Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước tác động ra sao đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp hiện nay?
Dự thảo sửa đổi thông tư 16 tác động ra sao đến vấn đề TPDN hiện nay? Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinRatings đã có những bình luận, đánh giá xoay quanh vấn đề này.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định về việc TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 tác động ra sao đến vấn đề TPDN hiện nay? Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinRatings đã có những bình luận, đánh giá xoay quanh vấn đề này.
Về mặt tích cực , ông Thuân đánh giá dự thảo sửa đổi của NHNN có khá nhiều điểm tác động tích cực đến TPDN.
Thứ nhất, dự thảo đã cho phép ngân hàng mua TPDN trong đó có mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và thu thấp đầy đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn lưu động (Khoản 14 bổ sung cho Điều 4).
Điểm này nếu được áp dụng sẽ góp phần thuận lợi cho TCTD đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp nhằm bổ sung vốn lưu động, thay vì phải gắn với phương án phát hành cụ thể, thường chỉ được xác định được cho các chương trình, dự án đầu tư tài sản cố định. Bên cạnh đó cũng phát huy được bản chất tín dụng của trái phiếu khi được mua và giám sát bởi TCTD.
Thứ hai, TCTD được phép mua lại TPDN chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UpCOM mà TCTD trước đó đã bán ra đến trước ngày 31/12/2023 (Sửa đổi Khoản 11, Điều 4).
CEO FiinRatings cho rằng đây là vấn đề có ý nghĩa nhất với chính các TCTD trong bối cảnh áp lực mua lại trái phiếu thời gian vừa qua khi NĐT yêu cầu tất toán trước hạn, nhằm tháo gỡ áp lực mà một số TCTD đang gặp phải do trước đó đã phân phối cho NĐT trong khi Tổ chức phát hành gặp khó khăn về dòng tiền và không thể mua lại.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi này cũng là hợp lý trong bối cảnh thị trường thứ cấp tập trung trên HNX chưa đi vào hoạt động, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát chất lượng tín dụng bởi ngân hàng đối với tổ chức phát hành và thường cũng là khách hàng vay vốn của TCTD.
Mặt khác, nó cũng góp phần giảm phần trái phiếu “trôi nổi” trên thị trường mà đang được sở hữu bởi NĐT cá nhân với thông tin cơ bản là "mù tịt" về tổ chức phát hành nếu DN chưa niêm yết.
Thứ ba, TCTD phải sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua TPDN cho DN hoặc bên bán TPDN (Khoản 16 được bổ sung cho Điều 4).
Quy định này sẽ kiểm soát giao dịch và mục đích sử dụng vốn của DN thuận tiện hơn trong quá trình giám sát tín dụng và quản trị rủi ro. Điều này nhằm tránh tình trạng giao dich tiền mặt và do đó mục đích sử dụng vốn khó có thể đảm bảo việc xác minh và đánh giá bởi TCTD và các bên độc lập như kiểm toán mục đích sử dụng vốn.
Về những điểm bổ sung để dự thảo mang tính chặt chẽ hơn, ông Thuân đưa ra một vài lưu ý. Dự thảo bổ sung quy định TCTD chỉ có thể mua TPDN khi hệ số Nợ/ Vốn chủ sở hữu (bao gồm cả khối lượng TPDN dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần dựa trên báo cáo tài chính gần nhất đã được kiểm toán (bổ sung điểm e, khoản 6, Điều 4). Tức là các DN có mức đòn bảy cao hơn mức 5.x này sẽ không thuộc đối tượng được TCTD mua trái phiếu. Điều này nhằm tránh việc nhiều doanh nghiệp là công ty dự án có đòn bảy rất cao, lên đến chục và vài chục lần mặc dù đáp ứng các tiêu chí phát hành trái phiếu của NĐ153 hoặc sửa đổi với NĐ65 sẽ không được TCTD mua nữa.
Các quy định khác quan trọng đối với từng TCTD vẫn được giữ, theo nguyên tắc: phải có NPL < 3%, kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, có phương án khả thi trong việc đảm bảo thanh toán gốc và lãi đúng hạn và DN không có nợ xấu (từ Nhóm 3 – Dưới chuẩn) trong vòng 12 tháng gần nhất trên CIC.
Tóm lại , chuyên gia FiinRatings cho rằng việc quan trọng nhất đối với vấn đề nợ trái phiếu hiện nay là nhu cầu tái tài trợ hoặc cơ cấu lại nợ vẫn chưa được dự thảo sửa đổi trong lần này trong bối cảnh nợ xấu trái phiếu đang tăng từng ngày (Nợ xấu TPDN tính trên non-bank bonds là 12% và riêng trái phiếu BDS thi default ratio la 20,17% tại ngày 17/3 và có xu hướng tăng tiếp).
Do đó, nếu như dự thảo sửa đổi Thông tư 16 này được giữ nguyên thì cũng chưa có tác động nhiều đến việc giải quyết vấn đề TPDN nói riêng và trong đó có tín dụng bất động sản. Điều này cũng sẽ tạo áp lực lên tỷ lệ nợ xấu vào thời gian tới đây nếu như không được tái cơ cấu.
Chuyên gia cho rằng biện pháp này mang tính kỹ thuật nhiều hơn bởi mấu chốt vẫn là sự cải thiện về dòng tiền từ DN, nhưng triển vọng thì chưa có dấu hiệu tốt lên. Vì vậy, tác động chéo sang chất lượng tín dụng của ngân hàng là hiện hữu.
Bởi khi một doanh nghiệp chậm trả trái phiếu thì sau đó sẽ có khả năng chậm trả nợ ngân hàng và khi quá hạn 91 ngày thì vào Nhóm 3 - Nợ dưới chuẩn, mức lập dự phòng 20% và trên 181 ngày thì vào Nhóm 4 - Nghi ngờ, 50% dự phòng và mức xấu nhất là nếu chậm trả > 1 năm thì nhảy Nhóm 5 - Mất vốn, 100% dự phòng nợ xấu.
"Đây là vấn đề nên được đánh giá cụ thể và có những chính sách tiếp theo để có thể giải quyết vấn đề TPDN hiện nay và giảm thiểu rủi ro sang nợ xấu tín dụng ngân hàng", ông Nguyễn Quang Thuân nhận định.
Nhịp sống thị trường