Du học sinh Ý một lần nữa gây bão mạng xã hội với phát ngôn: Lãnh đạo nào cũng cần học "biết điều", sống có tâm - tầm - trí để trở thành người sếp tốt
Chính phong cách sống, thái độ sống có "tâm - tầm - trí" của người làm lãnh đạo là điều giúp công ty có thể giữ chân được người tài còn hơn cả chế độ đãi ngộ tốt.
- 21-03-2018Văn hóa nghỉ việc: Dù thế nào cũng hãy tử tế và rời đi trong tư thế ngẩng cao đầu
- 19-03-2018Từ chuyện "Nhân viên nghỉ việc, sếp nên xem lại mình", đây là những điều người quản lý cần làm để "Đưa con người đi trước, dắt lợi nhuận theo sau"!
- 16-03-2018CEO Top CV: Chuyên nghiệp đến từ sự tử tế, hãy nghỉ việc sao cho tử tế!
Gần đây, chia sẻ "Khi nhân viên nghỉ việc, sếp nên xem lại mình" của du học sinh Ý Nguyễn Hoàng Kim Quý đã gây bão mạng xã hội vì đã nói đúng nỗi lòng của rất nhiều người đối với sếp. Theo Kim Quý, "những người được gọi là sếp" có trách nhiệm khá nhiều nếu nhân viên trong công ty nghỉ việc hàng loạt.
Chàng trai trẻ cho biết, anh cũng là một nhân viên quèn trước khi trở thành một quản lý nhân sự. Hiện tại Kim Quý đang học bậc thạc sĩ tại University of Milan tại Ý. Trước khi đi du học, anh chàng từng giữ vai trò quản lý, tính chất công việc lại thường xuyên tiếp xúc với các quản lý cấp cao, các cấp nhân viên nên Quý thường chú ý phân tích nhu cầu phát triển và các khía cạnh văn hóa trong tổ chức. Bởi vậy, anh cũng thấu hiệu tâm tư của những người "dứt áo ra đi" vì sếp.
"Nhân viên đừng nhảy việc vì tiền", đây có lẽ là câu nhắc nhở quen thuộc của không ít những người quản lý nhân sự đối với các nhân viên của mình. Nhưng theo Kim Quý, không phải ai làm sếp cũng có thể hiểu rằng, lý do lớn nhất khiến các nhân viên không thể tiếp tục gắn bó với công ty lại chẳng xuất phát từ lí do tài chính hay lợi ích cá nhân mà chính là "tâm - tầm - trí" của người làm quản lý.
Nhân viên nghỉ việc vì sếp... "không biết điều"
Học để biết nhiều thì dễ, học để biết điều mới khó! Khó nhưng ai cũng cần học, để trở thành người sếp tốt.
Kim Quý chia sẻ: "Có lẽ hai chữ "cấp trên" đôi lúc trao cho người ta đặc quyền hơi nhiều hơn mức bình thường thì phải. Đặt ở khía cạnh công việc và tạo giá trị cho tổ chức, những ưu tiên cho giới quản lý không phải điều gì kỳ lạ. Tuy nhiên, người làm sếp cũng cần phải biết tôn trọng cuộc sống của các nhân viên cấp dưới...". Người làm sếp cũng cần quan tâm đến cuộc sống cá nhân của nhân viên, tôn trọng khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa trưa, giữa đêm, cuối tuần, đợt nghỉ phép... hay thậm chí là thời gian của những nhân viên nữ đang nuôi con nhỏ.
"Muốn trở thành người quan trọng, trước hết phải học cách tôn trọng người khác. Một người làm sếp biết tôn trọng nhân viên sẽ nỗ lực thấu hiểu và sẵn lòng giúp đồng nghiệp của mình cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, thay vì tự cho mình cái quyền được đi muộn về sớm, được nghỉ ngơi chơi bời vào mỗi dịp cuối tuần trong khi vẫn gọi điện để thúc ép mọi người đến công ty hoàn thành việc gấp… ", Nguyễn Hoàng Kim Quý thẳng thắn nhận xét. Anh cho rằng, những người sếp có thể không hiền, có thể đôi lúc to tiếng trước sai lầm của nhân viên, nhưng nhất định, một người sếp tốt cần là một người "biết điều" và tôn trọng nhân viên của mình.
Sếp tốt cần phải công tâm, công bằng
Công bằng là thứ ai cũng có thể dễ dàng nói ra, nhưng đâu phải ai cũng thực hiện được. Muốn công bằng thì trước hết phải công tâm, từ lời nói cho đến hành động. Người lãnh đạo phải là người tiên phong trong việc thực hiện văn hóa công ty với những quy định do chính họ đặt ra, công bằng với mọi nhân viên và công tâm trong công việc.
Hiện nay, công ty nào cũng có hệ thống KPI đánh giá công việc rất chuyên nghiệp, những thực tế, sếp mới là người đánh giá nhân viên sau tất cả. Vì thế, việc KPI có công bằng hay không cũng hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ công tâm của những người làm lãnh đạo. Tuy nhiên, không phải vị sếp nào cũng sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng thấu hiểu nguyện vọng của cấp dưới.
Kim Quý đang học bậc thạc sĩ tại University of Milan tại Ý
Theo Nguyễn Hoàng Kim Quý: "Cuộc đời này vốn dĩ vẫn là một dòng chảy bất tận, và tất nhiên, những người sẵn sàng trải lòng ra để sống vì mọi người, dù chỉ là một chút thôi, trên cương vị sếp hay nhân viên đi chăng nữa, chắc chắn sẽ là những người hạnh phúc và thanh thản nhất".
Mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó, cuộc gặp gỡ giữa sếp và nhân viên phải chăng cũng là định mệnh. Định mệnh cho chúng ta gặp một người có "Tâm – Tầm – Trí", con đường sự nghiệp và cuộc sống sẽ thuận lợi hơn. Nhưng nếu định mệnh cho chúng ta gặp một người không như mong muốn, thì âu cũng là một bài học thú vị để chúng ta định hình lại nhân cách và giá trị bản thân của mình, hiểu mình là ai, muốn gì, trở thành người như thế nào. Mỗi người đều nên tự nhìn lại, để rút ra bài học cho mình, để thay đổi cho tốt đẹp hơn, để biết ơn những điều từng xảy ra trong quá khứ…
Những nghiên cứu về vai trò lãnh đạo được chia sẻ trước đây đều khiến người ta nhận ra một điểm chung là: Tất cả các nhà lãnh đạo vĩ đại đều đề cao nhân viên và giúp nhân viên của mình đạt được mục tiêu một cách vui vẻ, từ đó tạo nền tảng giúp họ có thể phát triển và thành công. Những nhà lãnh đạo có tâm, có tầm nhìn về việc tạo ra một tiêu chuẩn văn hoá khiến cho nhân viên có ý thức về quyền sở hữu, gắn bó với công ty. Bên cạnh sự phát triển về doanh thu, quy mô, sự phát triển về nhân sự và văn hóa công ty cũng là yếu tố nền tảng cho việc phát triển bền vững chung.