MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du lịch Việt Nam ở top thấp trong khu vực về đón khách quốc tế

Du lịch Việt Nam ở top thấp trong khu vực về đón khách quốc tế

Hội nghị toàn quốc về du lịch diễn ra sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022). Nhiều khó khăn cùng các đề xuất, giải pháp giúp du lịch “cất cánh” được nêu ra.

Sáng nay (15/3), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các Bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không.

Du lịch Việt Nam ở top thấp trong khu vực về đón khách quốc tế - Ảnh 1.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố (ảnh: VGP/Nhật Bắc).


Cách đây đúng 1 năm (15/3/2022), Việt Nam chính thức mở cửa trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" vì dịch COVID-19. Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, sau khi Chính phủ cho phép mở cửa toàn diện, các doanh nghiệp đã tích cực khôi phục hoạt động và ngành du lịch bắt đầu khởi sắc.

Theo đó, du lịch nội địa phục hồi nhanh với số lượng kỷ lục, năm 2022 đã đón 101,3 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2019. Tuy nhiên khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt, chỉ đạt 70% kế hoạch và thấp hơn nhiều so với thời điểm trước dịch.

“Mặc dù các doanh nghiệp đã rất cố gắng nhưng du lịch Việt Nam vẫn ở top thấp trong khu vực về đón khách quốc tế”, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch cho biết.

Để khắc phục tình trạng này, Hiệp hội cho rằng cần có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi và hấp dẫn du khách. Đồng thời phải có chính sách hỗ trợ, khôi phục doanh nghiệp và huy động tổng hợp nguồn lực của các doanh nghiệp du lịch.

Ngoài vốn, một trong những khó khăn mà doanh nghiệp du lịch phải đối mặt đó là vấn đề nhân sự. Theo đại diện Hiệp hội Du lịch, sau đại dịch, ngành du lịch đã mất trên 50% lao động. Một phần do doanh nghiệp buộc phải giảm lao động, một phần họ đã chuyển sang lĩnh vực khác trong thời gian đại dịch. Bên cạnh đó, chính sách visa cũng được đánh giá là rào cản lớn.

Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch đã kiến nghị sớm cải thiện thời gian xử lý visa, mở lại thủ tục nhận visa ở cửa khẩu, tiến tới việc cấp trực tiếp ở cửa khẩu cho khách du lịch có đủ điều kiện nhập cảnh, kéo dài thời gian lưu trú lên 30 ngày cho khách đã miễn visa được ra vào Việt Nam nhiều lần... Đồng thời cấp visa điện tử cho khách du lịch từ tất cả các quốc gia có đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam.

Gửi tham luận tới hội nghị, lãnh đạo UBND TP Hà Nội chỉ ra rằng việc cấp visa, số lượng quốc gia được miễn thị thực còn ít (hiện mới có 25/200 nước được miễn thị thực).

Thời gian lưu trú ngắn, thủ tục, quy trình cấp visa điện tử còn chưa thông suốt hay bị nghẽn mạng) cũng dẫn đến việc thu hút khách quốc tế gặp khó khăn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch còn gặp nhiều khó khăn khi mở cửa lại thị trường, hạ tầng kỹ thuật du lịch tại một số cơ sở lưu trú, điểm đến chưa được nâng cấp đầu tư, nhiều đơn vị không đủ vốn và năng lực để đầu tư, nâng cấp sản phẩm du lịch, nhân lực chất lượng cao ngành du lịch bị thiếu hụt, theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội.

Lãnh đạo Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ sớm có đề án, chương trình, kế hoạch triển khai tổng thể công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Du lịch Việt Nam (trong đó có Thủ đô Hà Nội) trên các kênh truyền thông, truyền hình quốc tế nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể và hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Là địa phương có nhiều lợi thế về du lịch, UBND tỉnh Khánh Hoà cũng kiến nghị xem xét bổ sung địa phương này vào danh mục các nơi được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau.

“Vì hiện nay, ngoài các sản phẩm du lịch ban ngày phục vụ du khách thì sản phẩm du lịch về đêm tại Khánh Hòa còn rất hạn chế, thiếu. Tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng đề án kinh tế đêm nhưng chưa thể triển khai do chưa được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào danh mục đề án”, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết.

Theo Hải Bình

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên