MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự đoán bất ngờ về tăng trưởng tín dụng

24-07-2019 - 12:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Tín dụng 6 tháng đã tăng trưởng 7,33%, nhiều ngân hàng lại vừa được thêm "room" để tăng trưởng nhưng có dự báo cho rằng tín dụng toàn nền kinh tế năm nay sẽ thấp hơn cả năm 2018.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng toàn ngành kinh tế đã tăng trưởng 7,33% trong 6 tháng đầu năm nay, nhỉnh hơn chút ít so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực với sự đóng góp tăng trưởng cao từ lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo và xuất khẩu.

Với định hướng tiếp tục đẩy mạnh tín dụng với các lĩnh vực ưu tiên trong khi tăng cường kiểm soát với các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, tín dụng cả năm sẽ khoảng 14%. 

Từ đầu năm, NHNN đã cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng nhà băng, phổ biến từ 7 - 13%, thậm chí có ngân hàng rất lớn được giao room tăng trưởng đến 12% nhưng không dám nhận mà chỉ nhận 6-7% vì lo không cho vay nổi bởi vướng quy định về an toàn vốn. Đến hết tháng 6 vừa qua, nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng rất tốt - đạt quá nửa chỉ tiêu hoặc dùng gần hết room được giao, phổ biến là các ngân hàng đang trong diện tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng khác, hoặc đã áp dụng sớm Thông tư 41 về an toàn vốn (Basel II).

Mới đây, 9 ngân hàng đáp ứng sớm Basel II bao gồm Vietcombank, VIB, MB, ACB, Techcombank, OCB, VPBank, MSB và TPBank đã được cấp thêm room tăng trưởng, phổ biến nâng từ 13% lên 17%. 

Theo tính toán của một số chuyên gia, nếu không tính Vietcombank thì 8 ngân hàng còn lại trong nhóm được cấp thêm chỉ tiêu tăng trưởng sẽ bơm thêm vào nền kinh tế được hơn 100 nghìn tỷ đồng tín dụng trong 6 tháng cuối năm. Đó là chưa kể một số ngân hàng không trong diện được nới room nhưng do đang tái cấu nên cũng muốn xin thêm để đẩy nhanh hoạt động, lấy cơ sở và nguồn lực để xử lý nợ xấu. Do vậy, nhìn một cách tổng thể thì tín dụng có thể cao hơn chút ít so với kế hoạch ban đầu.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, phần tín dụng tăng trưởng thêm vào khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng, sẽ là không quá nhiều so với con số hơn 7,6 triệu tỷ đồng tổng dư nợ hiện nay. Và do đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của cả năm về cơ bản sẽ đảm bảo được.

Song mới đây lại xuất hiện một dự báo khá bất ngờ về tăng trưởng tín dụng của cả năm 2019 đến từ nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh. Cụ thể, tại buổi Hội thảo kinh tế với chủ đề Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019, nhóm nghiên cứu cho rằng tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế năm 2019 sẽ vào khoảng 12-13%, thấp hơn so với ước tính từ 15-16% của năm 2018, và cũng thấp hơn mục tiêu 14% đề ra ban đầu.

Theo nhóm phân tích, với kịch bản tăng trưởng GDP thực từ 6,6-6,8% và lạm phát bình quân từ 3,5-4% như mục tiêu Chính phủ đề ra, tốc độ tăng GDP danh nghĩa trong năm 2019 ước đạt 10-11%, xấp xỉ mức tăng của năm 2018. Tốc độ tăng GDP gần như không thay đổi cho thấy vòng quay tiền tệ năm 2019 cũng sẽ không có nhiều biến động so với năm trước. Như vậy, nếu không có sự thay đổi đáng kể về quan điểm điều hành chính sách tiền tệ, tổng phương tiện thanh toán (M2) có thể cũng chỉ sẽ tăng ở mức 12-13%, xấp xỉ mức tăng năm 2018. 

Và việc suy yếu của kinh tế đối ngoại cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Với kịch bản kinh tế vĩ mô nêu trên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kịch bản về tăng trưởng tín dụng thấp hơn năm 2018 như đã đề cập.

Hằng Kim

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên