MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du học sinh Việt trải nghiệm vùng lạnh giá bậc nhất Trung Quốc: Đến hít thở cũng khó khăn, điện thoại “sập nguồn” vì quá lạnh nhưng mọi thứ ấn tượng rất sâu sắc

25-02-2024 - 06:21 AM | Tài chính quốc tế

Du học sinh Việt trải nghiệm vùng lạnh giá bậc nhất Trung Quốc: Đến hít thở cũng khó khăn, điện thoại “sập nguồn” vì quá lạnh nhưng mọi thứ ấn tượng rất sâu sắc

Giá lạnh tại các vùng miền Bắc Trung Quốc có nhiều sự khác biệt so với cái lạnh mà tôi đã từng trải nghiệm trước đây.

Hành trình tới thành phố băng

Trong kì nghỉ đông vừa qua, tôi đã quyết định thử trải nghiệm cái lạnh ở một trong những vùng có khí hậu khắc nghiệt nhất Trung Quốc: thành phố Cáp Nhĩ Tân.

Do là lần đầu tiên tới nơi có nhiệt độ mùa đông duy trì ở mức thấp hơn -20 độ C, tôi đã phải chuẩn bị nhiều đồ giữ nhiệt, bao gồm quần áo dày, giày đi tuyết, khăn choàng, mũ len. Mặc dù đã “có kinh nghiệm” với mùa đông miền bắc Việt Nam và mùa đông ở Thượng Hải, nhưng trải nghiệm tới nơi được mệnh danh là “Thành phố Băng của Trung Quốc” vẫn khiến tôi choáng ngợp.

Sau vài ngày thăm thú Bắc Kinh, tôi đặt vé tàu đi Cáp Nhĩ Tân. Hành trình tốn khoảng 15 giờ tàu chạy, các khoang tàu giường nằm luôn kín người. Riêng trong khoang của tôi, các hành khách thay đổi liên tục tại các ga khác nhau trên đoạn đường dài hơn 1.300km. Theo dự kiến, tàu của tôi sẽ tới ga vào lúc 6h sáng.

Vì ở trên tàu có hệ thống sưởi nên tôi không nhận ra bên ngoài lạnh như thế nào cho tới khi nhìn một lớp tuyết mỏng đóng trên thành cửa sổ - thứ mà tôi chỉ hay thấy trong ngăn đá tủ lạnh. Tôi đã giật mình vì đây là điều chưa bao giờ được chứng kiến trong những lần đi tàu trước đây.

Du học sinh Việt trải nghiệm vùng lạnh giá bậc nhất Trung Quốc: Đến hít thở cũng khó khăn, điện thoại “sập nguồn” vì quá lạnh nhưng mọi thứ ấn tượng rất sâu sắc- Ảnh 1.

Bước xuống tàu, thứ đầu tiên mà tôi có thể cảm nhận ngay lập tức là… khó thở. Không giống như không khí ấm trên tàu, mỗi lần hít thở ở đây là mỗi lần đưa khí lạnh vào mũi và phổi. Nếu đeo khẩu trang, tôi sẽ thấy dễ thở hơn, nhưng sau một lúc là mũi và miệng sẽ đọng đầy nước. Tôi thấy lạ vì người dân ở đây đa số đều không đeo khẩu trang, có lẽ họ đã quen với khí hậu như vậy. Trong suốt những ngày sau đó, tôi cũng tập thích nghi thở khí lạnh nhưng bất thành, cơ thể người không thể thay đổi nhanh chóng như vậy.

Đúng như tên gọi, có thể thấy băng tuyết ở khắp nơi tại thành phố Cáp Nhĩ Tân. Trong nội thành, tôi thường xuyên bắt gặp nhân viên vệ sinh môi trường cầm máy thổi tuyết, chổi, xẻng quét dọn tuyết trên đường. Tuyết mới rơi khá mỏng, nhẹ và xốp, có màu trắng muốt. Tuyết đã rơi từ lâu thường đóng cục, cảm giác như cát, xỉn màu hoặc trộn lẫn đất vì người đi đường giẫm lên. Thỉnh thoảng đi trên đường, tôi còn bắt gặp những người thợ đang cưa băng để tạo hình.

Du học sinh Việt trải nghiệm vùng lạnh giá bậc nhất Trung Quốc: Đến hít thở cũng khó khăn, điện thoại “sập nguồn” vì quá lạnh nhưng mọi thứ ấn tượng rất sâu sắc- Ảnh 2.

Ở ngoại thành, đặc biệt là những khu du lịch như làng tuyết, tuyết rơi dày phủ kín các mái nhà, phủ kín hai bên đường, bước lên có thể sụt tới đầu gối. Vì trời lạnh quanh tháng nên người dân ở đây nặn rất nhiều người tuyết. Thậm chí, có những người tuyết khổng lồ cao vài chục mét được “nặn” bằng máy xúc, cần cẩu, ai đi qua cũng ngoái nhìn.

Tại Cáp Nhĩ Tân, có thể nói những nơi lạnh tột độ là lễ hội băng đăng và sông băng Tùng Hoa, con sông lớn nhất thành phố. Những địa điểm này không chỉ lạnh do bầu không khí, mà còn lạnh do lớp băng đá dưới chân và xung quanh hút hết hơi ấm. Lễ hội băng đăng là nơi có những công trình khổng lồ làm hoàn toàn bằng băng, khi tối đến sẽ phát sáng lung linh, huyền ảo. Còn sông băng là nơi du khách có thể trải nghiệm miễn phí cảnh đẹp “tựa Bắc Cực” với các tảng băng nhỏ nằm rải rác khắp nơi.

Du học sinh Việt trải nghiệm vùng lạnh giá bậc nhất Trung Quốc: Đến hít thở cũng khó khăn, điện thoại “sập nguồn” vì quá lạnh nhưng mọi thứ ấn tượng rất sâu sắc- Ảnh 3.

Nếu như ở làng tuyết tôi còn có thể thỉnh thoảng bỏ găng tay, thì ở lễ hội băng đăng, mỗi lần tháo găng tay tôi sẽ ngay lập tức cảm thấy cóng buốt và đau rát. Theo thông tin của khu vui chơi này, nhiệt độ thấp nhất khi đứng giữa các công trình băng là -36 độ C. Bước đi lâu trên nền băng tuyết cũng khiến các ngón chân đau nhức, một phần vì lạnh, còn phần khác vì phải ghì ngón chân cho khỏi ngã.

Đây cũng là nơi điện thoại của tôi bị sập nguồn vì lạnh. Ban đầu tôi nghĩ điện thoại hết pin nên cắm sạc dự phòng vào và bật lại, nhưng màn hình hiện lên dòng chữ với đại ý “điện thoại ngừng hoạt động vì nhiệt độ quá thấp” khiến tôi bất ngờ. Tôi vội vàng kẹp điện thoại vào trong người để sưởi ấm, rút kinh nghiệm không để điện thoại ở bên ngoài quá lâu.

Dạo chơi trong vùng băng đá, tôi còn bắt gặp cảnh tượng tuyết đóng lại trên tóc, băng kết lại trên lông mi của mọi người. Theo cảm nhận của tôi, hiện tượng này nhìn rất lạ và đẹp, nhưng nếu không phủi băng tuyết trước khi vào nhà thì chúng sẽ tan thành nước, buộc người ta phải dùng máy sấy khô nếu không muốn bị ngấm lạnh.

Du học sinh Việt trải nghiệm vùng lạnh giá bậc nhất Trung Quốc: Đến hít thở cũng khó khăn, điện thoại “sập nguồn” vì quá lạnh nhưng mọi thứ ấn tượng rất sâu sắc- Ảnh 4.

Đến Cáp Nhĩ Tân, một trong những trò chơi được ưa chuộng nhất là hất nước sôi lên trời. Chỉ cần cầm trong tay một gáo nước hoặc bình nước sôi, dùng hết sức hất mạnh theo hình vòng cung, tôi đã có thể tạo ra một cảnh “pháo hoa tuyết” trên nền trời nắng. Đây là hiện tượng chỉ có thể tạo ra khi nước ở nhiệt độ cao gặp thời tiết cực lạnh.

Vì không phải ai cũng chuẩn bị sẵn nước sôi tại những nơi có cảnh đẹp, nên nhiều người dân địa phương đã cung cấp dịch vụ nước sôi với giá 20 đến 50 tệ 1 bình (khoảng 70 nghìn đến 170 nghìn đồng).

Đó thực sự là những điều lạ lẫm, vốn chẳng thể được trải nghiệm ở quê nhà.

Tất Đạt

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên