Du lịch Việt khởi sắc mạnh mẽ trên vai doanh nghiệp tư nhân
Hiện tại, trình độ chuyên môn còn tương đối thấp của nguồn nhân lực du lịch Việt Nam được đánh giá là một hạn chế trong nâng cao chất lượng dịch vụ và giữ chân du khách.
"Những dữ kiện thời gian qua cho thấy, Chính phủ đã định hướng rất rõ rằng xã hội hoá các nguồn lực đầu tư chính là con đường hiệu quả nhất để phát triển du lịch".
Đó là nhận xét của bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC tại cuộc toạ đàm trong khuôn khổ Liên hoan các Doanh nghiệp Du lịch Việt Nam (The Guide Awards 2019) diễn ra gần đây, với chủ đề "Sức bật du lịch Việt Nam: Nhìn từ nỗ lực của khu vực tư nhân".
Trước đó, trong bản quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng phê duyệt, vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển du lịch đã được nhấn mạnh hơn bao giờ hết, với nguồn vốn tư nhân dự kiến sẽ chiếm 90 - 92% tổng nhu cầu đầu tư vào du lịch là 1.931 nghìn tỷ đồng (tương đương 94,2 tỷ USD theo thời giá 2013), trong khi nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chỉ còn chiếm 8 - 10%.
Tiên phong và can đảm
Riêng trong năm 2018, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam đã tăng 4 bậc, từ 67 lên 63/140 nền kinh tế, đứng thứ 5 khu vực Đông Nam Á và thứ 13/22 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Trên bản đồ du lịch hiện nay, những điểm định hình chân dung du lịch rất rõ như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Phú Quốc… đều có dấu ấn của các tập đoàn tư nhân", ông Trần Đình Thiên, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.
"Xét về phương diện kinh tế, họ là những doanh nghiệp thực sự tiên phong và can đảm, dám chấp nhận rủi ro", ông nói.
Chung quan điểm này, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh khẳng định, nếu không có sự tham gia đóng góp của các tập đoàn lớn với các công trình trọng điểm như sân bay Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, sân golf FLC Hạ Long và nhiều khách sạn 5 sao, thì tài nguyên du lịch Quảng Ninh vẫn cứ mãi là "tiềm năng ngủ quên".
Sân golf FLC Golf Club Halong
Trên thực tế, có nhiều loại hình dự án mà trước đây chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới có thể tham gia, nhưng đến nay, doanh nghiệp tư nhân đều đã làm được, và làm rất tốt.
Dẫn chứng về hướng đi của FLC trong phát triển mô hình quần thể nghỉ dưỡng sinh thái, bà Hương Trần Kiều Dung cho biết, chiến lược đầu tư đồng bộ này đã giúp mang đến diện mạo mới cho nhiều địa phương.
Đơn cử, khu vực xây dựng dự án FLC Hạ Long trước đây là đồi sỉ thải hoang hóa, địa hình dốc phức tạp nhưng đến nay đã trở thành quần thể du lịch nghỉ dưỡng 5 sao với đầy đủ các hạng mục cao cấp.
Kể từ khi đi vào hoạt động cuối năm 2018, FLC Hạ Long trở thành một điểm nhấn du lịch mới, bổ sung kịp thời vào hạ tầng du lịch cao cấp của Quảng Ninh đang thiếu hụt, đồng thời liên tiếp được chọn là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện tầm cỡ.
Có thể xem đây là một ví dụ cho sự chuyển đổi hiệu quả các vùng đất hoang sơ thành điểm đến hấp dẫn, giúp thu hút và phân bổ đồng đều dòng khách cao cấp tới các điểm đến tiềm năng trên khắp Việt Nam, thay vì chỉ tập trung ở các đô thị lớn Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng… như hiện nay.
Hiệu ứng lan tỏa từ những dự án như FLC Hạ Long là rất rõ, khi lượng khách đến Quảng Ninh đạt kỷ lục hơn 12 triệu lượt khách năm 2018, và theo đánh giá của địa phương, thì đến thời điểm 9 tháng đầu năm 2019 đã lên tới 11,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đón 4,2 triệu lượt, doanh thu trên 22 ngàn tỷ đồng.
Tại Thanh Hóa và Bình Định - nơi có FLC Sầm Sơn và FLC Quy Nhơn - cũng ghi nhận lượt khách đột biến, tăng gấp 2 - 3 lần kể từ khi các quần thể nghỉ dưỡng này lần lượt đi vào hoạt động năm 2015 và 2016.
Lượng khách tăng mạnh khiến số chuyến bay đến cảng hàng không Phù Cát điều chỉnh từ 3 - 5 chuyến bay mỗi ngày trước 2017, nay lên đến trung bình trên 30 chuyến bay/ngày. Riêng Bamboo Airways đóng góp 12 chuyến bay mỗi ngày từ các địa phương khác về Quy Nhơn.
Từ trái qua: PGS. TS Trần Đình Thiên, PCT tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy và Tổng giám đốc Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung tại buổi tọa đàm The Guide Awards 2019
Còn những rào cản
Hiện tại, trình độ chuyên môn còn tương đối thấp của nguồn nhân lực du lịch Việt Nam được đánh giá là một hạn chế trong nâng cao chất lượng dịch vụ và giữ chân du khách.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ du lịch tại Việt Nam còn thấp, chỉ chiếm 43% tổng số lao động du lịch, trong đó có hơn một nửa không biết ngoại ngữ.
Dự báo, năm 2020 ngành du lịch cần khoảng 1 triệu lao động trực tiếp, năm 2025 cần khoảng 1,6 triệu. Như vậy, trong giai đoạn tới, mỗi năm ngành du lịch cần bổ sung khoảng 100 ngàn lao động được đào tạo.
Đây cũng là động lực để Tập đoàn FLC khởi công xây dựng Trường Đại học FLC tại Quảng Ninh hồi tháng 8 vừa qua. Với 3 lĩnh vực đào tạo chính là du lịch, hàng không, công nghệ cao, cùng sự tuyển chọn kỹ lưỡng từ đầu vào và phương pháp giảng dạy chuẩn quốc tế, mô hình này được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam trong thời gian tới.
Mặt khác, hiện vẫn còn tồn tại nhiều rào cản đáng tiếc đối với các dự án lớn đầu tư vào du lịch.
"Mỗi quần thể của FLC có quy mô vài ngàn ha, nhưng chúng tôi hiện vẫn phải thực hiện đầy đủ tất cả các thủ tục như một dự án nhỏ bình thường, có những dự án thời gian chờ hoàn tất thủ tục kéo dài lên đến 2 - 3 năm. Ngay cả trong Luật Đầu tư cũng không ghi nhận đầu tư vào các dự án du lịch là một lĩnh vực được ưu đãi đầu tư", bà Hương Trần Kiều Dung dẫn chứng, và kiến nghị Nhà nước cần nghiên cứu những cơ chế phù hợp, để tiếp tục tạo đà cho những hạ tầng du lịch chất lượng cao trong thời gian tới.
Cũng trong khuôn khổ chương trình The Guide Awards 2019, Tập đoàn FLC được vinh danh Top 10 thương hiệu du lịch – điểm đến ấn tượng nhất. Giải thưởng là sự ghi nhận những nỗ lực cống hiến của khối tư nhân đối với ngành du lịch Việt Nam. |