MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Bỏ quên nhiều bài học

Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Bỏ quên nhiều bài học

Bản dự thảo quy hoạch điện đầy tham vọng phác thảo "vóc dáng" hệ thống điện quốc gia trong dài hạn nhưng nhiều bài học ở giai đoạn trước chưa được nhìn nhận thấu đáo

PGS-TS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận xét dự thảo đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (QHĐ VIII) đã thiếu đi phần rất quan trọng là rút kinh nghiệm về vấn đề phát triển quá nóng các dự án điện mặt trời gây ra nhiều tác động tiêu cực cho hệ thống điện quốc gia.

Đầu tư lãng phí

Ông Trần Văn Bình dẫn chứng Bộ Công Thương đã cấp phép cho đến năm 2020 tổng cộng 16.700 MW công suất điện gió và mặt trời được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, chiếm 26% tổng công suất 69.300 MW toàn hệ thống. Đáng nói là QHĐ VIII dự kiến công suất nguồn của hệ thống điện đến năm 2020 chỉ 60.000 MW nhưng do các nhà máy điện mặt trời vào ồ ạt trong thời gian ngắn khiến dự phòng thô của hệ thống năm 2020 đã đạt đến 79%, cao hơn 2,5 lần so với năm 2010 và cao hơn 1,5 lần so với năm 2015. Chưa kể, điều này cũng là một trong những yếu tố tác động khiến các công trình nguồn điện khác đã và đang xây dựng với tổng cộng 7.100 MW phải giãn tiến độ vì công suất của hệ thống đang thừa.

"Đã xuất hiện thêm 16.700 MW công suất nằm ở những vùng hầu như không có phụ tải nên chưa có quy hoạch lưới truyền tải. Điện sản xuất ra nhưng không thể tiêu thụ được cũng không thể cất vào kho nên tiền đầu tư bị lãng phí. Chưa kể, dư luận được định hướng rằng điện mặt trời, điện gió là nguồn tài nguyên vô tận, giá rẻ. Nhưng thực tế ở nước ta, để khuyến khích các nhà đầu tư, Chính phủ cam kết mua với giá 9,35 cent/KWh, trong khi giá bán điện bình quân mới chỉ gần 8,1 cent/KWh. Rõ ràng là cơ chế chính sách của chúng ta chưa đồng bộ" - ông Bình phân tích hàng loạt vấn đề tồn tại.

TS Nguyễn Thành Sơn - chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng - cũng chỉ rõ cả chủ đầu tư và người tiêu dùng đều đang phải chịu hậu quả của việc phát triển điện tái tạo quá nóng nhưng chưa thấy dự thảo QHĐ VIII đưa ra giải pháp khắc phục cụ thể. "Cần phải chấm dứt việc chạy theo đề xuất của chủ đầu tư, nhét dự án vào quy hoạch bất chấp mọi cân đối về nguồn và lưới như cách mà Bộ Công Thương đã làm gần đây" - TS Nguyễn Thành Sơn nêu định hướng chung cần thể hiện ở dự thảo.

Theo ông Sơn, nên có cách tiệm cận bao trùm, tổng thể về nhu cầu điện cân đối với nguồn phát, nguồn lực đầu tư cùng các vấn đề môi trường, đặc biệt là phải bám vào Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như những định hướng liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng. Từ đó, thể hiện ra trong bản quy hoạch các thông tin về việc thời điểm nào cần dự án ra sao và đặt ở đâu. Theo đó, sẽ quyết định dự án phù hợp xuất hiện ở thời điểm phù hợp để tối ưu hóa được việc phân bổ nguồn lực, thay vì nguồn có nhiều mà không phát lên lưới được, người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi.

 Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Bỏ quên nhiều bài học  - Ảnh 1.

Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thọ (tỉnh Phú Yên) với công suất 45,9 MW đi vào hoạt động từ giữa năm 2019. Ảnh: HỒNG ÁNH

Có cần cơ chế cho dự án ra - vào?

Với hàng loạt cái tên được điểm trong dự thảo QHĐ VIII dưới hình thức nhắc lại văn bản phê duyệt các dự án trong quy hoạch cũ, không ít nhà đầu tư tỏ ra lo lắng khi vô hình trung đã hình thành danh mục dự án, giúp chủ đầu tư các dự án được vào danh mục "yên tâm" khó có thể bị loại, còn chủ đầu tư khác thì không tìm thấy cơ hội.

Một nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo góp ý giữa quy hoạch và thực hiện thực tế, nếu xem xét thấy không thực hiện được thì nên loại, bởi khi lập quy hoạch, rất khó đánh giá dự án có thể thành công 100% hay không. Nếu không loại ngay từ đầu thì dự án rất dễ thành quy hoạch treo, còn nhà đầu tư khác cũng không có cách nào chen chân vào thay thế. "Phải có quy định mang tính pháp quy để kiểm soát khâu sau quy hoạch, có tính bắt buộc các ngành, địa phương thực hiện để tránh quy hoạch treo. Chẳng hạn, trong bao lâu dự án không thực hiện được thì phải xem xét lại, nếu không làm được phải đưa ra khỏi quy hoạch. Nội dung này nếu không được thể hiện ở dự thảo QHĐ VIII thì cũng nên có ở những văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện quy hoạch sau này" - nhà đầu tư này nêu quan điểm.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một chuyên gia trong ngành, chuyện linh hoạt trong xác định các dự án điện mới ở QHĐ VIII điều chỉnh vẫn còn nguyên giá trị như một bài học lớn. Thực tế, đã xảy ra tình trạng khi phụ tải thấp, buộc phải tiết giảm phần nguồn gây lãng phí nguồn lực lớn của xã hội và gây rủi ro cho nhà đầu tư tư nhân. Còn khi phụ tải tăng, cần huy động nguồn tái tạo nhiều hơn thì lại vấp phải vấn đề năng lực truyền tải hạn chế do nguồn đã vượt quá khả năng truyền tải. Mặt khác, ngay cả khi truyền tải đáp ứng được thì tỉ trọng điện tái tạo quá lớn cũng đặt ra những lo lắng về độ an toàn do đặc trưng "không liên tục" trong cung ứng của các nguồn tái tạo. Đây chính là hệ quả của việc triển khai "linh hoạt" trong thực tế.

"Tôi không nói rằng đã quy hoạch là "cứng", nhất là trong bối cảnh có những thay đổi nhanh chóng của công nghệ và chi phí đầu tư. Nhưng cần một nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch rõ ràng để khi có những biến động liên quan đến cung cầu, hoàn toàn có thể điều chỉnh để bảo đảm nguyên tắc cứng của bài toán quy hoạch về kỹ thuật và tối ưu kinh tế. Nếu không, một lần nữa sẽ rơi vào hiện trạng như thời điểm 31-12-2020 khi nguồn điện mặt trời đăng ký gấp 20 lần quy hoạch" - chuyên gia này cảnh báo.

Không thể trách nhà đầu tư tư nhân

Liên quan đến câu chuyện "thừa điện", các chuyên gia cho rằng nguyên nhân một phần do phụ tải giảm bởi sản xuất - kinh doanh bị đình trệ do dịch Covid-19 nhưng nguyên nhân chính vẫn là thiếu cơ chế kiểm soát việc thực hiện quy hoạch. Việc này không thể trách nhà đầu tư bởi nếu có cơ chế để có lãi, không doanh nghiệp nào từ chối đầu tư. Chưa kể, việc xây dựng tỉ trọng điện tái tạo quá lớn trong cơ cấu nguồn hiện nay còn gây lo ngại về an ninh năng lượng và đây là bài học mà cơ quan quản lý cần rút kinh nghiệm khi đã không định hướng phát triển đồng bộ theo bài toán cân đối sản xuất, truyền tải và cơ cấu vùng, gây thiệt hại lớn cho xã hội.

Theo Phương Nhung

Theo Người lao động

Trở lên trên