MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du lịch an toàn sau đại dịch: Quan trọng có gì để kéo khách ra khỏi nhà?

Du lịch an toàn sau đại dịch: Quan trọng có gì để kéo khách ra khỏi nhà?

Sau Covid-19 hướng tới nhóm nhỏ, ưu tiên cho gia đình, đến chỗ hoang sơ, biển đảo, tránh những chỗ xô bồ, đặc biệt sản phẩm xanh. Việt Nam có gì để sẵn sàng khi mở cửa là có thể hút khách ngay?

Ưu tiên mở cửa thị trường du lịch nào?

Trả lời câu hỏi thị trường nào ưu tiên thí điểm mở lại và sản phẩm nào chủ đạo để mở cửa giai đoạn này tại tọa đàm “Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19” được tổ chức sáng 15/10, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist cho hay: Chúng ta có cơ sở tự tin mở cửa càng sớm càng tốt.

Với thị trường du lịch nội địa, ông Thắng cho rằng, chúng ta không thể làm giống như đợt dịch trước để mở cửa thị trường bởi đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta nguy hiểm, chúng ta không thể mở cửa tự do mà phải mở cửa thận trọng, an toàn nhưng không cản trở thuận lợi của khách.

Du lịch an toàn sau đại dịch: Quan trọng có gì để kéo khách ra khỏi nhà? - Ảnh 1.

Du lịch thích ứng an toàn với dịch, phải cân bằng an toàn phòng chống cộng với nới lỏng để phát triển du lịch.


“Với các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch như doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn… về mặt chủ quan sẵn sàng áp dụng điều kiện an toàn. Nhưng thị trường du lịch nội địa cần di chuyển thì về mặt thị trường chúng ta cần mở cửa thế nào.

Theo gợi ý, mỗi địa phương cần có sản phẩm du lịch an toàn. Với du lịch nội địa sẽ có biện pháp thế nào, với du lịch liên vùng, liên tỉnh sẽ cần có biện pháp ra sao. Chúng ta cần có kịch bản riêng để bảo đảm an toàn về mặt thị trường sẽ nối chính xác điểm đến, tạo điểm đến, tạo sản phẩm, tạo kết nối đúng nhu cầu của du khách”, ông Thắng nói.

Với thị trường quốc tế, ông Thắng cho rằng, chúng ta cần có sự nghiên cứu thấu đáo, đầu tiên phải đặt vấn đề an toàn. Phải cân bằng an toàn phòng chống cộng với nới lỏng để phát triển du lịch.

“Địa phương nào bảo đảm về y tế, có mong muốn mở cửa và bảo đảm an toàn sẽ mở chứ không cần mở cửa lần lượt. Khi đó, chúng ta sẽ không mất thời gian để xúc tiến du lịch và sẽ xúc tiến du lịch đúng chỗ. Thậm chí, chúng ta sẽ tham khảo nhiều nước mở cửa thế nào, tham khảo phương pháp phù hợp với điều kiện của chúng ta”, ông Thắng nêu quan điểm.

Với kinh nghiệm trong 16 năm làm thị trường du lịch quốc tế, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho hay, để đón khách quốc tế, chúng ta cần phải nhìn lại cách thức phát triển du lịch quốc tế.

Theo ông Hà, cần định vị thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam về điểm mạnh với các nước trong khu vực là Thái Lan, Malaysia. Từ định vị đó, chúng ta mới xúc tiến sản phẩm du lịch, con người và thị trường nào phù hợp. Không có sản phẩm nào phù hợp với tất cả các thị trường vì văn hóa khác nhau.

Theo ông, du lịch bây giờ là trải nghiệm ký ức, các sản phẩm hiện nay phải nhắm vào vấn đề đó. Sau Covid-19, cảm xúc rất quan trọng và du khách nhắm tới du lịch xanh, đặc biệt là du khách châu Âu.

“Hiện nay, doanh nghiệp lữ hành đang thiếu thông số cũng như hành vi tiêu dùng của khách sau đại dịch. Chúng tôi cũng đang chưa rõ xu thế thế nào. Vừa rồi châu Âu đã mở cửa, chúng tôi đã làm việc với các đối tác để tìm xu thế của họ, xem Việt Nam có cái gì có thể mở cửa để phát triển cùng họ tạo sản phẩm sẵn sàng khi mở cửa là thực hiện. Những sản phẩm sau Covid-19 hướng tới nhóm nhỏ, ưu tiên cho gia đình, đến chỗ hoang sơ, biển đảo, tránh những chỗ xô bồ, đặc biệt sản phẩm xanh.

Với thị trường du lịch quốc tế, tôi nghĩ chúng ta cần có lộ trình rõ ràng và cam kết để truyền thông với các đối tác du lịch trên thế giới vì các hãng này họ luôn có kế hoạch rất xa”, ông Hà nói.

Ngoài vắc xin, cần xúc tiến quảng bá điểm đến

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), sau Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ Y tế ra Quyết định 4800 nhằm chuẩn bị năng lực ứng phó với dịch. Ngoài 4 cấp độ, quan trọng là chuẩn ứng phó, Bộ đang xây dựng tham mưu theo hướng khi các điểm đến bảo đảm yêu cầu quy định, ví dụ như vắc xin; việc chuẩn bị ứng phó, khi tình huống xảy ra là rất quan trọng, nhất là ứng phó về thu dung điều trị, ứng phó về các kịch bản y tế khi có sự cố xảy ra. Đây là điều quan trọng vì chúng ta xác định thích ứng với dịch để phát triển kinh tế.

Ông Phương cho hay, ngoài 2 địa phương như Phú Quốc và Nha Trang, thì Quảng Ninh cũng là địa phương có độ phủ vắc xin an toàn tốt. Việc chính quyền địa phương có nhiều biện pháp hỗ trợ, đây sẽ là điểm phát triển du lịch nội địa.

“Tôi đồng ý xác định du lịch nội địa tiếp tục là trọng tâm trong thời gian tới của ngành du lịch nhưng khi khai thông được du lịch quốc tế sẽ tạo điều kiện hình ảnh điểm đến và thúc đẩy phát triển du lịch của Việt Nam. Việc thí điểm càng sớm càng tốt tạo ra hiệu ứng tốt cho quảng bá du lịch nội địa, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh khu vực hiện nay.

Ngoài vấn đề về vắc xin, rất cần xúc tiến quảng bá điểm đến. Hiện ở các nước, việc xúc tiến quảng bá điểm đến hầu hết do nhà nước làm và doanh nghiệp cùng với đó là xúc tiến quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng tôi mong muốn cùng kết hợp với địa phương và các doanh nghiệp chung tay xúc tiến quảng bá điểm đến”, ông Phương nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết, Chính phủ giao Bộ tham mưu và cùng phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19. Trong đó, nhóm nhiệm vụ lĩnh vực về du lịch - dịch vụ là nhóm ưu tiên số 2 sau nhóm về tài chính và tín dụng.

Theo đó, Bộ VHTT&DL đang tiếp cận theo hướng phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế chính phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, phù hợp hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch.

“Ở nhóm nhiệm vụ này, Bộ VHTT&DL đã đề xuất và Chính phủ, Quốc hội chấp thuận giảm tiền điện trong cơ sở lưu trú; hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch; đề xuất giảm tiền ký quỹ du lịch cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành sửa đổi theo Nghị định 168 giảm 80% nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ VHTT&DL cũng kiến nghị xem xét các gói tín dụng dành cho doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Ngoài ra, theo ông phải tập trung giải quyết vấn đề khó mà doanh nghiệp đang gặp phải là chính sách hỗ trợ để không bị đứt gãy nguồn lao động. Bộ VHTT&DL đang đề xuất Chính phủ cùng Bộ LĐTB&XH có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm lại để không bị đứt gãy lao động trong doanh nghiệp du lịch.


Theo Minh Thư

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên