MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du lịch mở cửa nhỏ giọt

Chưa mơ xa xôi thí điểm đón khách quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin”, ngành du lịch vẫn trong trạng thái nghe ngóng, mở cửa nhỏ giọt cho du khách nội địa.

Đón khách cục bộ

Du lịch hè năm nay trầm lắng, bởi nhiều trung tâm du lịch lớn chỉ phục vụ khách nội tỉnh. Một số địa phương phát hiện ca nhiễm cộng đồng du lịch buộc phải đóng cửa, chẳng hạn Hải Phòng. Kỳ vọng ở du lịch nội địa năm nay khó thực hiện, bởi bước sang quý 3 nhưng hầu hết hoạt động du lịch vẫn cầm chừng.

Quảng Ninh mở cửa du lịch nội tỉnh từ 8/6, trải qua gần một tháng không có ca lây nhiễm cộng đồng, tuy nhiên địa phương chưa chào đón khách ngoại tỉnh trở lại. Lãnh đạo tỉnh chủ trương nghiên cứu chính sách đón khách tiêm vắc-xin COVID-19, có xét nghiệm âm tính từ nửa đầu tháng 6, nay vẫn chưa có động thái mở cửa. Hôm 1/7, bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất tỉnh cho phép các doanh nghiệp dịch vụ du lịch thí điểm đón khách ngoại tỉnh có chọn lọc. Hai nhóm khách ưu tiên là nhóm đã được tiêm vắc-xin có giấy xác nhận, nhóm có xét nghiệm âm tính với Sars-CoV2 trong 7 ngày.

Dù đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2021, Ninh Bình cũng rất thận trọng trong mở cửa du lịch. Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết từ 3/7, tỉnh cho phép mở cửa tất cả khu, điểm du lịch cho khách trong tỉnh. Địa phương này chưa tính tới phương án đón khách ngoại tỉnh do lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thiếu bản đồ du lịch an toàn

Người dân thiếu thông tin về chính sách mở cửa du lịch của các địa phương, không có thông tin về các điểm du lịch. Vì vậy nhiều chuyên gia đề xuất tới bản đồ số về điểm du lịch an toàn. Ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn của Tổng cục Du lịch thực hiện chưa được lan tỏa tới người dân, kém thân thiện.

Huế mở lại đường bay Hà Nội-Huế, chủ yếu phục vụ nhu cầu công vụ. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế cho biết hiện các doanh nghiệp dịch vụ, cơ sở lưu trú tập trung phục vụ nhu cầu khách địa phương. "Tỉnh chủ trì họp với các sở, ban ngành về chủ trương mở cửa du lịch, tuy nhiên chúng tôi vẫn đang trong quá trình xây dựng phương án. Hiện tỉnh vận động các doanh nghiệp dịch vụ có các gói sản phẩm mới trước hết phục vụ khách địa phương", ông Phúc nói.

Bãi biển công cộng chưa được phép mở lại, người dân có thể sử dụng dịch vụ tắm bể bơi, tắm sông suối kèm thưởng thức ẩm thực hoặc gói dịch vụ phù hợp giới trẻ. Các khách sạn 3 - 5 sao trong thành phố có chính sách ưu đãi người dân địa phương được hưởng dịch vụ mà trước đây vốn dành cho khách du lịch chi trả cao. "Huế có hệ thống núi non, nhiều suối thác sông hồ nên phù hợp dịch vụ cho nhóm nhỏ. Vừa qua, tỉnh chỉnh trang bờ kè, đường đi dạo và mở một số điểm tắm sông, nay được đưa vào phục vụ khách. Các khu, điểm du lịch, di tích, sông hồ được đón khách nội nhưng vẫn đảm bảo 5K, không tập trung quá đông khách với công suất tối đa 50%", ông Phúc nói. Khách du lịch ở các tỉnh khác vẫn có thể đến Huế nhưng chỉ được phép ở tại cơ sở lưu trú như khách sạn, khu nghỉ dưỡng và tuân thủ quá trình phòng, chống dịch.


Du lịch mở cửa nhỏ giọt - Ảnh 2.

Doanh nghiệp du lịch chờ đợi chính sách "hộ chiếu vắc-xin" quốc nội Ảnh: KỲ SƠN

Sống chung COVID?

Quảng Ninh tung chính sách kích cầu du lịch trong bối cảnh bình thường mới: miễn 100% giá vé điểm tham quan và tham quan lưu trú trên vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích và danh thắng Yên Tử. Ghi nhận chính sách tích cực hỗ trợ du khách và doanh nghiệp, thế nhưng ông Phạm Hà, CEO cty Luxury Travel sốt ruột mong ngóng lãnh đạo tỉnh sớm có chính sách cho phép đón khách ngoại tỉnh.Sống chung COVID?

"Có sự khác biệt ghê gớm về hành động của tỉnh Quảng Ninh ở đợt dịch thứ tư này so với các đợt dịch trước. Sau hơn 20 ngày không có ca nhiễm cộng đồng mà tỉnh vẫn chưa có động thái rõ ràng. Doanh nghiệp mong đón khách nội địa ra khơi, bởi chậm một ngày là ảnh hưởng tới sự sống còn của doanh nghiệp. Tôi nghĩ chúng ta cần sống chung với COVID-19, nếu các địa phương có chính sách quá cực đoan e rằng hết COVID-19 thì cũng sạch bóng doanh nghiệp", ông Hà nêu.

Nhu cầu khách nội tỉnh đối với các dịch vụ như nghỉ dưỡng du thuyền, tham quan vịnh trong ngày hầu như không có. Doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền bến bãi, khấu hao ngân hàng nhưng tàu đắp chiếu, doanh thu bằng không. Chính sách kích cầu bằng cách giảm 100% thuế phí tham quan vịnh, khu du lịch Yên Tử là sự chia sẻ của địa phương, thế nhưng để phục hồi du lịch bền vững, doanh nghiệp du lịch mong chờ chính sách lâu dài và bền vững hơn. Trước mắt, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đề xuất tỉnh ưu tiên cho các đối tượng thuộc doanh nghiệp phục vụ du lịch được tiêm vắc-xin trong thời gian sớm nhất có thể.

Kỳ vọng ở mùa hè cao điểm phục vụ khách nội địa dần tan biến. Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel gọi thời điểm này là "mùa hè hấp hối". Lí do hiển nhiên là giữa hè rồi nhưng các công ty du lịch, khách sạn, du thuyền, nhà xe, hàng không, điểm du lịch trong nước vẫn ngủ đông cùng những cơn ác mộng, đối mặt nguy cơ phá sản, đóng cửa.

Chủ trương cho thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc le lói sáng đối với ngành du lịch. Những người làm du lịch đồng thuận đề xuất áp dụng "giấy thông hành vắc-xin" nội địa. "Hộ chiếu quốc nội" này được đề xuất là cánh cửa mở ra cho du lịch, để du khách di chuyển thuận lợi từ tỉnh này tới tỉnh khác. Đây cũng được xem là phép thử khả thi ngay lập tức trước khi thí điểm đón khách quốc tế.

Theo Nguyên Khánh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên