MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du lịch Việt chịu thiệt vì quỹ hỗ trợ đóng băng

Sau hai năm ra mắt, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hoạt động kém hiệu quả. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được” của quỹ này gây lãng phí. Đại diện doanh nghiệp cũng sốt ruột khi những hoạt động quảng bá, xúc tiến bị tắc nghẽn.

Kém hiệu quả

Ngày 1/4/2022, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đối với cơ quan quản lý về du lịch, các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp ra mắt. Đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) là đại diện chủ sở hữu. Sự ra đời của quỹ được kỳ vọng giải quyết một phần hạn chế về nguồn lực cho xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch, đồng thời tạo cơ chế linh hoạt, năng động hơn, phù hợp với xu hướng hiện nay.

Du lịch Việt chịu thiệt vì quỹ hỗ trợ đóng băng- Ảnh 1.

Doanh nghiệp trông chờ quỹ chi tiêu cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch có chiều sâu. Ảnh: NHƯ Ý

Vốn điều lệ của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch do ngân sách nhà nước cấp trong 3 năm đầu. Hằng năm, ngân sách nhà nước bổ sung kinh phí bằng 10% tổng số thu ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài và 5% tổng số thu ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí tham quan khu du lịch, điểm du lịch. Quỹ cũng được hình thành nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tiền lãi từ tiền gửi của Quỹ tại ngân hàng .

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam từng nói, ngoài các nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ như các gói kích cầu, phục hồi kinh tế trong đó có du lịch đã được Quốc hội thông qua, các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch, phù hợp với định hướng và chỉ đạo của Chính phủ cũng như của Bộ VHTTDL.

Tuy nhiên, sau hai năm ra đời, quỹ hoạt động kém hiệu quả. Quỹ hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập nên không tránh khỏi những vướng mắc, có tiền mà không tiêu được. Các hoạt động xúc tiến du lịch do quỹ này phụ trách cũng rất ít ỏi, chủ yếu diễn ra trong năm 2023.

Du lịch Việt chịu thiệt vì quỹ hỗ trợ đóng băng- Ảnh 2.

Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch không có hoạt động kinh doanh và cũng không có hoạt động có thu. Ảnh: NHƯ Ý

Tháng 2/2023 tại Indonesia, Bộ VHTTDL tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Travex 2023. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là đầu mối tổ chức, dựng gian hàng, huy động xã hội hóa, tiếp nhận đăng ký và chịu trách nhiệm về thủ tục tham gia của các đơn vị. Gian hàng du lịch Việt Nam có diện tích 54 m2, gồm 8 quầy tiêu chuẩn của doanh nghiệp và 1 quầy trung tâm của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.

Ngày 13/10/2023, tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Hội chợ Triển lãm Du lịch Trung Quốc - ASEAN 2023 khai mạc. Đại diện Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tham gia cùng Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy và một số doanh nghiệp du lịch.

Khi Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch mới thành lập, ông Lê Tuấn Anh (Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch) được bổ nhiệm giữ chức chủ tịch. Ông Lê Ngọc Tuấn (Vụ Khách sạn) giữ chức giám đốc. Bà Phạm Thị Thu Huyền (Văn phòng Tổng cục Du lịch) giữ vị trí kiểm soát viên. Tuy nhiên, ban lãnh đạo này đều đã chuyển công tác.

Cần giải pháp chi tiêu thống nhất

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours cho biết, cơ chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa rõ ràng. Các doanh nghiệp không rõ quỹ hoạt động dưới tư cách một pháp nhân kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh phi lợi nhuận hay tổ chức cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp...

Ngoài nguồn thu từ ngân sách Nhà nước, đến nay quỹ chưa thực hiện thu từ các nguồn khác. “Về bản chất quỹ cần được duy trì với nhiều nguồn thu nhưng hiện nay chưa có nguồn thu nào khác ngoài số tiền 300 tỷ đồng đang có. Việc kêu gọi đầu tư chưa phát huy hiệu quả. Việc thu tiền từ các hoạt động du lịch hoặc cấp thị thực cũng chưa thực hiện được”, ông Nguyễn Công Hoan nêu.

Nếu không có nguồn thu thêm ngoài 300 tỷ đồng hiện có, hoạt động quỹ sẽ khó duy trì. Đây cũng là lý do khiến những người đứng đầu quỹ chưa thể mạnh mẽ đầu tư cho các chương trình quảng bá, xúc tiến quốc tế. “Quỹ không có hoạt động kinh doanh và cũng không có hoạt động có thu. Hoạt động của quỹ khó là do cơ chế, chính sách, do quy định pháp luật hiện hành chưa đầy đủ, thiếu tính chủ động, thiếu cơ chế bảo vệ trong trường hợp sai sót”, ông Hoan nêu. Ông cho biết, một số người không dám nhận trách nhiệm điều hành quỹ bởi quy chế, cách thức hoạt động của quỹ còn nhiều vướng mắc.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel cho biết, thành phần quỹ có sự đóng góp của Nhà nước và các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp muốn tiêu tiền trong quỹ phát cho việc phát triển du lịch nhưng quỹ gần như bất động.

Việc tiêu tiền trong quỹ cũng gặp vướng mắc khi mỗi doanh nghiệp lại mong muốn xúc tiến, quảng bá tại một thị trường riêng. Việc này từng gây tranh cãi khá nhiều trong ngành, chưa thể có sự đồng nhất. “Về phía doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn quỹ phát triển du lịch được dành cho kế hoạch xúc tiến mang chiều sâu, hướng đến các thị trường tiềm năng mà không phải trải đều, mỗi nơi quảng bá một chút”, ông Đạt nói.

Đại diện doanh nghiệp cũng đề xuất, cần một chiến lược phát triển, quảng bá, xúc tiến du lịch mang tầm quốc gia, nhắm đến những thị trường trọng điểm để dễ định hướng nguồn tiền của quỹ. Ngoài ra, những phương pháp quảng bá, xúc tiến không mang lại nhiều giá trị có thể xem xét loại bỏ trong thời gian tới.

Một số chuyên gia du lịch khẳng định, điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng điều lệ quỹ phù hợp, sớm góp ý, đề xuất để đưa ra quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của quỹ. Bên cạnh đó, ngoài rõ ràng về cơ chế thu chi, đại diện các doanh nghiệp mong muốn quỹ làm rõ về quyền lợi, mức độ đóng góp cho quỹ dựa trên cơ sở công bằng, tính toán phù hợp.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, từng tham gia lễ ra mắt Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch năm 2022 chia sẻ, vướng mắc chủ yếu của quỹ nằm ở khung pháp lý. Các doanh nghiệp khó có ý kiến và chỉ mong mỏi quỹ sớm đưa vào vận hành để có nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến du lịch.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho biết: Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chỉ mang tính hỗ trợ, các doanh nghiệp không nên quá phụ thuộc. “Cơ chế đã có, việc chi tiêu phải có định mức, vì vậy phải tiết kiệm. Việc chi quỹ, chi ngân sách lúc nào cũng có quy định chặt chẽ. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với du lịch. Du lịch tự làm, tự hưởng. Chúng ta phải tư duy là tổ chức các hoạt động lớn phải có doanh nghiệp vào cuộc. Không phải không tiêu được mà là sẽ tiêu”, Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định.


Theo Quỳnh Nga

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên