Dù chính tay đề cử người giữ vị trí chủ tịch Fed, vì sao tổng thống Mỹ khó có thể sa thải người đứng đầu ngân hàng trung ương?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoạt động độc lập khỏi chính phủ và áp lực chính trị.
- 15-05-2024Chủ tịch FED Jerome Powell: "Niềm tin của tôi đã sụt giảm vì các số liệu kinh tế đầu năm"
- 14-05-2024Chỉ số giá sản xuất tháng 4 tăng vượt dự báo: Kỳ vọng FED giảm lãi suất vấp thêm hòn đá tảng?
- 14-05-2024Chuyên gia: Mục tiêu lạm phát 2% của Fed là 'giấc mơ viển vông’, dự đoán Fed tiếp tục lùi thời điểm hạ lãi suất
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve System - Fed) là cơ quan duy nhất hoạt động độc lập trước áp lực chính trị và chính phủ. Các chủ tịch Fed được tổng thống bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm khi đến thời điểm, nhưng cả quốc hội lẫn tổng thống đều không thể đơn giản sa thải người đứng đầu ngân hàng trung ương chỉ vì một ý thích chính trị.
Sự ra đời của Fed
Cục dự trữ Liên bang Mỹ được thành lập vào 23/12/1913. Tổ chức này ra đời nhằm thực hiện chính sách tiền tệ, đảm bảo sự ổn định và an toàn cho nền kinh tế Mỹ. Năm 1910, do lo ngại khủng hoảng tài chính và kinh tế, giới chức Mỹ bao gồm các thành viên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thống nhất với nhau rằng hệ thống tiền tệ hiện tại của Mỹ đang thiếu linh hoạt và không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Ngày nay, Fed có 5 nhiệm vụ. Một là, thực hiện chính sách tiền tệ: giữ giá trị đồng tiền (lạm phát) bao gồm tác động lên việc cung tiền và cấp tín dụng. Hai là, quản lý và giám sát các tổ chức tài chính ngân hàng. Ba là, cung cấp dịch vụ thanh toán. Bốn là, đóng vai trò đại lý tài chính ngân hàng cho chính phủ Mỹ. Năm là, bảo vệ người tiêu dùng và phát triển cộng đồng.
Về tổ chức, Fed gồm: Hội đồng Thống đốc gồm 7 thành viên do Tổng thống đề cử và Hạ viện thông qua với nhiệm kỳ 14 năm để đảm bảo tính độc lập, liên tục và kế thừa; 12 ngân hàng liên bang khu vực; và Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC). Các thành viên bỏ phiếu của FOMC họp tám lần mỗi năm tại Washington để bàn về chính sách tiền tệ của Mỹ.
Cơ chế độc lập của Fed
Fed có cơ chế hoạt động độc lập vì các quyết định của cơ quan này không cần phải được tổng thống hay bất kỳ quan chức chính phủ nào khác phê chuẩn. Tuy nhiên, Fed vẫn chịu sự giám sát của quốc hội và phải hoạt động trong khuôn khổ các mục tiêu chính sách tài chính và tiền tệ của chính phủ.
Tổng thống đề cử một thống đốc Fed vào vị trí chủ tịch ngân hàng trung ương và có thể là người sa thải họ, mặc dù chưa có tiền lệ nào cả.
Mục 10 của Đạo luật Dự trữ Liên bang năm 1913 quy định rõ rằng các thống đốc Fed có thể “bị cách chức sớm hơn vì lý do của tổng thống”. Sarah Binder, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học George Washington, người nghiên cứu mối quan hệ của Fed với quốc hội, cho biết: Chủ tịch Fed cũng được coi là một thống đốc, có nghĩa là điều khoản này có thể áp dụng cho cả họ.
Nhưng điều gì tạo nên một “lý do” thì không rõ ràng lắm, kể cả là bất đồng về hướng đi của lãi suất. Binder nói: “Chỉ vì tổng thống không đồng ý với những lựa chọn chính sách của bạn, không có nghĩa là ông ấy có thể sa thải bạn”, Binder nói.
Tuy nhiên, nếu một tổng thống quyết định khởi động một cuộc chiến pháp lý nhằm sa thải chủ tịch Fed, các tòa án có thể sẽ xem xét các lý do như làm việc kém hiệu quả, lơ là nhiệm vụ hoặc có hành vi sai trái trong khi làm nhiệm vụ, Pete Earle, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ, cho biết.
Tuy nhiên, việc áp dụng điều đó có thể phức tạp hơn một chút, Earle nói. “Tăng lãi suất có phải lơ là nghĩa vụ?” “Tôi không thấy tòa án nào tranh cãi về điều đó. Fed chịu trách nhiệm điều chỉnh lãi suất khi thấy phù hợp”.
Tổng thống chỉ định đa số quan chức bỏ phiếu
Mặc dù một tổng thống thấy việc sa thải người đứng đầu Fed là đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn có những cách khác mà tổng thống có thể tác động đến Fed, chủ yếu bằng cách đề cử người vào hội đồng thống đốc Fed.
Trong tổng số 19 quan chức của Fed, tại bất kỳ thời điểm nào cũng có 12 người phục vụ trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) ấn định lãi suất của Fed, và 7 trong số đó là hội đồng thống đốc Fed. Những thống đốc này có thời hạn phục vụ tối đa là 14 năm, được tổng thống đề cử và Thượng viện phê duyệt. Họ cũng có quyền bỏ phiếu về chính sách mọi lúc.
Các tổng thống thường lựa chọn người phù hợp với quan điểm kinh tế của họ vào hội đồng thống đốc. Trên thực tế, nhiều tổng thống bổ nhiệm các thành viên trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế hoặc nhân viên Kho bạc của họ vào các vị trí tại Fed.
Tuy vậy, các chuyên gia và cựu thành viên FOMC từng có mặt trong phòng họp lãi suất nói rằng Fed không có chỗ cho các quan điểm chính trị. Chính trị đứng ngoài cuộc thảo luận khi các quan chức quyết định phải làm gì với lãi suất.
Ngoài ra, bảo vệ Fed khỏi ảnh hưởng của tổng thống là 12 ngân hàng Fed khu vực trên toàn quốc. Các tổng thống không kiểm soát ai điều hành các ngân hàng này. Thay vào đó, ban giám đốc các ngân hàng này thành lập một ủy ban tìm kiếm và thuê một công ty lựa chọn các ứng cử viên trên toàn quốc. Sau khi xem xét những ứng viên hàng đầu, ban giám đốc sẽ chọn ra chủ tịch đứng đầu mỗi ngân hàng này và đề cử hội đồng thống đốc Fed phê duyệt.
Tổng hợp
Nhịp Sống Thị Trường