Dù bị cả 5 “cá mập” từ chối sau Shark Tank mùa 1, startup này vẫn phát triển mạnh mẽ: Số lượng quán tăng gấp rưỡi, doanh thu tăng 20%
Dù bị cả 5 “cá mập” từ chối sau Shark Tank mùa 1, startup này vẫn phát triển mạnh mẽ: Số lượng quán tăng gấp rưỡi, doanh thu tăng 20%
Rain Coffee ra đời từ niềm đam mê với những ly cà phê "sạch" của CEO Đỗ Ngọc Hoà, giữa lúc thị trường đã có nhiều thương hiệu nổi tiếng như Trung Nguyên, Highlands Coffee, Nestcafe…
Startup này phát triển theo 2 hướng: vừa kinh doanh cà phê và hệ thống nhượng quyền thương hiệu, vừa sản xuất, cung cấp các sản phẩm cà phê hạt rang xay nguyên chất ra thị trường.
Xuất hiện trong tập cuối cùng của Shark Tank Việt Nam mùa 1, phát sóng ngày 24/2, CEO Đỗ Ngọc Hòa cùng người đồng hành, giám đốc tài chính và tiếp thị Nguyễn Hải Long muốn kêu gọi 2 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần công ty.
Theo chia sẻ tại thời điểm đó, Rain Coffee đang kinh doanh theo hình thức nhượng quyền với tổng cộng 10 quán. Đối tượng khách hàng nhắm tới là những người muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực F&B (Food and Beverage - Kinh doanh nhà hàng và đồ uống), có số vốn đầu tư 200 – 400 triệu đồng.
Rain Coffee sẽ góp cổ phần, tham gia vào quá trình thành lập, vận hành hoạt động quán cà phê. Khi quy trình hiệu quả, họ sẽ chuyển giao dần từng bước cho đối tác. Điều này giúp người khởi nghiệp giảm thiểu rủi ro ban đầu, mở quán cà phê mà không mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
Về các con số kinh doanh, trong năm đầu 2015, Rain Coffee bỏ ra 500 triệu, thu về được 200 triệu. Đến năm thứ hai, công ty tiếp tục lỗ khoảng 200 triệu đồng. Trong năm gần nhất 2017, Rain Coffee thu về 800 triệu và lãi 10%.
Các số liệu tài chính yếu kém cộng với điểm mạnh mô hình không rõ ràng khiến Shark Phú và Shark Linh quyết định không đầu tư. Shark Vương cũng cho rằng "10 cửa hàng nhưng doanh thu một năm chỉ 800 triệu là quá bé, không thể có lãi nên không đầu tư".
Còn Shark Khoa, người vốn có kinh nghiệm trong ngành F&B, cũng đành lắc đầu vì theo anh, Rain Coffee đang làm theo kiểu "con dao hai lưỡi", kinh doanh các sản phẩm dàn trải nên không có lực để tập trung đầu tư.
Cuối cùng là Shark Hưng, vì chưa hiểu rõ định hướng kinh doanh của Rain Coffee, việc định vị, nhân rộng mô hình sẽ mất rất nhiều thời gian nên anh cũng không đồng ý rót vốn.
Mặc dù bị từ chối bởi tất cả các Shark nhưng CEO Nguyễn Ngọc Hòa không hề nản lòng mà coi đây là cơ hội để startup học hỏi và tiến lên.
Anh tâm sự với báo chí như sau: "Tôi thật sự thấm thía bài học từ lần xuất hiện trên Shark Tank. Sau gần 3 năm khởi nghiệp, gần như toàn bộ nhân sự Raincoffee chưa biết tới thuật ngữ 'gọi vốn' nên chúng tôi mắc nhiều thiếu sót".
"Việc trình bày mô hình kinh doanh trước những "Shark" tài năng và giàu kinh nghiệm đã giúp nhóm sáng lập Raincoffee rút ra vô số bài học trong việc xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu, cơ cấu lại danh mục sản phẩm, cách thức quản lý tài chính hiệu quả, nhượng quyền".
Kết quả là sau 5 tháng xuất hiện trên Shark Tank, số lượng quán cà phê của Rain Coffee tăng từ 10 lên 15, doanh thu tăng 20%. Nhiều đối tác, nhà đầu tư trong nước và cả nước ngoài biết đến thương hiệu Rain Coffee và mong muốn thương lượng phương án hợp tác.
Nhìn lại những gì nhận được sau Shark Tank, CEO Nguyễn Ngọc Hòa khẳng định đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp startup trong bối cảnh phong trào khởi nghiệp đang bùng nổ.
"Có thể nhiều người nhìn nhận cơ hội tham dự Shark Tank như việc chào bán cổ phần. Với những doanh nghiệp mới như Rain Coffee, việc tham gia Shark Tank giúp chúng tôi biết dự án đang ở đâu trong hành trình khởi nghiệp, nhận sự hỗ trợ từ các cố vấn giàu kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp lớn", anh Hòa chia sẻ.
Trí thức trẻ