Dự thảo xe công: Chức danh nào được sử dụng xe 920 triệu đồng?
Các chức danh như Phó chủ nhiệm, Phó viện trưởng, Phó chánh án, Phó tổng kiểm toán, Phó chủ tịch, Tổng cục trưởng... sẽ được sử dụng xe ôtô với giá mua tối đa 920 triệu...
- 30-09-2018Cấm cán bộ, công chức dùng xe công đi lễ hội
- 19-05-2018Tiết kiệm 1.771 triệu đồng từ khoán xe công
- 16-05-2018Bắt đầu xóa đặc quyền xe công
Dự thảo bổ sung quy định trường hợp các chức danh tự nguyện nhận khoán kinh phí phục vụ đưa đón từ nơi ở đến cơ quan, với định mức Văn phòng Bộ, cơ quan Trung ương 3 xe ôtô; còn Văn phòng các Tổng cục, UBND, HĐND cấp tỉnh; các tập đoàn kinh tế 1 xe ôtô.
Bộ Tài chính vừa công bố xin ý kiến các đơn vị về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô.
Theo đó, nội dung của dự thảo xoay quanh các quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô; khoán kinh phí sử dụng xe ôtô; thuê dịch vụ xe ôtô và sắp xếp lại, xử lý xe ôtô tại cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước; doanh nghiệp nhà nước.
Đáng chú ý, đối với xe ôtô phục vụ công tác các chức danh sẽ được bố trí xe ôtô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan, đi công tác với mức giá 920 triệu đồng/xe.
Các chức danh này bao gồm Phó trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó chanh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó tổng kiểm toán nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Thứ trưởng, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Tổng cục trưởng, Phó các đoàn thể Trung ương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên.
Bên cạnh đó, còn có các chức danh khác như Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ Hà Nội và Tp.HCM. Chủ tịch Hội đồng thành viên, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng quyết định thành lập...
Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định trường hợp các chức danh tự nguyện nhận khoán kinh phí phục vụ đưa đón từ nơi ở đến cơ quan thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế căn cứ tình hình thực tế, phương án nhận khoán và số lượng chức danh nhận khoán kinh phí để xem xét, quyết định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Trường hợp các chức danh nêu trên quyết định áp dụng khoán kinh phí thì thực hiện theo quy định khoán.
Trong trường hợp này, định mức xe để phục vụ chung cho các chức danh này được xác định như sau: Văn phòng Bộ, cơ quan Trung ương 3 xe ô tô; Văn phòng Tổng cục 1 xe ôtô; Văn phòng UBND, Văn phòng HĐND cấp tỉnh 1 xe; Văn phòng các tập đoàn kinh tế 1 xe ôtô.
Số xe này tính là xe chức danh với giá 920 triệu đồng để phục vụ chung cho các chức danh lãnh đạo, không tính trong định mức xe phục vụ công tác chung như dự thảo trước đây.
Bên cạnh đó, đối với xe ôtô phục vụ công tác chung, điều chỉnh giảm định mức sử dụng xe phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước; trừ các cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng tại địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Dự thảo cũng quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô chuyên dùng, theo hướng quy định cụ thể về tiêu chuẩn nhận biết và quy trình ban hành định mức để tránh lợi dụng trong quá trình thực hiện; theo đó sẽ giảm số lượng xe ôtô chuyên dùng so với hiện nay.
Xe ôtô phục vụ lễ tân nhà nước, cơ bản kế thừa quy định tại Quyết định số 54/2007/QĐ-TTg ngày 19/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, có tối đa 62 xe ôtô phục vụ lễ tân nhà nước giao cho Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Mặt khác, dự thảo Nghị định điều chỉnh phương thức quản lý xe để sử dụng có hiệu quả số xe được trang bị.
Cụ thể, việc quản lý xe được thực hiện theo phương thức giao cho một cơ quan, đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp công ích quản lý xe tập trung để bố trí cho chức danh có đủ tiêu chuẩn khi đi công tác.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có trụ sở không nằm chung với trụ sở bộ, cơ quan trung ương, cơ quan UBND tỉnh thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng xe.
Dự thảo Nghị định mở rộng mô hình khoán xe theo hướng quy định chế độ khoán bắt buộc đối với các chức danh ở các đơn vị dưới cấp sở, cấp cục (như các chi cục, trung tâm,...); đồng thời quy định phương thức khoán linh hoạt, thuận tiện và giao quyền cho các bộ, ngành, địa phương xem xét, quyết định đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của bộ, ngành, địa phương.
Sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành và có hiệu lực sẽ phát sinh lượng xe ôtô công dôi dư. Dự thảo quy định xe dôi dư được xử lý theo các hình thức xử lý tài sản quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có hình thức bán, thanh lý. Việc bán, thanh lý xe ôtô công chỉ được thực hiện theo phương thức bán đấu giá (không bán chỉ định).
Vneconomy