MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự báo VN-Index lên quanh 1.500 điểm, ông Lã Giang Trung tiết lộ một nhóm cổ phiếu có thể bật tăng mạnh nhất năm 2024

Dự báo VN-Index lên quanh 1.500 điểm, ông Lã Giang Trung tiết lộ một nhóm cổ phiếu có thể bật tăng mạnh nhất năm 2024

Ông Lã Giang Trung nhấn mạnh "bùng nổ" sẽ là từ khoá chính cho thị trường chứng khoán năm 2024 và nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để nắm bắt cơ hội hiếm có trên thị trường chứng khoán.

Trong buổi trao đổi với chúng tôi vào đầu năm ngoái, ông Lã Giang Trung – CEO Passion Investment nhận định "sẵn sàng" là tâm thế nhà đầu tư chứng khoán cần chuẩn bị trong năm 2023, sẵn sàng đối diện những sóng gió và sẵn sàng nắm bắt cơ hội trên thị trường chứng khoán. Và thực tế, dù trải qua nhiều biến động khó lường, VN-Index cũng đã kết năm 2023 với mức tăng ấn tượng hơn 12%.

Sang đến năm 2024, từ khoá chính cho TTCK được CEO Passion Investment nhấn mạnh chính là "bùng nổ". Sự xoay chiều chính sách của Fed, chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng và chính sách tài khoá đẩy mạnh của Việt Nam sẽ là tiền đề cho đà bùng nổ của thị trường trong năm 2024.

GT-24.jpg

Năm 2024 dự báo là năm đánh dấu sự đảo chiều về chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng của Fed. Theo ông, động thái của Fed có thể tác động như thế nào đến việc điều hành của NHNN Việt Nam?

Chính sách tiền tệ của Fed luôn là yếu tố có tác động lớn nhất đến các thị trường tài chính toàn cầu. Về bản chất, khi Fed quay đầu giảm lãi suất hàm ý rằng một chu kỳ nới lỏng tiền tệ sắp đến và điều này có lợi cho các thị trường tài chính trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vừa trải qua giai đoạn khó khăn, Chính phủ sẽ có biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế khi lạm phát duy trì ở mức thấp. Tuy tỷ giá vẫn áp lực, nhưng việc Fed có thể quay đầu giảm lãi suất có thể giúp cung tiền thế giới tốt lên và chênh lệch lãi suất đỡ căng thẳng.

Dù vậy, chính sách tiền tệ Việt Nam khó có thể nới lỏng thêm vì lãi suất huy động hiện đã về mức rất thấp rồi. Quan trọng nhất là việc lãi suất thấp đó duy trì bao lâu và cung tiền M2 có tăng được hay không. Hiện tại, lãi suất rất thấp nhưng cung tiền M2 tăng rất chậm bởi vòng quay tiền chưa hồi phục do các cái chủ thể trong nền kinh tế hấp thụ vốn chưa tốt. Với việc lãi suất tiếp tục đi ngang và kinh tế hồi phục, cung tiền M2 sẽ tăng mạnh và điều này tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng.

Nhiều kỳ vọng cho rằng thời điểm Fed đảo chiều chính sách có thể giúp chứng khoán Việt Nam tăng mạnh. Ông nhận định ra sao về điều này?

Không hẳn vậy. Chúng ta cần phải nhìn rõ việc giảm lãi suất của Fed là chủ động hay bị động. Trong kịch bản lạm phát giảm, nền kinh tế không bị suy thoái nặng và Fed hạ lãi suất chậm dần, kịch bản "hạ cánh mềm" diễn ra giúp thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam tiếp tục đi lên. Kịch bản thứ hai là "hạ cánh cứng" khi Fed chưa nới lỏng chính sách mà nền kinh tế thế giới đã rơi vào suy yếu khiến Fed sẽ phải giảm lãi suất đột ngột thì sẽ là giai đoạn khó khăn cho thị trường tài chính thế giới và thị trường Việt Nam. Đặc biệt chứng khoán Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ với chứng khoán thế giới, đặc biệt là chứng khoán Mỹ nên nhà đầu tư cũng cần theo dõi sát sao các chỉ số này.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng tốt trong nhiều năm được dẫn dắt bởi nhóm công nghệ là chính, trong khi cơ cấu thị trường Việt Nam chủ yếu là bất động sản, ngân hàng. Liệu có trường hợp chứng khoán Mỹ tăng miệt mài tăng nhưng VN-Index vẫn "giậm chân tại chỗ" do không có những cổ phiếu hot trend như vậy?

Câu chuyện Mỹ có doanh nghiệp chất lượng đã phản ánh ở chênh lệch giữa mức tăng của SP&500 và VN-Index. Trong khi VN-Index còn cách xa đỉnh thì Mỹ đã vượt đỉnh cũ rồi. Bản chất của thị trường Việt Nam làkhông có nhiều doanh nghiệp tạo ra giá trị lớn, tăng trưởng mạnh và phát minh mới. 

Những doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu mang tính chất chu kỳ và cổ phiếu cũng tương tự. Trong khi những cổ phiếu công nghệ tại Mỹ có thể tăng bằng lần so với mức đỉnh trước đó, cổ phiếu Việt Nam có thể quay lại mức cũ đã từng hoặc cao hơn đôi chút nếu Fed nới lỏng tiền tệ. Dù cùng chiều đi lên, nhưng chứng khoán Mỹ theo chiều đi lên mạnh mẽ và đó là điều này đã thể hiện sự khác biệt giữa chất lượng doanh nghiệp.

Thực tế, chứng khoán Mỹ thời gian qua đã đi lên mạnh mẽ trước dự báo khả năng xảy ra suy thoái của đấtnước này là rất thấp. Chứng khoán Việt Nam dù không tăng quá mạnh nhưng vẫn đi lên kể từ đáy do nền kinh tế vẫn còn hơi chậm. Đây cũng là một điểm sáng cho thị trường trong thời gian tới, vì vẫn còn dư địa tăng tốt nếu chứng khoán thế giới tiếp tục đi lên.

GT-25.jpg

Dưới góc nhìn của ông, bức tranh vĩ mô năm 2024 sẽ như thế nào? Và đâu sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường chứng khoán trong năm sau?

Năm 2022 và 2023 là hai năm rất khó khăn nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng trên 5%. Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó nhất về kinh tế nên mục tiêu tăng trưởng 6% hay hơn nữa khá khả thi trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ dự báo tiếp tục hồi phục tích cực trên nền lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới.

Trong bất cứ thời điểm nào, sự kiện quan trọng nhất đối với thị trường chứng khoán vẫn là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Mọi vận động của các doanh nghiệp đi theo những chính sách này. Khả năng chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì nới lỏng, chính sách tài khóa tiếp tục đẩy mạnh sẽ là những điểm rất tích cực cho chứng khoán năm 2024. Trong vòng 6 tháng tới, tôi cho rằng không có điều gì có thể ảnh hưởng tới chính sách nới lỏng tích cực đang diễn ra.

Vậy theo ông chứng khoán Việt Nam đang trong chu kỳ nào của nền kinh tế?

TTCK có 3 chu kỳ hồi phục, bùng nổ và suy thoái. Kể từ tháng 11/2022 chứng khoán Việt Nam vẫn trong giai đoạn hồi phục. Sau giai đoạn hồi phục của một số doanh nghiệp, thị trường sẽ tiếp tục đi lên nhờ đà hồi phục của nhóm định giá thấp còn lại. Sau khi định giá của cả thị trường đã về mức bình thường, VN-Index muốn đi lên thì các doanh nghiệp phải có mức tăng về lợi nhuận. Sau giai đoạn hồi phục, thị trường tăng từ từ khoảng 3 năm sau đó.

Ở giai đoạn đầu phục hồi khó kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá. Tôi cho rằng tăng trưởng doanh nghiệp năm 2024 chỉ ở mức 10-12%. Tuy nhiên, TTCK là thị trường của sự kỳ vọng, nếu thị trường tăng trong 6 tháng đầu năm thì kỳ vọng tăng trưởng 10% đã được phản ánh. Nửa cuối năm 2024 thị trường sẽ nhìn vào kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2025 và con số này dự báo tăng trên 20%.

Từng là chuyên gia có dự đoán khá chính xác về điểm số của VN-Index, ông đưa ra dự báo gì về kịch bản thị trường năm 2024?

Thứ nhất về mặt định giá, định giá chung của thị trường thì ở mức không cao với P/E khoảng 13-14 lần, P/B ở mức 1,7 – 1,8 lần. Thứ hai, thị trường thế giới đang rất tốt khi các chỉ số chứng khoán thế giới đa phần vượt đỉnh.

Tổng hoà thêm những yếu tố tích cực như chính sách tiền tệ thế giới chuẩn bị nới lỏng, chính sách tiền tệ Việt Nam duy trì với lãi suất thấp nhất trong lịch sử, TTCK năm 2024 tiềm ẩn đà bùng nổ rất lớn. Tôi cho rằng VN-Index năm 2024 có cơ hội quay lại vùng xung quanh 1.500 điểm, tăng trưởng khoảng trên 30%. Đây sẽ là tiền đề để quý 1/2025 thị trường vượt đỉnh cũ.

Tuy nhiên, việc thị trường chứng khoán tăng trưởng năm 2024 nó sẽ khác so với năm 2023. Nếu năm ngoái động lực dẫn dắt thị trường tăng điểm là những phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thì 2024 sẽ là năm của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có định giá thấp. Dù nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ dẫn dắt VN-Index bứt phá mạnh trong năm 2024, song sẽ có rất ít cổ phiếu tăng mạnh hơn VN-Index.

Năm nay có nhiều nét tương đồng với giai đoạn năm 2017 khi VN-Index tăng 50% nhưng nhiều người không kiếm được tiền. Bởi thời điểm kiếm tiền nhanh nhất là khi thị trường tăng ít các cổ phiếu thay nhau tăng luân phiên, còn khi nhóm vốn hoá lớn tăng thì chỉ số bứt phá mạnh nhưng nhà đầu tư khó xoay vòng cổ phiếu liên tục.

GT-26.jpg

Định giá P/E thị trường ngày càng thấp, cùng là mốc điểm 1.100 điểm nhưng P/E năm 2007 là 50 lần, 2018 khoảng 22 lần, hiện loanh quanh ở mức 13,x lần. Điều này có thể cho thấy thị trường đang định giá rẻ nhưng P/E thấp cũng cho thấy nhà đầu tư về NĐT kém kỳ vọng vào chứng khoán khi trả giá ngày càng thấp. Ông nghĩ sao về điều này?

P/E thường so sánh với lãi suất hoặc tăng trưởng. Ở giai đoạn trước 2007, kinh tế đang tăng trưởng 8-9%. Hiện, tăng trưởng kinh tế ở mức độ vừa hơn ngày trước đó với 6-7% kéo theo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cũng chậm lại. Điều này dẫn đến việc P/E thị trường ngày càng thấp xuống.

Bên cạnh đó, TTCK ngày càng phát triển thì NĐT càng thông minh và biết định giá nào phù hợp. Trước đó, định giá P/E 50 lần nhiều người chưa hiểu nhiều về chứng khoán, nhưng định giá P/E 22 lần năm 2018 nhiều nhà đầu tư đã biết là đắt. Do đó, TTCK có giai đoạn bùng nổ và lao dốc nhưng không có mức độ thảm khốc như hồi xưa, bởi khi thị trường tham lam nhất, định giá cũng không đến mức đắt đỏ như vậy.

Xét thêm về yếu tố tăng trưởng trong môi trường lãi suất thấp kỷ lục như hiện tại, tôi cho rằng mức P/E đó không phải cao.

Thị trường tiềm năng, định giá rẻ nhưng khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng. Ông đánh giá ra sao về tác động của khối ngoại đến thị trường?

Khối ngoại là nhà đầu tư chuyên nghiệp có chiến lược theo giai đoạn và định giá. Tác động của họ đến TTCK không còn nhiều mà chỉ ảnh hưởng vào thời điểm mang tính chất xoay chiều. Minh chứng là cuối năm 2022, khối ngoại mua ròng mạnh nhưng thị trường vẫn đi xuống, khối ngoại bán ròng mạnh mẽ vào giữa năm ngoái nhưng thị trường vẫn duy trì ổn định.

Trong năm nay, khả năng khối ngoại sẽ có nhiều cơ hội quay lại thị trường Việt Nam khi lãi suất bớt phần hấp dẫn. Thực tế, chưa cần Fed sẽ hạ lãi suất thì lãi suất ở Mỹ đã giảm rồi, Fed Funds rate dự kiến năm nay sẽ giảm nhưng Bon Yield đã giảm gần 100 điểm từ đỉnh. Khi đó, dòng tiền ở thị trường Mỹ có thể lan tỏa ra các thị trường khác.

Sự thiếu vắng của các thương vụ niêm yết mới trên sàn chứng khoán có phải là nguyên nhân khiến cho nền định giá ngày càng thấp và khối ngoại liên tục bán ròng không, thưa ông?

Đây cũng là một điểm kém hấp dẫn bởi doanh nghiệp lớn hầu như đã lên sàn hết và Việt Nam thiếu những doanh nghiệp tiên phong đổi mới, tăng trưởng vượt bậc. TTCK Việt Nam mang tính chu kỳ nhiều hơn, bản chất doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh không thay đổi quá nhiều nhưng giá cổ phiếu sẽ biến động theo chu kỳ.

GT-27.jpg

Với những dự báo tích cực trên, ông cho rằng chiến lược đầu tư nào phù hợp và nhóm cổ phiếu nào sẽ là tâm điểm của năm 2024?

Chiến lược xuyên suốt năm nay là chọn cổ phiếu vốn hóa lớn đang bị định giá thấp và không nên trading quá nhiều. Bởi trong một thị trường uptrend đi lên việc giao dịch quá sẽ khiến nhà đầu tư mất cơ hội với những cổ phiếu tốt, thay vào đó nhà đầu tư mua và nắm giữ cho cả năm 2024. Cũng cần nhấn mạnh là năm nay nhà đầu tư sẽ rất khó tìm cổ phiếu tăng gấp đôi.

Về cơ hội đầu tư với nhóm có định giá hấp dẫn, tôi cho rằng ngân hàng sẽ là nhóm cổ phiếu của năm 2024. Trên nền lãi suất thấp duy trì được Chính Phủ định hướng cộng thêm nền định giá thấp với P/E 5-6 lần, P/B 1-1,2 lần, cổ phiếu ngân hàng sẽ có nhiều lợi thế tăng mạnh. Bên cạnh đó, nhóm bán lẻ cũng dự báo khởi sắc với định giá rẻ và khó khăn cũng dần qua đi.

Nếu tín dụng nhóm bất động sản vẫn "tắc" thì nợ xấu nhóm ngân hàng sẽ ra sao và liệu nhà đầu tư có thể trả giá cao hơn cho nhóm này không, thưa ông?

Thực tế, bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhiều phân khúc bất động sản cũng tăng 10-15%. Bản chất ngân hàng cầm cố tài sản đảm bảo của người vay là bất động sản nên thanh khoản vẫn là yếu tố quan trọng nhất.

Nói nôm na nếu tài sản định giá 100 đồng, cho vay 70 đồng thì người đi vay cũng bỏ 30 đồng. Giả sử tài sản 100 đồng mất 40% còn 60 đồng thì ngân hàng có thể bị lỗ nếu không đòi được nợ, nhưng nếu tài sản đó giảm còn 70 đồng thì bản chất ngân hàng đã không còn bị lỗ. Nghĩa là bất động sản tăng 10-15% thì nợ xấu ngân hàng sẽ được xử lý chứ không cần chờ bất động sản quay lại đỉnh cũ.

Do đó, tôi cho rằng vấn đề nợ xấu không ảnh hưởng quá nhiều đến triển vọng cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới.

Hạ Anh - Thiết kế: Hải An

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên