MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự báo thị trường tiền tệ tiếp tục trầm lắng

08-09-2020 - 08:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Dự báo này đặt trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế vẫn phức tạp và khó lường.

Sự phức tạp và khó lường đó đã thể hiện trong tháng 8 - tháng đầu tiên thị trường ghi nhận những tác động của dịch Covid-19 trở lại trong cộng đồng.

Tuy nhiên, như dự báo mà các hội viên Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) đã đưa ra, thực tế lạm phát đã có thể để qua một bên, với nhận định Covid-19 đánh vào tổng cầu của nền kinh tế. Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng ( CPI ) tháng 8 tăng thấp nhất 5 năm qua.

Lãi suất VND, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng cùng lợi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục ổn định ở mức thấp. Đi cùng, điểm nổi bật tháng qua là hoạt động mua vào ngoại tệ khá lớn của Ngân hàng Nhà nước.

Sự ổn định trên được các hội viên của (VIRA) cùng chung dự báo nối tiếp trong tháng 9 này. Điểm chung, thị trường tiền tệ của Việt Nam sẽ tiếp tục trầm lắng, theo hướng không có biến động mạnh ở các chỉ tiêu.

Dự báo thị trường tiền tệ tiếp tục trầm lắng - Ảnh 1.

LẠM PHÁT DỰ BÁO TIẾP TỤC Ở MỨC THẤP

Như trên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 vừa qua đã giảm 0,12% so với tháng 12/2019 và tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước, tăng thấp nhất 5 năm qua.

Ở bối cảnh chung, sau hơn một tháng dịch Covid-19 trở lại trong cộng đồng và tác động mạnh đến sức cầu của nền kinh tế, thì đến nay Việt Nam đã tiếp tục kiểm soát thành công bệnh dịch này.

Từ đầu tháng 9, các địa phương trong "làn sóng thứ 2" đã lần lượt gỡ bỏ hoặc nới dần việc giãn cách xã hội; các hoạt động giao thông vận tải, dịch vụ du lịch và giải trí… cũng trở lại. Nền kinh tế tiếp tục trạng thái bình thường mới.

Trong khi đó, một trong những điểm nổi bật nhất những tháng đầu năm nay là giá thịt lợn đã giảm mạnh từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 này. Thị trường cũng vừa trải qua đợt điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục tại nhiều địa phương trước thềm khai giảng năm học mới…

Dự báo từ các hội viên VIRA, những thành viên đến từ khối nghiên cứu thị trường của các ngân hàng thương mại, tiếp tục hướng đến khả năng CPI ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tiêu này bình quân trong dự báo chỉ ở 3,05% so với mức 3,18% của tháng 8 vừa qua.

Dự báo thị trường tiền tệ tiếp tục trầm lắng - Ảnh 2.

TỶ GIÁ USD/VND TIẾP TỤC "KẺ THẲNG"?

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trên thị trường trong tháng 8 vừa qua là hoạt động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Điều này góp phần lý giải sự trầm lắng của diễn biến tỷ giá USD/VND trên các thị trường, khi mức giao ngay trên thị trường liên ngân hàng gần như "đứng im" ở ngưỡng chặn 23.175 VND - mức Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết mua vào.

Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng cho biết dự trữ ngoại hối hiện đã đạt khoảng 92 tỷ USD, có thể tiếp tục được nâng lên 100 tỷ USD vào cuối năm nay.

Dòng ngoại tệ vào hệ thống lớn, trong khi kỳ vọng tỷ giá gần như không có, đã kích thích các tổ chức tín dụng ồ ạt bán USD về Ngân hàng Nhà nước. Diễn biến này tiếp tục thể hiện trong tháng 9.

Theo đó, dự báo từ VIRA có điểm chung: hầu hết các thành viên đều "kẻ thẳng" điểm đến của tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng với 23.175 VND. Điều này có nghĩa hầu hết cùng dự tính Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh giá mua vào.

Tuy nhiên, một số thành viên có tính toán khác. Đó là khả năng nhà điều hành sẽ hạ giá mua vào và tỷ giá này sẽ giảm nhẹ từ 10 - 15 VND trong tháng 9, ứng với điểm đến mới 23.160 - 23.165 VND.

Dù có khác biệt nhất định trong các dự báo, nhưng điểm đến chung tiếp tục thể hiện: tỷ giá USD/VND vẫn trầm lắng về mặt con số hiển thị, gắn với hoạt động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Dự báo thị trường tiền tệ tiếp tục trầm lắng - Ảnh 3.

"MÙA TIỀN RẺ" KÉO DÀI TRÊN LIÊN NGÂN HÀNG

Hoạt động mua vào ngoại tệ quy mô lớn nói trên có ảnh hưởng đến các chỉ tiêu dự báo. Trong đó, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục được bình ổn ở mức thấp.

Đơn cử như ở tạo cung. Chỉ riêng tháng 8 vừa qua, ước tính có tới 3,1 tỷ USD Ngân hàng Nhà nước mua ròng, tương ứng với khoảng 74.000 tỷ đồng cung ứng. Quy mô đó chưa dừng lại và tiếp tục gia tăng trong tháng 9, cũng như với cập nhật nói trên về quy mô dự trữ ngoại hối gia tăng.

Trong khi đó, chênh lệch giữa huy động ròng và cho vay ròng thị trường 1 của hệ thống ở mức cao trong tháng qua, với khoảng 50 nghìn tỷ đồng.

Các yếu tố trên cùng góp phần bình ổn, tạo trầm lắng về biểu hiện lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Và ngay cả lãi suất huy động VND trên thị trường 1, vừa qua có thêm bước cắt giảm tại nhiều ngân hàng thương mại.

Ở kỳ hạn 1 tuần mà các thành viên VIRA lựa chọn, dự báo lãi suất VND tiếp tục giảm thêm trong tháng 9 này, với mức bình quân tháng sẽ ở 0,27%/năm so với mức 0,32% bình quân trong tháng 8.

Dự báo thị trường tiền tệ tiếp tục trầm lắng - Ảnh 4.

CỜ TRONG TAY NHÀ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ

Hoạt động mua vào ngoại tệ nói trên đi cùng với lượng VND cung ứng lớn, trong khi cân đối huy động - cho vay ròng trên thị trường 1 chênh lệch dương khá cao, thanh khoản hệ thống dồi dào thì một điểm đến quen thuộc vẫn là đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Dư địa đầu tư trái phiếu Chính phủ đến cuối tháng 8 của các tổ chức tín dụng còn khá lớn khi họ mới chỉ đầu tư ròng kể từ đầu năm khoảng 34 nghìn tỷ đồng vào loại giấy tờ có giá này. Trong khi đó, quý IV sắp đến có tới gần 50.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đáo hạn, đồng nghĩa với nhu cầu tiếp tục đầu tư ở đây để cân bằng danh mục.

Với nhu cầu và nguồn vốn hệ thống thuận lợi, cờ đang trong tay nhà phát hành trái phiếu Chính phủ. Kho bạc Nhà nước đang chủ động hơn trong cân đối nguồn phát hành, cũng như có được lãi suất dễ chịu nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, với lượng huy động ròng khoảng 100.000 tỷ đồng sau 8 tháng đầu năm, phải trả lãi suất và cân đối chi phí ngân sách, nhà phát hành có thể sẽ cân đối tập trung hơn trong quý IV tới.

Theo đó, cung riêng trong tháng 9 này không lớn trong khi cầu mạnh lên như trên. Lợi suất trái phiếu Chính phủ được các thành viên VIRA dự báo tiếp tục xoay quanh mức thấp hiện tại. Mức dự báo bình quân cho tháng này hầu như không nhiều thay đổi so với lợi suất bình quân thực tế trong tháng 8 vừa qua, 2,89%/năm so với 2,88% ở kỳ hạn 10 năm.

Tuy nhiên, một số thành viên của VIRA dự tính lợi suất vẫn sẽ tiếp tục giảm.

Theo Minh Đức

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên