MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du khách Trung Quốc sụt giảm bất thường

Tour 0 đồng với chất lượng dịch vụ kém đã góp phần khiến lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam sụt giảm.

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 1,7 triệu lượt, vẫn dẫn đầu so với các thị trường khác nhưng so với cùng kỳ năm 2018 lại giảm 3,8%. Đây là diễn biến không bình thường bởi từ vài năm nay, Trung Quốc luôn là thị trường cung cấp nguồn khách du lịch lớn nhất cho Việt Nam và liên tục tăng mạnh qua các năm.

"Ngấm đòn" tour 0 đồng

Cụ thể, năm 2016 có 2,69 triệu lượt khách Trung Quốc sang Việt Nam, năm 2017 tăng lên trên 4 triệu lượt và con số này năm 2018 xấp xỉ 5 triệu lượt, tương ứng mức tăng 23,9%.

Nhiều công ty du lịch lớn có phục vụ khách Trung Quốc nhìn nhận ở góc độ khách quan, chính cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và sức mua của du khách Trung Quốc. Điều này lý giải không chỉ Việt Nam mà một số điểm đến khác như Thái Lan cũng ghi nhận sự sụt giảm khách Trung Quốc.

Từ cuối năm ngoái, chính phủ Trung Quốc quyết định ngưng một số chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) từ một số thành phố ở vùng Hoa Đông cũng dẫn đến sự sụt giảm khách của thị trường này.

Du khách Trung Quốc sụt giảm bất thường - Ảnh 1.

Du khách Trung Quốc tham quan TP Nha Trang, tỉnh Khánh HòaẢnh: Kỳ Nam

Đại diện Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist phân tích đa số khách Trung Quốc đến Việt Nam là khách charter. Trong khi giá tour charter thời gian qua lại quá thấp khiến thị trường khách du lịch truyền thống gần như bị lấn lướt hoàn toàn. Tình trạng tour 0 đồng với chất lượng dịch vụ kém, không xây dựng được hình ảnh đẹp cho ngành du lịch Việt Nam. "Với những tour 0 đồng, du khách chủ yếu được đưa vào các điểm mua sắm, ít có dịp thưởng thức các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của Việt Nam nên việc nhàm chán, thoái trào đối với điểm đến sau vài năm là điều khó tránh khỏi" - đại diện lữ hành Saigontourist nói.

Hệ quả tour 0 đồng cũng là nguyên nhân được bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Vietravel, đề cập. Theo bà, những năm qua, lượng khách Trung Quốc tăng đột biến, chủ yếu là các đường bay charter. Nhiều đơn vị khai thác dạng tour này từ Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt, giảm giá, thay đổi chương trình, giảm chất lượng tour… dẫn đến lượng khách sụt giảm. "Thông thường vòng đời trung bình của các điểm đến là 5 năm. Trong khi đó, Nha Trang, Đà Nẵng… là điểm nóng trong nhiều năm đón khách Trung Quốc, do đó khả năng họ muốn tìm kiếm những điểm đến mới" - bà Giang nhận định.

Cần chính sách thu hút bền vững

Một số chuyên gia du lịch nhận xét lượng khách Trung Quốc giảm đột ngột gần đây là đáng quan tâm và cần được phân tích, từ đó rà soát lại sản phẩm, tiềm lực thị trường, công tác quản lý nhằm tổ chức tour cho thị trường khách đặc thù này.

Đại diện lữ hành Saigontourist dẫn chứng vào thời điểm Tết nguyên đán 2019, sân bay Phú Quốc quá tải, sân bay Cam Ranh thì thường xuyên để khách đợi lấy hành lý từ 2-3 giờ, trong đó có nhiều khách Trung Quốc, đã tạo hình ảnh không đẹp về du lịch Việt Nam. Chưa kể, phí dịch vụ tại các sân bay ngày càng cao nên một số công ty chuyên kinh doanh tour charter của Trung Quốc chuyển hướng sang Campuchia hay Indonesia…

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông Công ty Fiditour, cho rằng sản phẩm du lịch của Việt Nam đa dạng nhưng chưa phân hóa sâu về loại hình dành cho các phân khúc khác nhau. Chẳng hạn, thị trường khách Trung Quốc cao cấp rất tiềm năng nhưng từ trước đến nay vẫn được khai thác chung với khách phổ thông nên không có nhiều sản phẩm đặc thù, dịch vụ tổ hợp du lịch mua sắm, ẩm thực, giải trí còn rời rạc. "Tour đến Việt Nam chỉ dừng lại ở mức độ điểm đến một lần cho biết, chưa lôi kéo được khách Trung Quốc trở lại lần hai, ba. Thị trường khách Trung Quốc rất tiềm năng nhưng chúng ta chưa có chính sách thu hút bền vững" - bà Thu nói.

Ở góc độ khác, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, đánh giá số liệu sụt giảm của khách Trung Quốc chưa đáng lo, quan trọng lúc này là làm sao để khách Trung Quốc đến du lịch, chi tiêu nhiều, quay trở lại… Nếu giảm khách đến theo tour 0 đồng mà những phân khúc sang, chi tiêu cao vẫn khả quan thì không đáng lo.

Theo ông Từ Quý Thành, lúc này, trong việc kéo khách Trung Quốc cần tập trung vào chất lượng, đa dạng hóa nguồn khách nhưng phải quản lý được để phát triển bền vững. Để làm được điều này, cơ quan quản lý nhà nước nên có chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các công ty du lịch, lữ hành khi đưa khách cao cấp Trung Quốc tới Việt Nam. "Cần những chính sách ưu đãi cụ thể như giảm giá, tặng quà, miễn phí một vài dịch vụ… như cách Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm với các hãng lữ hành Việt Nam khi đưa khách Việt qua nước họ. Ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp là kinh doanh, nên nếu có ưu đãi họ sẽ tăng cường quảng bá, đưa khách Trung Quốc tới nước ta nhiều hơn" - ông Thành đề xuất.

Theo các công ty du lịch, Tổng cục Du lịch cần đẩy mạnh hơn nữa quảng bá du lịch Việt Nam và cần đầu tư lâu dài như tham dự các hội chợ du lịch tại Trung Quốc, hướng đến thị trường khách Trung Quốc cao cấp, có mức chi tiêu cao và có sức ảnh hưởng như khách MICE, tổ chức sự kiện… Cần có những cuộc tiếp xúc trực tiếp với công ty du lịch Trung Quốc lớn đưa khách sang Việt Nam và cơ quan quản lý du lịch Trung Quốc cấp trung ương, địa phương nhằm nắm bắt tình hình, yêu cầu hỗ trợ, định hướng tương lai… về việc tiếp thị và đưa khách của họ đến Việt Nam.

Hỗ trợ lữ hành làm clip quảng bá du lịch Việt

Theo thông tin từ một số công ty du lịch, nhiều đơn vị du lịch, cơ quan truyền thông của Trung Quốc thường xuyên có nhu cầu quay các clip về du lịch Việt Nam để quảng bá sản phẩm, điểm đến. Cơ quan quản lý du lịch Việt Nam có thể chủ động phối hợp với cơ quan quản lý du lịch Trung quốc để xây dựng các clip du lịch, vừa đáp ứng nhu cầu quảng bá điểm đến Việt Nam tại Trung Quốc vừa quản lý được nội dung quảng bá theo định hướng của ngành du lịch Việt Nam.

Theo Thái Phương

Người lao động

Trở lên trên