Du lịch Việt sốt ruột 'ngóng' khách Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường lớn của du lịch Việt Nam, thị trường này đóng cửa đã lâu, nay doanh nghiệp rất mong chờ nước này mở cửa trở lại để hồi phục thị trường du lịch quốc tế quan trọng này của Việt Nam, đặc biệt là vào dịp Tết năm nay.
- 26-12-2022Du lịch rộng cửa vẫn vắng khách quốc tế
- 19-12-2022Đừng để du lịch Việt Nam 'đi trước về sau'
- 19-12-2022Kích cầu du lịch qua những lễ hội, kỷ lục
Giám đốc một khách sạn 5 sao ở Nha Trang cho biết, trước đây ông có 2 khách sạn là 3 sao và 5 sao nhưng do du lịch khó khăn mấy năm nay nên ông bán bớt khách sạn 3 sao. “Một khách sạn còn lại mở cửa hoạt động gần một năm nay nhưng chúng tôi vẫn chỉ hoạt động cầm chừng vì khách đến ít, buộc phải cắt giảm nhân sự để cắt lỗ”, vị này nói.
Tuy nhiên, gần một tháng nay khách sạn này liên tục đăng tuyển nhân viên để hoàn thiện bộ phận nhân sự, sẵn sàng cho giai đoạn mới.
“Nhiều thông tin về việc khách quốc tế , đặc biệt là khách ở những thị trường truyền thống như Trung Quốc sẽ đến Nha Trang - Khánh Hòa dịp đầu năm 2023, khách sạn muốn mọi thứ phải sẵn sàng để không bị động trước cơ hội lớn này", vị này cho hay.
Nha Trang sẵn sàng đón khách Trung Quốc.
Tại Nha Trang, nhiều khách sạn, du thuyền sẵn sàng nguồn lực để đón dòng khách Trung Quốc sắp tới.
Ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - cho biết, việc các hàng hàng không mở lại các đường bay từ Trung Quốc đến Cam Ranh là tín hiệu đáng mừng và sẽ tạo cú hích cho sự phục hồi ngành du lịch. Theo ông Vinh, hiện tỉnh có hơn 1.100 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó 3-5 sao được công nhận là 102 cơ sở, chiếm gần 50% tổng số phòng trên địa bàn.
“Lượng khách chưa đông nên hiện một số khách sạn vẫn đóng cửa hoặc chỉ đón khách ở một số tầng cố định để giảm chi phí. Tuy nhiên, với hơn 20.000 phòng khách sạn ở phân khúc 3-5 sao, nếu có lượng đặt chỗ lớn từ thị trường khách quốc tế thì các khách sạn sẽ sẵn sàng. Chúng tôi chỉ chờ khách chứ không lo thiếu phòng”, ông Vinh nói.
Ông Nguyễn Công Hoan - Giám đốc Công ty Flamingo Redtours - cho rằng, năm 2022 du khách Trung Quốc còn e ngại du lịch sau COVID-19 có an toàn không, nhưng hiện nay tâm lý du khách rõ ràng ổn định hơn và nhu cầu tăng cao hơn.
"Ngành du lịch nên tích cực hợp tác, nối lại các đường bay và tăng tần suất chuyến; và tăng cường xúc tiến, quảng bá các thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống, xây dựng sản phẩm mới lạ…", ông Hoan nói.
Hướng đến mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023, ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Travelogy Việt Nam - đánh giá, các địa phương vẫn đang nỗ lực làm mới điểm đến, doanh nghiệp lữ hành dồn dập dựng tour mới, các nhà phát triển du lịch gồng sức xây dựng hàng loạt sản phẩm với quy mô, hấp dẫn…
“Không thể nói các doanh nghiệp không chủ động mà phải chỉ rõ ràng rằng chính sách không đáp ứng được mục tiêu. Nếu Chính phủ không quyết liệt, có chính sách thực chất vực dậy ngành du lịch thì tất cả những nỗ lực nêu trên của doanh nghiệp địa phương coi như đổ sông đổ bể”, ông Vũ Văn Tuyên nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Tuyên - Phó Chủ tịch Hội Lữ hành - cho rằng, Trung Quốc là thị trường lớn của du lịch Việt Nam, thị trường này đóng cửa đã lâu, nay doanh nghiệp rất mong chờ nước này mở cửa trở lại để hồi phục thị trường du lịch quốc tế quan trọng này của Việt Nam.
Để tận dụng được tốt nhất cơ hội này, ông Tuyên cho rằng các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng vì đã lâu không đón khách Trung Quốc, phải rà soát lại sản phẩm du lịch, dịch vụ liên quan, marketing sao cho hiệu quả nhất.
Dự báo Trung Quốc sẽ vẫn thận trọng trong phòng chống dịch, ông Tuyên mong mỏi các cơ quan quản lý về du lịch phải hoạt động tích cực hơn, bám sát thông tin độ mở của thị trường Trung Quốc và phải có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thông tin thông suốt, đồng bộ, chính xác, giúp các doanh nghiệp có những bước đi đúng.
Từ phía các doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm chất lượng, đảm bảo lợi ích hài hòa cho các bên.
Tiền phong