Dự báo ngành ngân hàng năm 2022
Ngành ngân hàng sẽ có nhiều thuận lợi trong năm 2022 nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, diễn biến khó dự đoán của dịch bệnh là yếu tố chi phối mạnh nhất đến hoạt động kinh doanh của các nhà băng.
- 02-01-202210 người giàu nhất ngành ngân hàng 2021 là những ai?
- 30-12-2021Những chính sách nổi bật, “có 1 không 2” của ngành ngân hàng 2021
- 25-12-2021Triển vọng ngành ngân hàng 1 – 2 năm tới: Trích lập dự phòng đủ để ''cover" rủi ro, có thể sớm tăng vốn cho nhóm Big4
Trong báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2022 mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, đại dịch bùng phát cuối năm 2021 phần nào nằm ngoài dự đoán số đông. Với diễn biến khó lường của dịch bệnh, nhóm phân tích thận trọng nâng hạng triển vọng năm 2022 đối với lĩnh vực ngân hàng sau khi xem xét nhiều kịch bản mà trong đó các biến thể mới có thể xuất hiện và một số gián đoạn có thể xảy.
Những yếu tố hỗ trợ hoạt động kinh doanh ngành ngân hàng
Theo VDSC, trong nhiều kịch bản về tốc độ phục hồi, điều kiện kinh doanh nhìn chung vẫn sẽ cải thiện năm 2022, giúp giảm bớt rủi ro tín dụng chung của nền kinh tế và qua đó, thúc đẩy cung và cầu tín dụng. Kết hợp với vị thế thanh khoản dồi dào hiện tại, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022.
Hoạt động kinh tế sôi động trở lại cũng dẫn đến tốc độ lưu thông tốt hơn nhờ nhu cầu thanh toán và đầu tư, qua đó, hỗ trợ tăng trưởng huy động tiền gửi. Tiền gửi doanh nghiệp có thể tăng chậm hơn so với năm 2021 trong khi tiền gửi bán lẻ tăng tốc, hỗ trợ tăng trưởng huy động ở các ngân hàng định hướng bán lẻ.
VDSC cũng duy trì quan điểm về sự phục hồi "chữ K" nhắc đến trong Báo cáo Chiến lược 6 tháng cuối năm 2021. Điều này dẫn đến xu hướng tăng trưởng tín dụng và tiền gửi không đồng đều giữa các ngân hàng do khác biệt về phân khúc khách hàng và khả năng vượt qua những gián đoạn ngắn hạn.
Mặt khác, VDSC cho rằng hành vi khách hàng trong giai đoạn bình thường mới sẽ dẫn đến những thay đổi mang tính cấu trúc ở cơ cấu huy động.
Theo đó, giãn cách xã hội chặt chẽ và lâu dài sẽ dẫn đến những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng. Nó cũng thay đổi cách mọi người gửi tiền tiết kiệm và do đó, đòi hỏi các tổ chức tài chính phải thích ứng với hành vi mới của dòng tiền.
VDSC nhận định cơ cấu tiền gửi của một số ngân hàng sẽ thay đổi bền vững. Trong lúc đó, khi lãi suất huy động vẫn được duy trì ở mức thấp và nền kinh tế đang nỗ lực chuyển đổi sang phi tiền mặt, tỷ lệ CASA dự kiến tiếp tục xu hướng tăng. CASA tăng sẽ cải thiện biên NIM, giúp giảm chi phí, bao gồm cả chi phí hoạt động và cuối cùng sẽ dẫn đến hiệu quả hoạt động tốt hơn.
Trong khi đó, phí trả trước bancassurance đã trở thành yếu tố thúc đẩy thu nhập đột biến do định giá tăng. Sang năm 2022, biến động thu nhập hàng quý có thể tiếp tục duy trì ở một số ngân hàng do điều này.
Giao dịch thanh toán trực tuyến vẫn tăng, trong khi doanh số bancassurance phân hóa giữa các ngân hàng do khác biệt nền tảng công nghệ. Xu hướng phục hồi sẽ thúc đẩy thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng định hướng bán lẻ.
Bên cạnh đó, chi phí rủi ro khả năng giảm tốc và hiệu ứng nền so sánh tốt được kì vọng là các yếu tố tăng trưởng chủ lực
Sự khó đoán của dịch bệnh sẽ là thách thức chính
Theo VDSC, đại dịch bùng phát cuối năm 2021 phần nào nằm ngoài dự đoán số đông. Kế hoạch trích lập dự phòng của nhiều ngân hàng bị điều chỉnh đáng kể, chứng tỏ yếu tố không chắc chắn của Covid.
Diễn biến của đại dịch là không chắc chắn, có nghĩa là nợ xấu hình thành được dự báo với độ tin cậy chưa được xác định. Hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu hình thành là hậu quả của cú sốc, trong trường hợp đại dịch kết thúc, sẽ vẫn bất định ngay cả khi tham chiếu các cuộc khủng hoảng trước đó.
Bên cạnh đó, nhìn vào dự báo trong Báo cáo Chiến lược 6 tháng cuối năm 2021, nhóm phân tích không đánh giá cao đà cắt giảm chi phí của một số ngân hàng do áp lực lợi nhuận. Khi toàn ngành ở trong cuộc đua công nghệ vốn đòi hỏi đầu tư và nghiên cứu sâu, tỷ lệ chi phí hoạt động /tổng thu nhập CIR sẽ tạm thời tăng lên. Trái ngược với kỳ vọng năm ngoái về việc CIR sẽ trở thành yếu tố tăng trưởng năm 2021, VDSC cho rằng CIR sẽ tác động tiêu cực tại một số ngân hàng năm 2022 trong giai đoạn bình thường hóa.
Rủi ro thứ tiếp theo mà ngành ngân hàng có thể phải đối mặt trong năm 2022 là hiệu ứng tiền gửi đột biến giảm dần. Theo VDSC, chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động từ năm 2020 chỉ có thể đáp ứng tăng trưởng trong 1,0-1,5 năm, do vậy sẽ xuất hiện áp lực lên các tỷ lệ thanh khoản từ nửa cuối năm 2022.
Cụ thể, đại dịch dẫn đến việc tái phân bổ giữa các kỳ hạn gửi tiền và tiền gửi ngắn hạn tăng mạnh, đặc biệt là không kỳ hạn. Khi lãi suất bình thường hóa, chuyển dịch ngược chiều từ các kỳ hạn ngắn sang các kỳ hạn dài hơn có thể gây rủi ro và phát sinh chi phí.