Du học sinh giữa tâm dịch ở UK: Ở Việt Nam lúc này là quá hạnh phúc
Nguyễn Minh Trang, BTV - MC đa tài của kênh VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam. Hiện Trang đang là du học sinh chuyên ngành báo chí tại Bournemouth University (Anh). Minh Trang vừa có những bật mí về cuộc sống của những du học sinh người Việt nơi tâm dịch Covid-19 tại Anh.
- 11-03-20205 điều doanh nghiệp cần làm để giúp nhân viên trong dịch Covid-19: Cơ hội lớn để xây dựng chuỗi giá trị gắn kết trong tương lai
- 11-03-2020Cồn diệt virus corona như thế nào: Cách chọn nước rửa tay khô an toàn và hiệu quả nhất trong dịch Covid-19
- 11-03-2020Dịch Covid-19 ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn bước ngoặt, vệ sinh cá nhân, nhà cửa thế nào để phòng dịch: Đây là hướng dẫn cụ thể của chuyên gia
Ở Anh, các hoạt động vẫn diễn ra như thường
Trong hơn 300 ca nhiễm tại Anh, có 4 người đã tử vong. Chỉ trong 2 ngày (8 - 9/3), xuất hiện liên tiếp 3 trường hợp đầu tiên dương tính với vi rút tại Bournemouth và Poole, khu vực mình đang sinh sống ở Anh. Trong đó có 1 sinh viên của trường Đại học Bournemouth Uni.
Nhà trường gửi mail thông báo rủi ro vẫn ở mức thấp, các bạn đi học bình thường. Không phong toả, không xịt khử khuẩn. Sinh viên xét nghiệm dương tính được chỉ định tự cách ly tại nhà, theo dõi, chữa bệnh qua điện thoại. Nhiều trường hợp khác được xác nhận dương tính trong nước Anh cũng được chỉ định tương tự.
Chính phủ Anh thông báo: Nước Anh đang ở trong giai đoạn chống dịch cấp 1 (trên 4 cấp độ dịch bệnh). Trường học chưa đóng cửa, các sự kiện và hoạt động hầu như vẫn diễn ra bình thường.
Mình quan sát thấy chỉ có một bộ phận người châu Á ở Anh và những người bản địa lớn tuổi quan tâm đến phòng dịch bằng việc trang bị nước rửa tay, nước súc miệng diệt khuẩn hay tránh những nơi đông người. Còn các bạn trẻ ở đây hầu như không hạn chế một hoạt động tập thể nào. Nhà mình ở khu trung tâm, mỗi tối vẫn thấy các bạn nô nức xếp hàng dài trước cửa các bar đi quẩy, 3 - 4 giờ sáng vẫn tưng bừng nói cười rộn ràng cả một góc phố, và tất nhiên rồi, không ai đeo khẩu trang...
Tất cả những điều kể trên có thể khiến bất cứ người Việt Nam nào đọc được cũng thấy shock, vì nó khác hẳn không khí phòng dịch hết sức căng thẳng đang diễn ra ở Việt Nam những ngày qua.
Tình trạng phân biệt chủng tộc là có thật và nó đang ở rất gần
Thực sự, những người Việt Nam sống giữa tâm dịch ở UK đang trải qua những ngày rất bất an và hoang mang.
Ra đường thì không dám đeo khẩu trang vì sợ bị kì thị. Quan niệm của người dân ở đây là: "Chỉ khi bạn bị bệnh, bạn mới đeo khẩu trang để tránh lây lan cho người khác". Quan điểm này vốn không sai, nhưng khổ nỗi, với Covid-19, bạn có thể đã kịp lây cho rất nhiều người, trước khi những triệu chứng của bệnh biểu hiện một cách rõ ràng và bạn được xác định là dương tính.
Sau vài vụ việc người Châu Á đeo khẩu trang bị đánh đến thương tích lên mặt báo, thì nhiều người bạn mình đã nói: "Thà dính vi rút còn hơn bị đánh vỡ mặt" – đúng nghĩa đen là thế. Cá nhân mình rất yêu người Anh và chưa hề có trải nghiệm gì tệ ở đất nước này, nhưng tình trạng phân biệt chủng tộc là có thật và nó đang ở rất gần.
Nếu cẩn trọng hơn, thì có thể không ai cần phải chết
"Virus không kinh khủng đến thế đâu đừng lo, tỉ lệ tử vong thấp lắm!" - đó là nguyên văn câu nói của cậu bạn người Mỹ cùng lớp với mình khi biết tin có 2 ca nhiễm bệnh mới được phát hiện trong thành phố và khi cậu ấy thấy mình lo lắng ra mặt.
Mình không phản bác bạn mình. Bởi vì ngẫm ra, thì cậu ấy nói không sai. Số ca nhiễm hiện tại của Anh là hơn 300, số người chết là 4, tỉ lệ tử vong chỉ hơn 1%, đúng là thấp thật. Nhưng nếu cẩn trọng hơn, thì có thể không ai cần phải chết, đúng không?
Trường đại học ở đây đặc biệt quan tâm đến sức khoẻ tâm lý của sinh viên. Chỉ cần bạn nói bạn bị áp lực tinh thần hay có dấu hiệu của trầm cảm, bạn chắc chắn sẽ được quan tâm đặc biệt, có thể nghỉ học và thậm chí lùi deadline nộp bài. Ngoài ra, theo luật thì giáo viên và học sinh có rất nhiều ngày nghỉ để biểu tình đòi quyền lợi xã hội hay tăng lương. Nhưng virus Covid-19 và hàng trăm người nhiễm bệnh thì không có ngày nghỉ. Và vì thế, mời bạn đi học như bình thường!
Thầy cô bạn bè vẫn vô tư ăn uống tập thể, vẫn ôm hôn tình cảm thắm nồng. Không ai như mình, 10 phút lại rửa tay, 1 tiếng lại súc miệng, nhìn đâu cũng đánh vần ra Covid. Nhiều khi nhìn vào gương thấy mình như đứa lập dị, tự kỉ ám thị, một mình một kiểu, vào mạng đọc tin từ gia đình bè bạn ở quê thì lại thấy trong mình sôi sục cuộc chiến...
Nhiều du học sinh không có sự lựa chọn
Mình may mắn khi vẫn được trợ cấp học bổng hàng tháng đầy đủ, nhưng nhiều bạn du học sinh không có điều kiện thì họ không có sự lựa chọn. Đi làm thêm thì sợ lây nhiễm, không đi làm thì không có tiền chi tiêu.
Bạn bè mình là du học sinh, gần đây sang Anh không một ai bị kiểm tra thân nhiệt hay phải khai báo lịch trình đi lại, tiếp xúc. Những người quay trở lại Anh từ các vùng cao điểm dịch như Ý, Pháp cũng không ngoại lệ. Mình thật sự không dám tưởng tượng xem số virus không được kiểm soát sẽ đi bao xa và số người thật sự bị bệnh chưa được xét nghiệm là bao nhiêu.
Ở Việt Nam, hắt hơi sổ mũi là uống thuốc, sốt cái là uống thuốc. Thậm chí, với một số bệnh thông thường, người ta còn theo lên google rồi tự kê đơn, tự mua thuốc, nhiều khi chẳng cần bác sỹ.
Quan điểm về chăm sóc sức khỏe ở đây hoàn toàn khác và có thể làm nhiều người Việt Nam lần đầu sinh sống ở nước ngoài (như mình) thấy hoảng hốt. Người ta luôn hạn chế sử dụng thuốc, coi trọng đẩy mạnh sức đề kháng của cơ thể chống lại virus và bệnh tật, nên rất ít khi dùng thuốc, chỉ dùng theo đơn của bác sĩ.
Có thể cũng chính vì vậy mà NHS - Dịch vụ y tế quốc gia đã tiếp nhận nhiều cuộc điện thoại mô tả triệu chứng của Covid-19 một cách khá thản nhiên, không cần xét nghiệm, không phác đồ điều trị, nếu bạn chưa có đủ tất cả các triệu chứng, hay nói đơn giản là, nếu bạn chưa nguy kịch.
Yêu bản thân hơn nhờ Covid-19
Nếu ở Việt Nam, chỉ nửa ngày sau khi tên bệnh nhân số 17 được xướng lên, là toàn bộ lịch sinh hoạt, những người em đã gặp hay dấu phố em qua đều được phơi bày, thì các bệnh nhân được xác nhận dương tính ở đây đều không được nhận diện danh tính. Tất cả những gì bạn biết chỉ là nghề nghiệp và khu vực sinh sống. Họ đã đi đâu, để lại virus ở những đâu, là câu đố không có thưởng.
Dù đã ở Anh được 6 tháng, từ hôm có dịch, ngày nào mình cũng được Bộ Y tế ở Việt Nam nhắn tin Zalo dặn dò âu yếm, đều hơn cả ngày xưa người yêu cũ nhắn tin "Anh yêu em". Ấm lòng vô cùng.
Nhưng trong suốt thời gian đấy, NHS chỉ gửi duy nhất 1 tin nhắn lạnh lùng "Mời lên trang web cập nhật diễn biến dịch". Nhiều người có triệu chứng khi gọi điện đến số hotline còn bị báo bận liên tục. Lắm lúc mình lo lắng, lỡ nhiễm bệnh thì biết bấu víu vào đâu - Thấy cô đơn quá!
Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, thì tư duy của người Anh (và nhiều nước phát triển nói chung) đề cao khả năng đề kháng tự nhiên của cơ thể, ý thức tự giác bảo vệ sức khoẻ và cập nhật kiến thức y học của người dân.
Nhờ đó, mà lần đầu tiên trong cuộc đời của thanh niên 28 tuổi, mình dành 40 phút tập thể dục hàng ngày, tự bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng, uống nhiều nước hơn, không dám bỏ bữa sáng nào, không ăn ngoài, tự nấu nướng đảm bảo an toàn thực phẩm, quần áo đi về ngâm nước sôi, rửa tay và súc miệng nhiều đến nỗi không đếm được...
Chính mình đôi lúc cũng không hiểu mình là ai và bị làm sao nữa. Nhưng hôm nay mình nhận ra rồi, hóa ra mình sợ bị chết. Thú vị thay đấy lại chính là điểm cộng mà con virus này mang đến cho mình. Nó khiến mình yêu bản thân hơn, yêu cuộc sống này hơn.
Nếu thế, có lẽ mình cũng nên cảm ơn UK, cảm ơn phong thái lạnh lùng kiểu Anh đã giúp những kẻ mới toanh như mình phải mạnh mẽ và trưởng thành nhanh hơn. Và đó cũng là một bài học vô giá.
Trí thức trẻ