MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du khách đến VN chỉ mua chai nước, ổ bánh mì...

Tại buổi thảo luận về dự án Luật du lịch tại Quốc hội sáng 8-11, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng dù lượng du khách nước ngoài vào Việt Nam được coi là nhiều nhưng chỉ mới tính số lượng mà không chú ý đến chất lượng.

Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an nói ông rất băn khoăn khi nói du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngân sách nhà nước đầu tư rất nhiều nhưng tiền thu lại được thì không tương xứng.

“Hình ảnh chung của du lịch Việt Nam là “sao” thấp, ít có những tour cao cấp mà chủ yếu là khách đại trà, du lịch ba lô, tự phát. Đi vào có khi tiêu 5 - 7 USD/ngày, mua chai nước, mua bánh mì, tự thuê xe máy, xe đạp đi...” - Thượng tướng Tô Lâm nói.

“Không có cái gì để thu lại”

Thượng tướng Tô Lâm phân tích: “Người ta đi từ nước ngoài vào bằng máy bay nước ngoài. Vào đây ở khách sạn nước ngoài, liên doanh đầu tư. Người ta ăn ở, mua bán đi lại ôtô cũng là công ty liên doanh nước ngoài. Hướng dẫn viên cũng nước ngoài.

Tất cả thu chi đó họ cũng thanh toán với nhau ở nước ngoài. Chi cho doanh nghiệp Việt Nam rất ít, chỉ mua hàng kỷ niệm và nhiều khi hàng đó cũng là công ty nước ngoài”.

Ông Tô Lâm kể đi từ Hà Nội xuống Hạ Long, các công ty du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản đã vào mở cửa hàng khá nhiều. Hàng hóa khách mua xong, có dịch vụ chuyển qua tận nước ngoài. “Chúng ta không có một cái gì để thu lại” - ông nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, với việc miễn visa, nhiều du khách nước ngoài coi Việt Nam như quê, làng xã của mình, thích vào lúc nào là vào. Nhưng khi vào họ đã chuẩn bị hết một chương trình, các đơn vị ở Việt Nam không có một ảnh hưởng gì.

“May lắm được mấy chỗ nghỉ, mà cũng chỉ khách sạn hai, ba sao. Người ta ngày càng đánh giá chất lượng du lịch Việt Nam thấp, vì ta chỉ muốn vào người nhiều để thu trên đầu người, còn dịch vụ du lịch thế nào là tùy. Hiệu quả như vậy là có vấn đề, chúng ta phải tính toán” - Thượng tướng Tô Lâm nói.

Theo thượng tướng Tô Lâm, các nước xung quanh làm du lịch rất bài bản. “Ví dụ như Thái Lan, mặc dù giá người ta rất thấp nhưng không ai đi Thái Lan mà không mang theo ít nhất 500 - 1000 USD, sang mua bán hàng hóa. Chứ sang Việt Nam họ chả mua được thứ gì, hàng hóa rất ít. Nếu coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì thấy lạc quan quá!” - Bộ trưởng Bộ Công an nói.


Nhiều du khách quốc tế cảm thấy rất phiền lòng khi bị người bán hàng rong chèo kéo ép mua hàng - Ảnh tư liệu TT

Nhiều du khách quốc tế cảm thấy rất phiền lòng khi bị người bán hàng rong chèo kéo ép mua hàng - Ảnh tư liệu TT

Phải xã hội hóa

Từ những việc đã nêu, ông Tô Lâm cho rằng điều đó lý giải vì sao các công ty du lịch hiện nay không hạch toán được, không đóng góp được phần tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh.

“Chúng ta làm đường đến các khu du lịch rất tốt, để khuyến khích khách du lịch đi. Tất cả đều phải ngân sách nhà nước bỏ ra nhưng nếu hạch toán lại kỹ lưỡng thì nhà nước không thu lại được phần vốn đó” - ông Tô Lâm nói.

Theo thượng tướng Tô Lâm, cần phải xã hội hóa nhiều hơn nữa trên lĩnh vực du lịch. Ông cho rằng các công ty du lịch lẽ ra phải đóng thuế, ngành du lịch phải tự nuôi được mình và phải đóng thuế, xây dựng lại cơ cở hạ tầng thì hiện đang được miễn giảm nhiều, rồi có cả quỹ bình ổn du lịch.

“Điện, đường nhà nước đầu tư, khách nước ngoài vào sử dụng nhưng lại không thu được nhiều tiền. Chúng ta xây dựng môi trường trong lành, tôn tạo danh lam thắng cảnh phục vụ cho người Việt Nam thì được, nhưng người nước ngoài thì tất cả những việc đó phải đóng thuế chứ. Công ty du lịch phải thu được chứ.

“Kinh tế mũi nhọn mà ngân sách nhà nước lại bỏ ra? Riêng cái hạch toán đó tôi thấy rất băn khoăn” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Theo Viễn Sự

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên