu tư cân nhắc về sự phục hồi không đồng đều của nước này cũng như khả năng các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ông Stuart Cole, nhà kinh tế trưởng về vĩ mô tại Công ty Dịch vụ Tài chính Equiti Capital (Anh), cho rằng: "Chúng tôi cần một chút thời gian để đánh giá tình trạng phục hồi thực sự ở Trung Quốc và mức độ mạnh mẽ hoặc bền vững của sự phục hồi này trong tương lai".
Trong khi đó, giá dầu giảm trong ngày thứ hai liên tiếp hôm 18-4 trong bối cảnh dữ liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc vẫn không thể xoa dịu khả năng tăng lãi suất của Mỹ và mối lo ngại lớn hơn về triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Giá dầu thô Brent có lúc giảm xuống 84,48 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 18-4 (giờ địa phương) trong khi giá dầu WTI có thời điểm là 80,53 USD/thùng.
Nhận định về triển vọng giá dầu, ông Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Công ty Môi giới Oanda (Anh), nói: "Bước tiếp theo có thể phụ thuộc vào tăng trưởng toàn cầu và liệu nền kinh tế có thể vượt qua những biến động gần đây hay không, đặc biệt là ở Mỹ, nơi tín dụng thắt chặt hơn có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm".
Người Lao động