MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự báo từ cuối năm 2023 bất động sản nghỉ dưỡng mới có thể phục hồi

16-10-2021 - 07:35 AM | Bất động sản

Dự báo từ cuối năm 2023 bất động sản nghỉ dưỡng mới có thể phục hồi

Tốc độ triển khai tiêm chủng trên toàn quốc đã đem đến nhiều tín hiệu tích cực cho quá trình phục hồi của ngành nghỉ dưỡng, tuy nhiên để có thể quay trở lại mức độ hoạt động như trước đại dịch (năm 2019) các chuyên gia dự báo có thể sẽ cần đến khoảng cuối năm 2023 hoặc năm 2024 khi thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng và các hoạt động du lịch quốc tế được khôi phục trở lại.

Chia sẻ tại HoSkar Night – Sự kiện networking trực tuyến tiên phong trong lĩnh vực Bất động sản nghỉ dưỡng, các chuyên gia đã nhận định về tình hình hồi phục của ngành nghỉ dưỡng, xu hướng thiết kế và việc ứng dụng công nghệ trong tương lai.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, tốc độ triển khai tiêm chủng trên toàn quốc đã đem đến nhiều tín hiệu tích cực cho quá trình phục hồi của ngành nghỉ dưỡng, tuy nhiên để có thể quay trở lại mức độ hoạt động như trước đại dịch (năm 2019) các chuyên gia dự báo có thể sẽ cần đến khoảng cuối năm 2023 hoặc năm 2024 khi thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng và các hoạt động du lịch quốc tế được khôi phục trở lại. Hơn 80% khán giả HoSkar Night tham gia khảo sát cũng đồng ý với các mốc thời gian trên và gần 76% khán giả cũng cho rằng chỉ một số ít địa phương có thể mở cửa đón du khách quốc tế trong quý 1 năm 2022.

Theo các chuyên gia, nguồn cầu nội địa dự kiến sẽ sớm phục hồi ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát với tỷ lệ tiêm chủng vaccine đạt yêu cầu đồng thời các quy định về việc cách ly được nới lỏng. Chính quyền địa phương và các sở ban ngành cũng đang nỗ lực trong việc lên phương án mở cửa đón khách du lịch hay thí điểm nối lại các đường bay nội địa để từng bước khôi phục ngành du lịch và thích ứng với trạng thái "bình thường mới".

Dự báo từ cuối năm 2023 bất động sản nghỉ dưỡng mới có thể phục hồi - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, khi được khảo sát về các điểm đến du lịch sau thời gian giãn cách và nới lỏng các quy định về cách ly, hơn 50% khán giả của chương trình này đã lựa chọn Phú Quốc bên cạnh các điểm đến khác như Đà Nẵng hay Vũng Tàu – Hồ Tràm. Trong đó, đáng chú ý, vẫn còn khoảng gần 14% e ngại về dịch Covid và có lẽ sẽ đi du lịch trở lại khi cảm thấy an toàn hơn trong thời gian tới.

Có thể thấy đại dịch Covid đã và đang thúc đẩy các quá trình chuyển đổi, ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực và khía cạnh của cuộc sống. Sự chuyển đổi này cũng đang hiện diện rõ hơn trong lĩnh vực khách sạn khi các khách sạn đã và đang bắt đầu ứng dụng nhiều công nghệ mới trong hoạt động vận hành để thích ứng với xu hướng toàn cầu mới cũng như những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng.

Đại dịch lần này đã góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển của các công nghệ kể trên, song song với những cơ hội cho các công nghệ mới tiếp cận thị trường, như công nghệ nhận diện khu vực bằng AI nhằm tránh tập trung đông đúc đồng thời tại một địa điểm, công nghệ robot trong các dịch vụ phòng (dọn vệ sinh, giặt ủi, và ăn uống tại phòng), các ứng dụng về quy chuẩn an toàn vệ sinh, cũng như nhiều công nghệ mới khác. Công nghệ thông minh giúp cải thiện, cá nhân hóa trải nghiệm, nhằm thắt chặt kết nối giữa khách sạn với khách hàng mà không lấy đi tương tác giữa người và người như nhiều người lầm tưởng.

Trong phiên thảo luận về các xu hướng thiết kế trong ngành nghỉ dưỡng, các chuyên gia nhận định sự thay đổi bối cảnh kinh tế xã hội và các yếu tố nhân khẩu học đang thúc đẩy sự hình thành các xu hướng mới, du khách có khuynh hướng chú trọng "tìm kiếm trải nghiệm" hơn so với giai đoạn trước. Để thu hút nhóm khách hàng này, các chủ đầu tư cần phải thích ứng với những thay đổi trong hành vi và sở thích của người tiêu dùng từ mong muốn sở hữu vật chất chuyển sang sở hữu trải nghiệm. Khách sạn giờ đây không chỉ đơn giản là nơi lưu trú mà du khách sẽ mong muốn có nhiều trải nghiệm mới mẻ hơn đồng thời có cơ hội tìm hiểu khám phá văn hóa bản địa, mở mang tri thức mới, cảm nhận những nét riêng tại điểm đến du lịch.

Thông qua cuộc khảo sát thực hiện bởi HoSkar Night, hơn 72% khách tham gia khảo sát cho rằng ngành nghỉ dưỡng Việt Nam cần thêm nhiều dự án nghỉ dưỡng chú trọng yếu tố sức khỏe (Wellness resort). Theo các chuyên gia, bên cạnh các yếu tố thẩm mỹ và công năng sử dụng, các thiết kế khu nghỉ dưỡng cần phải truyền tải được ý tưởng thông qua kiến trúc và cảnh quan của dự án. Các thiết kế cần có sự hòa hợp với điều kiện ngoại cảnh, đặc điểm môi trường, cảnh quan thiên nhiên cũng như sự đồng nhất trong việc lựa chọn chất liệu, kết cấu của nội thất, v.v để đem đến sự hài hòa trong tổng thể dự án. Chính vì vậy, việc hoạch định một dự án Wellness đòi hỏi sự cẩn trọng trong việc kết hợp nhiều yếu tố không chỉ từ tiện ích dịch vụ, chế độ ăn uống mà còn từ phong cách thiết kế nhằm đem đến những trải nghiệm Wellness đúng nghĩa cho du khách.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên