Dự báo "khó chồng khó", một doanh nghiệp mía đường lên kế hoạch lợi nhuận đi lùi 60%
Đáng chú ý là trong niên độ 2021-2022 trước đó, Mía đường Sơn La vừa ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 188 tỷ đồng, gấp tới 2,5 lần mục tiêu đã được đề ra.
Ngày 21/9 tới đây, CTCP Mía Đường Sơn La (mã chứng khoán: SLS) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Doanh nghiệp cũng đã công bố tài liệu cuộc họp.
Đáng chú ý, trong niên độ 2022 – 2023 (năm tài chính của Mía đường Sơn La bắt đầu từ 1/7 đến 30/6 năm sau), kế hoạch doanh thu được đặt ra xấp xỉ 1.111 tỷ đồng tổng, tương ứng tăng hơn 25% so với cùng kỳ niên độ trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ ở mức hơn 75 tỷ đồng, giảm gần 60% so với con số thực hiện trong niên độ 2021 – 2022. Công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 30%.
Bộ Công Thương trong thời gian qua đã ban hành nhiều quyết định về áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan hay nhập khẩu từ 5 nước ASEAN. Các chính sách được đánh giá sẽ mang đến những tín hiệu tích cực cho ngành Mía đường Việt Nam, giảm tác động cạnh tranh không lành mạnh với ngành sản xuất trong nước.
Tuy nhiên SLS vẫn thận trọng dự báo niên độ mới sẽ vẫn là giai đoạn khó khăn với doanh nghiệp. Rủi ro tới từ nạn buôn lậu, gian lận thương mại chưa được kiểm soát triệt để, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao làm giảm thu nhập của người trồng mía, vùng nguyên liệu Công ty dự báo ngành mía đường tiếp tục gặp khó khăn do nạn buôn lậu, gian lận thương mại vẫn chưa được kiểm soát triệt để, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao làm giảm thu nhập của người trồng mía, vùng nguyên liệu ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác…
Về nông nghiệp, Công ty tiếp tục đầu tư phát triển vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa của Công ty và người trồng mía, áp dụng các biện pháp trồng, thâm canh tiên tiến và các loại giống mới để nâng cao năng suất, chất lượng mía.
Xây dựng mối quan hệ gắn kết, bám sát và lồng ghép các chỉ tiêu kế hoạch của địa phương để phát triển vùng nguyên liệu mía, đảm bảo công suất ép 5,200 tấn mía/ngày của nhà máy.
Về chế biến, SLS cho biết sẽ chú trọng công tác bảo dưỡng sửa chữa dây chuyền sản xuất để ổn định công suất chế biến đường đáp ứng chế biến kịp mùa vụ thu hoạch mía và nâng cao chất lượng đường thành phẩm. Tiếp tục xem xét đầu tư các thiết bị mang tính đổi mới công nghệ.
Về tài chính, Công ty sẽ đẩy mạnh công tác tiêu thụ, tăng nhanh vòng quay vốn, quản lý chặt chẽ để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, đảm bảo sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, nâng cao năng lực tài chính.
Nhìn lại niên độ 2021-2022, SLS ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối khả quan. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 885 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ niên độ trước nhưng vẫn chỉ hoàn thành 84% kế hoạch. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng gần 15% lên mức 188 tỷ đồng, gấp tới 2,5 lần mục tiêu đã được đề ra.
Theo lý giải của Công ty, tổng doanh thu không đạt kế hoạch trong niên độ 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, sản xuất và tiêu dùng bị đình trệ, giao thương buôn bán khó khăn, vì vậy sản lượng tồn kho cao, doanh thu giảm. Tuy nhiên, SLS đã tiết giảm chi phí, hạ giá thành, giúp Công ty hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhận đề ra.
Triển vọng cuối năm của ngành đường sẽ "ngọt" hơn
Trong báo cáo triển vọng ngành đường mới đây, SSI Research kỳ vọng rằng các biện pháp mới nhất của Bộ Công Thương sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng đường cũng như hoạt động sản xuất đường trong nước trong dài hạn, do các hạn chế nhập khẩu đường của Thái Lan và sự thiếu hụt nguồn cung ở Việt Nam.
Theo VSSA, giá đường Thái Lan thấp hơn 11% so với giá đường Việt Nam, tạo điều kiện cho đường Thái Lan chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Việc áp thuế suất 47,6% đối với đường nhập khẩu (từ Thái Lan và các nước ASEAN khác) sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam. SSI Research ước tính giá đường nhập khẩu sẽ tăng lên 22.000 đồng/kg sau khi được tính thuế đầy đủ.
Bên cạnh đó, SSI Research kỳ vọng giá đường trong nước sẽ tăng tương đương với giá đường nhập khẩu do nguồn cung trong nước thiếu hụt trong thời gian tới. Đội ngũ phân tích dự báo giá đường trong nước sẽ tăng lên mức 19.000-20.000 đồng/kg vào cuối năm 2022, tăng 10% so với giá đường hiện tại.
Nhịp Sống Thị Trường