Du lịch Trung Quốc rơi vào ‘vòng xoáy tử thần’ vì Covid-19
Bắc Kinh ghi nhận thêm hàng chục ca nhiễm mới Covid-19 sau khi phát hiện ổ dịch ở chợ bán buôn Tân Phát Địa cuối tuần trước. Hầu hết người dân ở Trung Quốc đại lục đều lo ngại về du lịch và tài chính, theo kết quả các khảo sát.
- 11-05-2020Báo Trung Quốc: Điểm nóng du lịch Việt Nam đang hồi sinh như thế nào?
- 10-05-2020[Khảo sát] Vì sao tới 90% khách Trung Quốc muốn đi du lịch hậu Covid-19 chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu?
- 12-02-2020Du lịch ứng phó Covid-19: Không thể cứ mãi phụ thuộc khách Trung Quốc
Zhang Ban, tài xế lái xe đưa đón cho một công ty dịch vụ du lịch tại Thượng Hải, phàn nàn rằng đại dịch Covid-19 chính là nguyên nhân khiến thu nhập của ông giảm hơn 50%.
“Chúng tôi nằm trong số những nạn nhân chính của virus corona”, Zhang nói. “Lĩnh vực du lịch bị tàn phá bởi dịch bệnh và tôi cảm thấy vô vọng”.
Tính đến tháng 4, sau khi Covid-19 được kiểm soát tại Trung Quốc đại lục, hầu hết công ty sản xuất và dịch vụ đã nối lại hoạt động. Nhưng lĩnh vực du lịch không như vậy bởi người dân đại lục vẫn hạn chế đi lại kể từ khi dịch bùng phát tại Vũ Hán cuối năm ngoái.
Khoảng 59% người tiêu dùng Trung Quốc tham gia khảo sát của Boston Consulting Group hồi tháng 5 cho biết họ lo ngại tình hình tài chính của gia đình và thận trọng đối với đi du lịch.
Đợt bùng phát số ca nhiễm Covid-19 tại Bắc Kinh cuối tuần trước càng khiến một số người e dè hơn về việc lên máy bay, ôtô hay tàu hỏa. Và chắc chắn, diễn biến này không có lợi cho khoảng 30 triệu lao động trong ngành du lịch tại Trung Quốc đại lục.
“Tôi dự định đưa hai con tới Bắc Kinh để tham quan các địa điểm lịch sử trong kỳ nghỉ hè nhưng phải hủy kế hoạch bởi thủ đô lại xuất hiện virus corona”, Zhang Wenjie, chủ một cửa hàng bảo dưỡng xe máy, nói. “An toàn luôn là ưu tiên hàng đầu”.
Nhóm nữ du khách chụp ảnh tại một làng cổ nổi tiếng ở Bắc Kinh ngày 9/6. Ảnh: AP.
Bắc Kinh đã đóng cửa Tân Phát Địa, chợ bán buôn thực phẩm lớn nhất thành phố này, hôm 13/6 và tuyên bố chính sách “quản lý thời chiến” tại một quận sau khi xác định đây là ổ dịch Covid-19 mới bùng phát.
Zhang Ban lo ngại về công việc trong tương lai. Ông bắt đầu bị cắt giảm lương từ tháng 2.
“Khối lượng công việc tiếp tục giảm do thiếu vắng du khách. Theo lẽ thường, các lãnh đạo sẽ buộc phải sa thải bớt nhân viên để tồn tại khi thị trường suy giảm”, ông chia sẻ.
Lĩnh vực du lịch trong nước của Trung Quốc tạo ra doanh thu 5.730 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm 2019, tăng 11,7% so với năm trước đó.
Du khách Trung Quốc đã trở thành động lực chính của thị trường du lịch toàn cầu bởi số người giàu có muốn tìm kiếm trải nghiệm mới ngày càng tăng. Năm ngoái, lượng khách từ Trung Quốc du lịch nước ngoài là 162 triệu người, tăng 4,6% so với năm 2018.
Ước tính, các lệnh phong tỏa và biện pháp nghiêm ngặt triển khai trong giai đoạn tháng 2 – tháng 4 có thể khiến ngành du lịch Trung Quốc thiệt hại ít nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ.
Huangshan Tourism Development, niêm yết tại sàn chứng khoán Thượng Hải, đơn vị quản lý các danh lam thắng cảnh ở núi Hoàng Sơn, tỉnh An Huy, báo lỗ ròng 77,2 triệu nhân dân tệ (10,9 triệu USD) trong quý I, trái ngược với mức lãi 23,6 triệu nhân dân tệ cùng kỳ năm ngoái. Công ty đã cảnh báo nhà đầu tư về nguy cơ lỗ trong nửa đầu năm nay vì lượng du khách giảm mạnh.
Kể từ tháng 3, Bắc Kinh đã hạn chế các chuyến bay quốc tế để ngăn nhập khẩu số ca nhiễm Covid-19. Trung Quốc còn áp dụng cách ly bắt buộc 14 ngày với công dân nước này trở về từ nước ngoài.
Những hạn chế trên đã xóa bỏ nhu cầu các chuyến du lịch nước ngoài.
Lãnh đạo cấp cao một công ty nhà nước về du lịch cho biết họ đã dừng mở các chuyến đi ra nước ngoài kể từ tháng 2. Nhu cầu du lịch trong nước chỉ bằng một phần nhỏ nếu so với cùng kỳ năm ngoái, người này cho biết.
Zheng Honggang, giám đốc điều hành Kate Travel, trụ sở Thượng Hải, cảnh báo sa thải hàng loạt là điều khó tránh trong bối cảnh thị trường hiện tại.
“Chúng tôi đã cố giữ nhân viên bằng cách giảm chi phí, giảm lương nhưng vẫn không thể duy trì hoạt dộng kinh doanh nếu không hành động mạnh tay hơn”, ông nói. “Đây là thời điểm quyết định thành bại đối với các công ty du lịch”.
Với nhiều người đang làm trong ngành du lịch, thông tin Covid-19 bùng phát ở Bắc Kinh là “giọt nước tràn ly”.
“Chúng tôi không thể trông đợi mọi người thực hiện kế hoạch du lịch sau khi nghe tin số ca nhiễm bệnh tăng ở Bắc Kinh”, hướng dẫn viên du lịch tự do Scott Yin chia sẻ. “Đã đến lúc cân nhắc chọn việc làm mới bởi không có gì đủ sức ngăn vòng xoáy tử thần trong ngành du lịch”.
Người đồng hành