Dự Hội nghị phát triển thị trường lao động, Thủ tướng hỏi dồn một loạt câu 'nặng ngàn cân'
Thủ tướng nêu nhiều câu hỏi về thực trạng phát triển thị trường lao động - Ảnh: VGP
Vì sao lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn về nước làm việc? Vì sao một số lao động làm nhà nước muốn làm tư nhân? Vì sao lao động xuất khẩu của nước ta lương thấp hơn lao động các nước trong khu vực?...
- 18-08-2022Top 5 ngành hút nhiều lao động nhất cả nước trong 5 năm gần đây
- 17-08-2022Một tỉnh miền núi 7 năm liên tiếp nằm trong top 10 địa phương có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước
- 16-08-2022Thu nhập của lao động trong ngành nào tăng nhiều nhất trong 6 năm qua?
Kết luận Hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập sáng 20-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm, việc ổn định thị trường, trong đó có thị trường lao động thì phải phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người lao động.
Theo đó, Thủ tướng nêu ra hàng loạt câu hỏi như: Vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc? Vì sao thời gian gần đây có một số lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân? Vì sao lực lượng lao động xuất khẩu của nước ta thu nhập bình quân thường thấp hơn các nước trong khu vực, cạnh tranh quốc tế còn thấp?
Nhiều câu hỏi trăn trở về người lao động
Vì sao người dân một số địa phương phải xa gia đình, con nhỏ, bố mẹ già, thậm chí bỏ đất đai, ruộng vườn để đi làm thuê nơi khác? Vì sao đời sống của một bộ phận công nhân ở các khu công nghiệp, thành phố lớn còn khó khăn, nhất là về vấn đề nhà ở?
Vì sao vẫn còn những hiện tượng đình công ở một số khu công nghiệp? Vì sao chúng ta cần Chiến lược phát triển thị trường lao động khi thời điểm dân số vàng đi qua? Đó là những câu hỏi đòi hỏi chúng ta trăn trở, suy nghĩ để giải quyết.
Từ thực tiễn địa phương, theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, việc tuyển dụng tại khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có TP.HCM gặp khó khăn tại một số thời điểm do các tỉnh đều có khu công nghiệp nên người lao động có nhiều lựa chọn hơn.
Thêm nữa, các ngành giày da, chế biến thực phẩm, điện tử hoạt động trở lại khiến cầu nhiều hơn cung. Bên cạnh đó, ông Đức đánh giá chính sách thu hút lao động chưa hấp dẫn như tiền lương khởi điểm còn thấp, phải làm ca kíp, đội nhóm. Điều đó dẫn tới nguồn lao động cho phục hồi sản xuất còn hạn chế.
Ông Đức cũng nhấn mạnh việc kết nối phát triển mô hình đào tạo song hành giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, tạo cơ hội cho sinh viên được học tập và thực hành trong doanh nghiệp. Cùng với đó là công tác đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về giải pháp hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc lâu dài, ổn định, ông cho rằng cần tập trung xây dựng nhà ở, nhà lưu trú dành cho người lao động có thu nhập thấp để mua trả góp; xây dựng nhà trẻ, trường học cho con em của công nhân lao động, đồng thời triển khai các chương trình bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đào tạo lao động và thay đổi tư duy "sử dụng nguồn nhân công giá rẻ"...
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh phải tuân thủ quy luật khách quan, đảm bảo sự can thiệp của Nhà nước vì liên quan đến người lao động - Ảnh: VGP
Người lao động là đối tượng đặc biệt cần quan tâm
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng đây là thị trường đặc biệt liên quan đến người lao động nên cũng phải tuân thủ theo các quy luật khách quan, bảo đảm sự can thiệp của Nhà nước vì liên quan đến người lao động, đối tượng rất đặc biệt trong thị trường.
Cần có dự báo phát triển của thị trường, nhất là ở những ngành mũi nhọn, tri thức cao, qua đó phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chính sách thu hút đầu tư… từ đó kịp thời hoạch định các chương trình, mục tiêu đặt ra để cung ứng lao động cho thị trường.
Theo Thủ tướng, việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để có thể đảm bảo cuộc sống và sự phát triển toàn diện. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường lao động.
Với tinh thần kiên định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thiết thực và hiệu quả, cần phải có năng lực độc lập, tự chủ, Thủ tướng cho rằng cần có được lao động chất lượng cao, gắn cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt, thu hút, giữ chân lao động.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao nhận thức về thị trường lao động; tuân thủ quy luật cung cầu, cạnh tranh. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao.
Tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế, nhất là các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các FTA thế hệ mới mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lao động; nâng cao sức cạnh tranh của thị trường lao động.
Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và lưới an sinh xã hội...; coi trọng hệ thống đào tạo nghề cho người lao động; nâng cao năng suất lao động cho người lao động, đào tạo kỹ năng cho người lao động mà nền kinh tế cần.
Thủ tướng giao các bộ ngành và địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Tuổi trẻ