Du lịch cần cú hích để bật lên
Bức tranh du lịch nội địa hè 2024 có những gam màu khác biệt khi nhu cầu của du khách có sự thay đổi, dịch chuyển.
Những ngày giữa tháng 7, khu vực làm thủ tục và phòng chờ ở nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất khá vắng dù đang trong cao điểm du lịch hè. Anh Minh Nhật (ngụ quận 11, TP HCM) cho biết anh có chuyến công tác đi Hà Nội nhưng khá bất ngờ vì thấy sân bay vắng quá. "Hai tuần trước, tôi có chuyến du lịch kết hợp tham gia giải chạy bộ ở miền Trung cũng thấy du khách không đông như năm ngoái" - anh Nhật kể.
Nỗi lòng chủ - khách
Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trong 2 tháng cao điểm hè, rất nhiều điểm đến trong nước ghi nhận lượng du khách không đông như kỳ vọng, thậm chí giảm. Như đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng thấy. Khắp các điểm du lịch từ đầu đến cuối đảo hầu như không có cảnh chen chúc, quá tải như vài năm trước. Ngay cả những khu du lịch được đầu tư thuộc hàng đẳng cấp quốc tế nhưng Sunset Town, Hòn Thơm ở phía Nam đảo hay VinWonders, Vinpearl ở phía Bắc đảo cũng không thấy cảnh khách xếp hàng "rồng rắn".
Bà Lương Thị Ngoan, chủ một nhà hàng nổi tiếng ở trung tâm phường Dương Đông, TP Phú Quốc, cho biết lượng khách đến nhà hàng các dịp cao điểm du lịch chỉ bằng khoảng 30% so với những năm trước.
"Dù không tốn chi phí thuê mặt bằng nhưng tháng qua, tôi vẫn lỗ cả trăm triệu đồng tiền lương nhân viên và mua sắm nguyên liệu. Những cơ sở thuê mặt bằng còn lỗ nặng hơn. Kinh doanh mấy chục năm, ngoại trừ lúc dịch COVID-19, chưa bao giờ tôi thấy khó khăn như lúc này" - bà rầu rĩ.
Ông Nguyễn Thanh Tòng, một du khách đến từ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, cho biết dịp nghỉ hè, vợ chồng ông tranh thủ đưa 2 cháu qua Phú Quốc du lịch 4 ngày. Dù tiết kiệm tối đa nhưng vẫn tốn hết 20 triệu đồng, như: tiền tàu, taxi, khách sạn bình dân cho 4 người trong 4 ngày hết 9 triệu đồng; 4 vé đi cáp treo tham quan Hòn Thơm 450.000 đồng/vé; 4 vé VinWonders 920.000 đồng/vé; rồi tiền ăn uống, tiêu vặt…
"Tôi là khách nội tỉnh, chỉ cách Phú Quốc một chuyến tàu, đi du lịch gói ghém, không ở resort ven biển mà đã tiêu hết cả mùa thu hoạch lúa chỉ trong 4 ngày. Chuyến đi cũng không ấn tượng, chỉ đi tham quan một số công trình nhân tạo, chưa được trải nghiệm những nơi có cảnh quan thiên nhiên. Tôi nghĩ đó là một điểm trừ của du lịch Phú Quốc đối với khách nội địa vì quá tốn kém" - ông Tòng kể.
Nhiều điểm đến khác ở ĐBSCL cũng… ế ẩm không kém. Út Trinh Homestay (tọa lạc tại xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) là homestay đầu tiên ở ĐBSCL đạt chuẩn ASEAN, được đầu tư chỉn chu, kết hợp giữa nét truyền thống và hiện đại.
Du khách ở homestay có cơ hội trải nghiệm cuộc sống đích thực của người miền Tây, từ sinh hoạt, ăn uống đến các hoạt động đặc trưng như đạp xe khám phá làng quê, tát mương bắt cá, trồng rau, nấu ăn, thăm vườn trái cây và tham gia công việc đồng áng...
Dù vậy, trong mùa hè này, cơ sở đã ghi nhận sự sụt giảm về lượng khách so với cùng kỳ năm trước. "Lượng khách sụt giảm khoảng 50% so với thời điểm trước do tình hình kinh tế khó khăn, người dân ít chi tiêu hơn cho việc đi du lịch" - bà Phạm Thị Ngọc Trinh, chủ cơ sở Út Trinh Homestay, chia sẻ.
Tại tỉnh Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm tỉnh thu hút gần 3,1 triệu lượt khách quốc tế (tăng 27% so với cùng kỳ) nhưng khách nội địa chỉ đạt 1,5 triệu lượt (mức tăng khiêm tốn với chỉ 4%). Ở một số điểm du lịch nổi tiếng như phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn... lượng khách khá đông nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết tình hình kinh doanh còn gặp rất nhiều khó khăn, do khách chủ yếu đi tham quan, ít mua sắm và hạn chế chi tiêu.
Ông Nguyễn Xuân Hà, Giám đốc Công ty CP Quản lý công viên chủ đề Gami Hội An, cho hay hiện nay, ngành du lịch đang trên đà phục hồi nhưng khá chậm, nhất là khách nội địa có xu hướng giảm hơn so với năm ngoái.
Nguyên nhân có lẽ là do giá vé máy bay cao, những chuyến có giá vé thấp lại không thuận tiện (giờ khuya). Trước thực tế này, khách du lịch có xu hướng thay đổi cách thức, chuyển sang tự túc, đi du lịch ở bán kính không quá xa, với khoảng 300 km trở lại.
Khách chuyển sang đi... nội vùng
Tại TP Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khu điểm du lịch phản ánh dù trong mùa cao điểm nhưng khách đến Đà Nẵng không đạt như kỳ vọng do ảnh hưởng của giá vé máy bay. Khách nội địa chủ yếu đến từ các tỉnh, thành lân cận.
Đại diện khu nghỉ dưỡng Mikazuki cho hay lượng khách đến dịp cao điểm hè năm nay chỉ 70%-80% công suất, chưa đạt được kỳ vọng đặt ra là 90%. Nguyên nhân chính là do vé máy bay quá cao nên khu nghỉ dưỡng chủ yếu đón khách đi đường bộ hoặc tàu hỏa từ các tỉnh lân cận từ Nghệ An đến Bình Định.
Một số khu, điểm du lịch cho rằng cao điểm du lịch hè chỉ còn khoảng 1 tháng. Sau thời gian này, thị trường khách nội địa sẽ bắt đầu lắng xuống. Vì thế, giá vé máy bay cần điều chỉnh ngay từ thời điểm này để gỡ khó cho ngành du lịch.
Trong khi đó, báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho thấy 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh này đón hơn 5,6 triệu lượt khách, tăng 106% so với cùng kỳ năm 2023, vượt cả kế hoạch cả năm (đón 5,5 triệu lượt khách); doanh thu gần 15.000 tỉ đồng, tăng 56,8%.
Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, cho biết so với các năm trước, đây là lần đầu tiên tỉnh này đạt kỷ lục về số lượng khách đến tham quan, cũng như mức doanh thu. Nguyên nhân có thể đến từ việc Bình Định đã tổ chức thành công hàng loạt sự kiện lớn, như: Tuần lễ Thể thao, văn hóa và du lịch năm 2024; các chương trình du lịch hè năm 2024 như: Giải Vô địch thế giới mô tô nước Aquabike, Giải Vô địch thế giới thuyền máy F1H2O và Giải Teqball thế giới năm 2024… Qua đó, đã thu hút được một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến Bình Định.
Theo bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị - Công ty Du lịch Vietravel, tình trạng nơi đông, nơi vắng khách là thực trạng ngành du lịch đang phải đối mặt. Vietravel cũng không ngoại lệ, trải qua 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch nội địa tại công ty có sự giảm nhẹ, một phần là vì chi phí vé máy bay khá cao, phần vì xu hướng du lịch của khách đang ngày càng thay đổi.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị - Truyền thông Công ty Dịch vụ Lữ hành Vietluxtour, nói rằng du lịch nội địa hè năm nay có sự phân hóa ở 2 thị trường. Bên cạnh các tour trọn gói, du khách có xu hướng chọn các tour free & easy, tour option (thiết kế theo yêu cầu riêng của nhóm khách) và đặt các dịch vụ từng phần (khách sạn, vé máy bay, thuê ô tô...). Điểm đến được khách nội địa này ưa chuộng khi khởi hành từ TP HCM cũng là những điểm đến lân cận như Nha Trang, Phan Thiết, Phú Yên, Đà Nẵng...
Theo ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, dù các số liệu về thị trường du lịch nội địa tổng thể tại công ty vẫn ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng tính riêng từng tuyến, địa điểm và các nhu cầu về phương tiện sử dụng đã có sự dịch chuyển. Nhu cầu sử dụng phương tiện tàu hỏa tăng đáng kể gần đây, đặc biệt là từ nhóm du khách trẻ và gia đình.
Những điểm đến từ TP HCM như Ninh Chữ, Nha Trang và từ Hà Nội là Quảng Bình, Sa Pa… có nhu cầu lớn, tăng hơn 30% so với năm trước. Trong khi những tuyến xa, phải di chuyển bằng máy bay như Nha Trang, Phú Quốc… giảm đến hơn 50% cùng kỳ. Du khách từ phía Bắc chuyển sang sử dụng tàu hỏa làm phương tiện chính nhưng chỉ đến Huế, Đà Nẵng, chứ không đi vào phía Nam hoặc Tây Nguyên. Những số liệu này phản ánh các điểm đến bị ảnh hưởng rất lớn bởi giá vé máy bay tăng cao và sức chi tiêu của du khách giảm.
Nhu cầu đi tự túc tăng cao
Năm 2023 - 2024, một loạt tuyến cao tốc mới được đưa vào khai thác giúp nhóm khách gia đình, khách có xe cá nhân thêm nhiều lựa chọn như TP HCM đi Nha Trang qua cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo chỉ còn hơn 5 giờ hay từ Hà Nội đi Vinh chỉ còn 3-5 giờ nhờ tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt...
Hè năm nay, nhiều công ty du lịch ghi nhận các nhóm khách gia đình đặt các dịch vụ du lịch nội địa riêng như khách sạn, ô tô tăng cao so với cùng kỳ. Nhu cầu du lịch tự do trải nghiệm cá nhân... được nhiều yếu tố thuận lợi phát triển tăng số lượng như công nghệ du lịch phát triển, hệ thống đường cao tốc phát triển. Đổi lại, các DN đã chuyển hướng mở bán nhiều dịch vụ như vé máy bay, khách sạn riêng biệt tăng thêm sự lựa chọn linh hoạt cho du khách.
(Còn tiếp)
Người lao động