Dự kiến nâng lương cơ sở từ 1/7/2023
Chính phủ sẽ hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách về lao động, tiền lương, trong đó thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2023.
- 20-10-2022Dự kiến GDP cả năm tăng trưởng 8%, vượt mục tiêu trong bối cảnh khó khăn
- 20-10-2022Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu, người lao động sẽ phải đóng thêm bao nhiêu tiền BHXH?
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, liên quan đến những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn.
Tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Thống kê cho thấy, đã có tổng số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc là 39.552 người, chiếm 1,94% số biên chế giao năm 2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023
Trong dự kiến kế hoạch phát triển KTXH 2023, về giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
“Hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách về lao động, tiền lương, trong đó thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2023”, Thủ tướng cho biết.
Cùng với đó là trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Cử tri và nhân dân bày tỏ sự lo lắng về việc học phí và các dịch vụ tăng cao
Cũng liên quan đến vấn đề tiền lương, trong báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết cử tri và nhân dân bày tỏ sự lo lắng về việc học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa tăng.
“Cử tri đề nghị Chính phủ thực hiện phù hợp hơn chính sách tiền lương sau khi Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương nhưng thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995”, báo cáo nêu.
Cùng với đó cử tri cũng đề nghị sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân
Với thị trường lao động, trong báo cáo Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá sâu hơn thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế như: Tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực; hiện tượng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực khác đặc biệt là sau hơn 02 năm phòng, chống dịch COVID-19 như nhân lực trong ngành y tế, giáo dục….
“Có ý kiến cho rằng tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức còn nhiều hạn chế. Tình trạng viên chức trong ngành y tế thôi việc hoặc bỏ việc làm ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc y tế, khám chữa bệnh khu vực công và gây lo ngại cho dư luận xã hội ngay sau thời gian dài chống dịch COVID-19”, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nêu.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, có tổng số 4.162 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, gần tương đương với con số này của cả năm 2021, lũy kế từ đầu năm 2021 đến 30/6/2022 có 9.467 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.
Uỷ ban Kinh tế đề nghị có đánh giá kỹ lưỡng về nguyên nhân công chức, viên chức không chỉ của ngành giáo dục, y tế bỏ việc hoặc thôi việc để làm căn cứ đưa ra giải pháp phù hợp.
VTV