Dư địa giảm lãi suất không còn nhiều
Nếu hạ lãi suất có thể hỗ trợ doanh nghiệp, giúp khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, nhưng thách thức đến từ lạm phát, tỷ giá đang dần hiện hữu.
- 10-09-2023Giá vàng tăng 650 nghìn đồng/lượng trong tuần qua
- 09-09-2023Người dân đang được vay vốn sửa nhà, sản xuất ra sao?
- 09-09-2023Vay ngân hàng trả nợ ngân hàng - Kỳ vọng về một làn sóng hạ lãi vay
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dư địa để tiếp tục giảm lãi suất điều hành không còn nhiều. Thay vào đó, cần tiếp tục hài hoà các công cụ tài khoá để hỗ trợ hiệu quả cho sự phục hồi của doanh nghiệp.
Ông có nhận định thế nào về giải pháp của ngành Ngân hàng trong thời gian qua?
Trong giải pháp chung của Chính phủ để phục hồi các ngành trọng điểm, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm nay, giải pháp từ chính sách tiền tệ đang thể hiện rất tốt vai trò. Minh chứng là dù tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động, gây khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ, nhưng từ đầu năm tới nay NHNN đã bốn lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện các NHTM giảm mạnh lãi suất huy động và cho vay gần tới mức thấp nhất trong giai đoạn dịch Covid-19. NHNN còn ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp.
Ngoài công cụ lãi suất điều hành, NHNN còn sử dụng các biện pháp khác như kêu gọi các NHTM tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay... Về phía các NHTM đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với khoản vay mới và triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho những nhóm khách hàng đặc thù. Với tác động của độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất của các NHTM, tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Dư địa để NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành liệu có còn không, thưa ông?
Hiện nay NHNN phải đối diện với bài toán được - mất, bởi cơ quan này phải cùng lúc đảm nhận nhiều nhiệm vụ, mục tiêu và có những mục tiêu mang tính chất đánh đổi. Nếu hạ lãi suất có thể hỗ trợ doanh nghiệp, giúp khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, nhưng thách thức đến từ lạm phát, tỷ giá đang dần hiện hữu. Cần nhìn nhận rằng, lạm phát vẫn là một mối lo, bởi kinh tế thế giới chưa phục hồi, giá dầu tăng, nguyên vật liệu tăng khiến áp lực lạm phát đối với Việt Nam đang có xu hướng tăng cao thời gian tới. Với tỷ giá, khi lãi suất Việt Nam giảm, các nước vẫn đang thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, dẫn đến việc chênh lệch lãi suất giữa nội tệ và ngoại tệ. Điều này có thể dẫn đến đảo chiều dòng vốn, dòng vốn sẽ tìm đến với nơi lãi suất cao hơn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ giá.
Chưa kể, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công nên tỷ giá tăng không hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu mà lại gây khó cho hoạt động nhập khẩu, giá cả đầu vào tăng, tác động đến lạm phát trong nước. Vì vậy, với việc lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại cùng rủi ro tỷ giá lớn hơn, mặt bằng lãi suất thời gian tới có thể sẽ giảm chậm hơn so với các tháng vừa qua và khẳng định rằng, dư địa giảm lãi suất điều hành không còn nhiều.
Vậy cách nào để có thể hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh hiện nay?
Theo tôi, không nhất thiết phải nghĩ tới câu chuyện giảm lãi suất cho vay thông qua công cụ lãi suất điều hành. Bởi lẽ, chúng ta phải đặt trong tổng thể chung của nền kinh tế và các yếu tố vĩ mô khác, nếu giảm lãi suất điều hành dồn dập thậm chí sẽ gây tác động ngược và gây bất ổn trong nền kinh tế. Mặt khác, cũng cần hiểu rằng ngân hàng cũng là doanh nghiệp, huy động để cho vay và hoạt động kinh doanh phải có lãi. Vì vậy, dư địa để các NHTM tiếp tục hạ lãi suất huy động và cho vay cũng không còn nhiều. Thay vì quá trông chờ vào chính sách tiền tệ, tôi cho rằng, cần sự năng động hơn của chính sách tài khoá. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ khó khăn hiện tại không phải là nguồn vốn mà là nhiều chi phí đầu vào khác. Do đó, theo tôi, cần tích cực đẩy mạnh các chính sách tài khoá tiếp sức cho sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh song hành cùng chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó là khơi thông các kênh huy động vốn khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; hạ thấp các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV…
Thời báo ngân hàng