MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vai trò luôn bị 'coi nhẹ' nhưng giá trị thực sự của công việc nội trợ là bao nhiêu?

09-08-2021 - 14:17 PM | Tài chính quốc tế

Vai trò luôn bị 'coi nhẹ' nhưng giá trị thực sự của công việc nội trợ là bao nhiêu?

Từ lâu, các nhà kinh tế đã nỗ lực tính toán giá trị của những công việc nhà vốn không được trả công. Thông thường, những đóng góp của một người nội trợ trong gia đình thường không được coi trọng, giá trị của những việc họ làm ẩn sâu sau những nếp áo sơ mi mới là và "cái bụng no nê".

Ngoài ra, toà án cũng nỗ lực đưa ra giá trị cho những công việc nhà. Những vụ ly hôn trong thời gian gần đây cho thấy vợ/chồng sẵn sàng trả tiền để người nội trợ làm nhiều việc nhà hơn.

Tháng trước, Trung Quốc đã gây shock cho cả thế giới khi toà án yêu cầu một người đàn ông trả cho vợ 7.700 USD cho quá trình người này làm việc nhà trong cuộc hôn nhân 5 năm. Chị Wang - người vợ, nói với một thẩm phán ở Bắc Kinh rằng chị đã "trông con, quán xuyến việc gia đình khi chồng không quan tâm hay tham gia vào bất kỳ việc nhà nào ngoài đi làm."

Trung bình, một người phụ nữ Trung Quốc dành 4 tiếng mỗi ngày cho việc nhà, trong khi nam giới chỉ là 1 tiếng rưỡi. Tại Ấn Độ, sự chênh lệch còn lớn hơn, khi phụ nữ làm việc nhà tới 5 tiếng và nam giới là 30 phút.

Ở vụ ly hôn của vợ chồng chị Wang, phán quyết của toà đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Tuy nhiên, nhiều người dùng trên Weibo lại chưa hài lòng với khoản tiền chị Wang nhận được. Một người dùng bình luận: "Phụ nữ không nên là những người vợ đảm đang. Khi ly hôn, bạn không còn gì cả."

Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các chính sách nhằm thúc đẩy việc cả vợ và chồng đều bình đẳng trong việc nuôi dạy con cái, cùng với đó là bảo vệ quyền của phụ nữ. Ví dụ, trong những năm gần đây, hầu hết các tỉnh đã áp dụng chế độ nghỉ của người cha khi con mới sinh có hưởng lương. Song, nhiều người cho rằng khoảng thời gian 2 tuần là quá ngắn.

Tại phương Tây, nguyên tắc đầu tiên khi ly hôn là tài sản chia đều cho 2 vợ chồng, hơn nữa việc 1 trong 2 bên yêu cầu được bồi thường thêm thường được toà án nhanh chóng chấp nhận. Làm việc nhà được coi là một trách nhiệm tương đương với các khoản đóng góp tài chính. Do đó, không có người vợ/chồng nào gặp bất lợi về tài chính khi làm những việc như nấu ăn, là quần áo nhiều hơn bạn đời của họ. Ở một số quốc gia, ví dụ như Anh, Pháp và Tây Ban Nha, họ cho phép người vợ/chồng nhận khoản bồi thường lớn hơn nếu rơi vào tình thế bất lợi trong hôn nhân.

Tại Anh, khái niệm bồi thường đã không còn được sử dụng trong hơn 1 thập kỷ trước nhưng đã xuất hiện trở lại vào năm 2020. Điều này đặt ra câu hỏi về khoản thù lao cho những công việc nhà. Năm ngoái, một phụ nữ đã nhận được 400.000 bảng Anh (520.000 USD) vì đã từ bỏ công việc luật sư để chăm lo cho gia đình.

Khi cuộc hôn nhân đổ vỡ và tài sản của 2 vợ chồng được chia đôi, người này đã yêu cầu thêm một khoản tiền bồi thường cho sự hy sinh sự nghiệp của mình. Các thẩm phán đã đồng ý, nhưng với lý do cô từng là người có thu nhập cao và có thể chứng minh rằng mình là người có khả năng kiếm nhiều tiền cho công ty cô làm việc. Người phụ nữ này được đền bù không phải vì đã làm việc nhà, mà là sự nghiệp bị bỏ ngang.

Nhìn chung, nhiều phụ nữ không còn lựa chọn nào khác khi buộc phải từ bỏ sự nghiệp để chăm sóc cho gia đình. Thậm chí, chi phí chăm sóc cho con cái có thể còn lớn hơn những lợi ích mà "khoản lương thứ 2" đem lại cho họ, đặc biệt là nếu thời gian làm việc và thu nhập sụt giảm vì chịu trách nhiệm cho gia đình.

Sự công nhận về mặt tài chính và pháp lý đối với việc nhà sẽ làm thay đổi cách nhìn nhận trên. Song, việc người vợ/chồng sẵn sàng chia sẻ gánh nặng gia đình sẽ giúp những công việc trong nhà trở nên đơn giản và công bằng hơn.

Ngay cả ở phương Tây, phân chia việc nhà cũng không hề bình đẳng, phụ nữ vẫn là bên phần lớn gánh vác việc nhà và trách nhiệm chăm sóc con cái. Hơn nữa, các chính sách nghỉ phép vì việc gia đình cũng chưa hợp lý, khi thời gian nghỉ sinh trung bình là chỉ 1,7 tuần đối với 27 quốc gia EU.

Điều quan trọng hơn việc viết ra những quy tắc mới về bồi thường cho người phải làm việc nhà nhiều hơn là bổ sung thêm chi tiết cho những quy tắc đã có để tăng số ngày nghỉ phép của phụ huynh. Khi cả hai bên cùng đóng góp nhiều hơn vào việc nuôi dạy con cái, thì họ đã chia sẻ trách nhiệm gia đình. Tại sao phải đợi đến khi ly hôn mới phân chia xem ai cần làm việc nhà? 

Tham khảo Economist

Vu Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên