MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dư nợ mảng vay mua nhà để ở của Techcombank dự tăng 35% năm nay

27-02-2020 - 16:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng sẽ tập trung cho vay 6 lĩnh vực kinh tế tăng trưởng cao để phân tán dần rủi ro.Riêng lĩnh vực cho vay mua nhà, ngân hàng cũng có cách thức quản trị để tránh rủi ro tập trung.Nhu cầu mua nhà vẫn lớn, dự kiến dư nợ mảng này tăng 35% năm nay.

Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank (HoSE: TCB) Đỗ Tuấn Anh vừa có những chia sẻ liên quan đến định hướng của nhà băng này thời gian sắp tới, tại buổi họp thông tin kết quả kinh doanh và gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra chiều 26/2 tại TP HCM. Ông cho biết ngân hàng sẽ kiểm soát bằng cách tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng kinh tế cao, phục vụ nhu cầu của những nhà sản xuất lớn cho đến người tiêu dùng cuối cùng, bằng việc tập trung cho vay ở 6 lĩnh vực kinh tế tăng trưởng cao. Các lĩnh vực này có nhà ở, ôtô, dịch vụ tài chính, du lịch & giải trí, tiện ích & viễn thông và ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Theo ông, các lĩnh vực kinh tế tiêu dùng trong nước đóng góp hơn một nửa GDP với sự tham gia của 39% lực lượng lao động cả nước, có mức tăng trưởng khoảng 16% - cao gấp đôi tăng trưởng GDP. 

Dư nợ mảng vay mua nhà để ở của Techcombank dự tăng 35% năm nay - Ảnh 1.

6 lĩnh vực chính ngân hàng muốn hướng đến. Ảnh: Huy Lê.

Hiện Techcombank chủ yếu cho vay mua nhà, gây lo ngại về rủi ro tập trung. Tuy vậy, lãnh đạo ngân hàng này cho biết cần nhìn nhận cả khía cạnh kiểm soát rủi ro của ngân hàng nằm ở việc kiểm soát chất lượng khách hàng như các chủ đầu tư phải có năng lực tài chính và sản phẩm tốt, người mua nhà phải có khả năng thanh toán đúng hạn… Bản thân ngân hàng cũng đang dịch chuyển từ các nhà phát triển dự án sang nhà thầu, nhà cung cấp, người mua nhà - các nhóm khách hàng ít rủi ro hơn. 

Trước băn khoăn của các nhà phân tích về rủi ro, lãnh đạo ngân hàng cho hay sẽ phân tán rủi ro bằng phân loại tập khác hàng. Chẳng hạn, ở lĩnh vực nhà ở, ngân hàng phân chia thành các nhóm khác nhau như chủ sở hữu đất, chủ đầu tư, nhà cung cấp trong nước, nhà thầu phụ và người mua nhà. Song hiện tại, ngân hàng này mới xây dựng được nền tảng chuỗi giá trị nhà ở. Còn ở các mảng khác, theo chia sẻ của ông Tuấn Anh, ngân hàng vẫn đang nghiên cứu, phát triển thêm và coi đó là thách thức, dư địa tăng trưởng cho sắp tới.

Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh nói thêm việc tập trung vào 6 lĩnh vực kinh tế cũng là cách thức quản trị để hạn chế rủi ro trong các chu kỳ kinh tế. Còn với cho vay mua nhà, theo ông, người mua nhà có nhiều nghề nghiệp khác nhau giúp rủi ro tập trung được phân tán.

Cho vay mua nhà vẫn là chiến lược trọng tâm, theo Giám đốc Dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân Lê Thị Bích Phượng. Ngân hàng sẽ từ bỏ các sản phẩm có rủi ro cao chuyển sang các sản phẩm có rủi ro thấp như cho vay mua nhà, mua ôtô đối với các khách hàng có thu nhập khá và cao.

Dư nợ cho vay cá nhân hiện là hơn 105.000 tỷ đồng, nợ xấu được kiểm soát ở 1,8%. Tính theo phân khúc, dư nợ của các khách hàng có thu nhập cao chiếm tỷ trọng 73% và khách vay mua nhà chiếm 81% trong tổng dư nợ cho vay cá nhân.

Trước ý kiến cho rằng thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, gây ra lo ngại về nhu cầu mua nhà để ở. Bà Phượng cho rằng dù một số công ty có khăn khăn nhưng nhu cầu của khách hàng về nhà ở vẫn rất lớn bởi kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, nhu cầu nhà ở gia tăng, chưa kể quá trình đô thị hoá cũng đang mạnh mẽ.

Theo thống kê của bà, thị trường có khoảng 700.000-800.000  cặp vợ chồng mới cưới có nhu cầu mua nhà ở. Về xu hướng tiêu dùng thì thế hệ trước đây "ngại" vay ngân hàng nhưng thế hệ sinh năm 1980 trở lại sẵn sàng đi vay.  Giám đốc Dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân kết luận rằng với nhu cầu cao, không có người bán này sẽ có người bán khác. Ngân hàng không nhìn thấy sự giảm sút trong nhu cầu mua nhà và dự kiến dư nợ vay mua nhà để ở tăng 35% trong năm nay.

Theo Huy Lê

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên