Dư nợ cho vay chuỗi liên kết: Mới chỉ dừng ở mức 7.000 tỷ đồng
Nhiều ưu đãi cho vay đối với doanh nghiệp thuộc chuỗi liên kết như lãi suất thấp hơn, được xem xét khoanh nợ..., nhưng vốn giải ngân cho chuỗi mới chỉ gần 7.000 tỷ đồng cho đến nay.
Ngày 11/11, tại TP.HCM, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Diễn đàn thường niên lần thứ 4 của APEC về “Phát triển thị trường tài trợ chuỗi cung ứng tại các nền kinh tế mới nổi như thế nào?”.
Tại diễn đàn này, bà Đặng Thị Thanh Hồng, Phó trưởng Phòng Tín dụng ngành Nông nghiệp , Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết, phương thức cho vay theo chuỗi liên kết được Chính phủ khuyến khích và ban hành trong Nghị quyết 14 (ngày 05/3/2014).
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) thống nhất thực hiện cho vay theo chuỗi liên kết. Theo đó, mức lãi suất cho vay theo chuỗi thấp hơn với lãi suất thông thường từ 1-1,5%/năm; mức cho vay có thể lên tới 90% giá trị dự án; ngân hàng cũng có thể cho vay không có tài sản đảm bảo dựa trên cơ sở uỷ thác độc quyền...
Tại chương trình này đã có 28 doanh nghiệp tại 22 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm. Cơ chế ưu tiên cho các cá nhân hoặc đầu mối chuỗi liên kết khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng… khách hàng có thể được giữ nguyên nhóm nợ hoặc cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ và xem xét cho vay mới để khôi phục sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, khách hàng cũng có thể được xét khoanh nợ từ 2-3 năm.
Nghị quyết 14 của Chính phủ cũng quy định về quản lý dòng tiền để giảm rủi ro cho các tổ chức tín dụng, trong đó các bên liên kết sẽ mở tài khoản tại tổ chức tín dụng và cam kết mọi giao dịch tiền tệ thông qua tài khoản này.
Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho đến nay, dư nợ cho vay theo chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đạt gần 7.000 tỷ đồng.
“Kết quả cho vay này còn khá hạn chế. Nguyên nhân là các doanh nghiệp đầu mối và các bên trong chuỗi liên kết chưa thực hiện mở tài khoản, cũng như thực hiện các giao dịch tiền tệ liên quan đến chuỗi thông qua các tài khoản này. Hiện tượng vi phạm hợp đồng giữa các bên còn khá phổ biến. Ngoài ra, công cụ phòng rủi ro cho vay chưa được đẩy mạnh, chưa có hành lang pháp lý đối với cơ chế dự phòng xử lý khi rủi ro xảy ra…”, bà Hồng chia sẻ.
Bà Hồng cũng cho biết thêm để việc cho vay theo chuỗi liên kết thực sự hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành địa phương trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sản xuất nông nghiệp và liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Cần có các giải pháp liên kết gắn với tiêu thụ bằng việc hợp tác với các doanh nghiệp đầu tàu…
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến nay, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt gần 1,9 triệu tỷ đồng, tăng gần 6% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng hơn 24% tổng dư nợ của cả nền kinh tế. Trong đó: dư nợ đối với doanh nghiệp nông nghiệp đạt gần 600.000 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2018; dư nợ cho vay liên kết đạt gần 7.000 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ dư nợ cho vay liên kết chỉ chiếm khoảng 0,36% trong tổng dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. |
BizLive