MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du lịch bền vững tại Việt Nam còn gặp nhiều rào cản

Dựa trên các kết quả từ Báo cáo Du lịch Bền vững 2024 của nền tảng Booking.com, mặc dù có nhiều du khách Việt Nam mong muốn đi du lịch bền vững hơn, song vẫn còn nhiều rào cản tồn tại. Nhiều người cảm thấy du lịch bền vững là quan trọng, nhưng không phải là ưu tiên hàng đầu của họ khi lên kế hoạch hoặc đặt trước chuyến đi.

Báo cáo Du lịch Bền vững thường niên của Booking.com (lấy khảo sát ý kiến từ hàng nghìn du khách trên toàn thế giới) chỉ ra rằng 75% du khách Việt Nam cảm thấy được khích lệ để sống xanh mỗi ngày sau khi chứng kiến các hoạt động du lịch bền vững trong mỗi chuyến đi. Nhiều người cũng bày tỏ mong muốn thực hiện các chuyến đi có trách nhiệm và bảo vệ môi trường, với 94% hy vọng rằng các chuyến du lịch của mình thân thiện với môi trường hơn.

Du lịch bền vững tại Việt Nam còn gặp nhiều rào cản- Ảnh 1.

Du khách đạp xe thăm làng rau tại Hội An, Quảng Nam

Tại Việt Nam, nhu cầu du lịch của du khách đã mở rộng, từ các hoạt động thân thiện với môi trường như đi bộ và đạp xe, đến những trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên hay tìm hiểu văn hóa. Tuy nhiên, dù đã có nhiều du khách Việt mong muốn du lịch trách nhiệm hơn, vẫn tồn tại một số rào cản cho du lịch bền vững tại Việt Nam.

Rào cản đầu tiên là cảm giác mệt mỏi của du khách khi đưa ra lựa chọn du lịch bền vững. Cụ thể, 26% du khách Việt Nam cảm thấy du lịch bền vững là quan trọng, nhưng không phải là ưu tiên hàng đầu của họ khi lên kế hoạch hoặc đặt trước chuyến đi. Ngoài ra, 47% tin rằng những tổn thất môi trường đã xảy ra là không thể khắc phục, và rằng những lựa chọn du lịch cá nhân của họ không thể tạo nên sự khác biệt. Một số người nghi ngờ về mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, khi 35% người tham gia khảo sát không tin rằng biến đổi khí hậu nghiêm trọng như những gì họ thường được nghe.

Du lịch bền vững tại Việt Nam còn gặp nhiều rào cản- Ảnh 2.

Ưu tiên không gian xanh trong cơ sở lưu trú.

Rào cản thứ hai là sự thiếu vắng biện pháp thiết thực và nhất quán khi áp dụng du lịch bền vững ở các điểm du lịch. Điều này có thể làm gia tăng cảm giác bất lực, khi 46% du khách tin rằng những nỗ lực cá nhân của họ trở nên "vô ích" nếu những điểm du lịch không thực sự áp dụng các biện pháp bền vững. Điều này đặt ra yêu cầu về một sự nhất quán trong các tiêu chuẩn chứng nhận tại Việt Nam. Cách truyền đạt thông tin cũng cần đơn giản và rõ ràng hơn, giúp du khách dễ dàng nắm bắt thông tin và đưa ra quyết định khi chọn nơi lưu trú.

Bên cạnh đó, trong nỗ lực thúc đẩy du lịch bền vững, các công ty du lịch và cơ sở lưu trú đóng một vai trò không thể thiếu, mặc dù vẫn còn đối mặt với những thách thức đáng kể. Nhiều người trong ngành vẫn chưa thực sự hiểu về du lịch bền vững và cách thực hành. Chi phí cũng là một yếu tố đáng quan tâm, nhiều người lo ngại rằng các sáng kiến bền vững có thể tốn kém và ảnh hưởng đến lợi nhuận của cơ sở lưu trú.

Theo phía Booking.com, các cơ sở lưu trú có thể chủ động bắt đầu thực hành bền vững từ những bước nhỏ như tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng nguồn lực từ địa phương. Về dài hạn, tập trung vào yếu tố bền vững sẽ là lợi thế cạnh tranh cho các cơ sở lưu trú, giúp họ thu hút nhóm khách hàng coi trọng du lịch bền vững. Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy trình vận hành hiệu quả như tiết kiệm năng lượng và giảm lãng phí không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao uy tín của các đối tác lưu trú.

Du lịch bền vững tại Việt Nam còn gặp nhiều rào cản- Ảnh 3.

Hoạt động du lịch, lưu trú theo hướng thân thiện với môi trường.

Du lịch bền vững đang chuyển dịch

Theo ông Varun Grover - Giám đốc Quốc gia của Booking.com tại Việt Nam, Báo cáo Du lịch Bền vững thường niên của Booking.com đã chỉ ra tầm nhận thức và cam kết về du lịch bền vững của du khách Việt Nam đang ngày một tăng.

Trước đây, “bền vững” và “phong cách” là hai khái niệm hiếm khi đi đôi với nhau. Du lịch bền vững thường gắn với hình ảnh các khu cắm trại cơ bản và đơn giản. Đến năm 2024, đã có sự kết hợp giữa thiết kế phong cách và tinh thần trách nhiệm, cho du khách cơ hội lựa chọn một lối sống vừa có ý thức, trách nhiệm mà vẫn hiện đại, phong cách. Du khách có xu hướng tìm kiếm những cơ sở lưu trú với kiến trúc đẹp mang nhiều tính năng thân thiện với môi trường (73% du khách Việt Nam mong muốn nghỉ tại các cơ sở lưu trú có nhiều biện pháp sáng tạo để bảo vệ môi trường).

Du lịch bền vững tại Việt Nam còn gặp nhiều rào cản- Ảnh 4.

Hoạt động du lịch tại tỉnh Hòa Bình có sự tham gia và chia sẻ lợi ích trong cộng đồng địa phương.

Tuy nhiên, thực hành du lịch bền vững tại Việt Nam vẫn cần thêm nhiều lựa chọn với chi phí phải chăng. Mặc dù 97% du khách Việt Nam mong muốn áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường thiết thực hơn khi đi du lịch, họ vẫn gặp những rào cản đến tình hình kinh tế bất ổn và giá cả ngày một tăng cao. Điều này cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ đến du lịch bền vững, cũng như nhu cầu về các lựa chọn hợp lý hơn về mặt chi phí.

Một sự chuyển dịch khác là xu hướng ghé thăm những địa điểm ít người biết và chọn thời điểm du lịch kĩ càng hơn. Ngày càng nhiều du khách Việt Nam muốn tránh xa những nơi đông đúc. Điều này thể hiện qua 48% trong số đó sẵn sàng đi du lịch "trái mùa" để tránh đám đông, 63% cho biết họ sẽ tránh các điểm du lịch nổi tiếng để đảm bảo những tác động và lợi ích từ chuyến đi của họ sẽ được phân bổ đồng đều hơn.

Du lịch tái tạo cũng nổi lên như một phần quan trọng của du lịch có trách nhiệm, với mục tiêu không chỉ bảo tồn mà còn phục hồi và nâng cao giá trị điểm đến. Cách tiếp cận này nhấn mạnh rằng những hành động có ý thức sẽ mang lại lợi ích cho cả môi trường và cộng đồng địa phương. Ngày nay tại Việt Nam, có tới 83% du khách mong muốn thấy các địa điểm họ ghé thăm được cải thiện sau chuyến đi, đang ngày càng ưu tiên lựa chọn những cơ sở lưu trú và hoạt động du lịch có trách nhiệm. Việc du khách Việt ngày càng quan tâm đến du lịch tái tạo phản ánh một niềm tin mạnh mẽ rằng du lịch có thể trở thành động lực tích cực, góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và môi trường địa phương.

Theo Hải Nam

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên