MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Đu' theo BlackPink, có sai không?

16-07-2023 - 09:30 AM | Sống

'Đu' theo BlackPink, có sai không?

Giá vé cao so với mặt bằng chung khiến concert BlackPink có nhiều tranh cãi. Với nhiều người trẻ, việc thần tượng đến Việt Nam là cơ hội “có một không hai”, số tiền cá nhân bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng.

Giá vé xem BlackPink cao nhất gần 10 triệu đồng, đối với nhiều người trẻ, họ sẽ tốn kém nhiều chi phí như tiền ăn ở, đi lại nếu muốn đến Hà Nội xem show hôm 29-30/7. Bên cạnh đó, phụ kiện để tham gia concert cũng “ngốn” kha khá hầu bao của người hâm mộ.

Các hạng vé dự đêm nhạc BlackPink tại Hà Nội trải dài từ 1,2 triệu đồng/vé đến 9,8 triệu đồng hạng VIP. Những chỗ ngồi rẻ, vừa phải đã nhanh chóng được bán hết từ khi mở bán.

'Đu' theo BlackPink, có sai không? - Ảnh 1.

Thời điểm cơn sốt vé BlackPink nổ ra, những câu chuyện dở khóc dở cười được lan truyền trên không gian mạng khiến định kiến về đam mê thần tượng tiếp tục gia tăng, cho rằng đây là những hành vi nông nổi, cuồng, tác động xấu cho xã hội… Nhiều luồng ý kiến trái chiều xuất hiện, tranh cãi về vấn đề đối tượng người trẻ, chưa có đủ kinh tế, vững vàng về tài chính có nên bỏ ra số tiền lớn để “đu” thần tượng hay không?

Bài toán chi tiêu khi bỏ tiền mua vé xem BlackPink

Giữa làn sóng chỉ trích của một bộ phận khán giả, các ý kiến nhận định nên có cái nhìn thoáng, nhẹ nhàng với với những người yêu thích nền âm nhạc Kpop. Có người đặt ra trường hợp giả định, nếu Messi, Ronaldo về Việt Nam, liệu có xảy ra sự tiêu cực như vậy. Thậm chí ở những trận bóng giao hữu với các CLB quốc tế, đông đảo thành phần cuồng nhiệt bỏ tiền triệu để có vé vào sân.

Vấn đề ở đây phải chăng là lứa cuồng nhiệt đi xem chỉ thuộc về nhóm còn chưa làm ra tiền, xin tiền mua vé đi xem, thậm chí số tiền bằng cả tháng lương của bố mẹ người yêu hay người thân. Với nhóm người đã tự chủ kinh tế sẽ ít tạo tranh cãi hơn.

'Đu' theo BlackPink, có sai không? - Ảnh 2.

Giá vé cao so với mặt bằng chung khiến concert BlackPink có nhiều tranh cãi.

Khán giả Duy Khang bày tỏ quan điểm: “Khi chưa tự kiếm ra tiền, phải cân nhắc chi tiêu hợp lý, tiết kiệm là đúng. Tuy nhiên, nếu chỉ qua lần xin tiền mua vé đi xem buổi hòa nhạc của thần tượng mà ‘gióng hồi chuông’ về ‘công lao cha mẹ’, tôi thấy dường như hơi ‘thậm xưng’”.

Tài khoản M.G cho hay nên tôn trọng quyền tự do của người khác về sở thích, âm nhạc, cách xài tiền... nếu nó không ảnh hưởng đến pháp luật hay đạo đức: “Một sự kiện âm nhạc cũng tương tự một món đồ chơi, một chiếc xe đạp, một chiếc xe máy, hay một căn nhà... Con cái có thể nói với cha mẹ mong muốn của mình. Ba mẹ có quyền đáp ứng hoặc từ chối yêu cầu của con. Sử dụng tiền cho việc gì, điều đó đáng hay không thì do bản thân họ quyết định. Chúng ta không nên phán xét”.

BlackPink là nhóm nhạc điển hình của việc lăng xê hình tượng của nền công nghiệp Kpop, những cô gái xinh đẹp và công ty chủ quản luôn biết cách tạo ra xu hướng và làm khán giả phát cuồng vì họ. “Khán giả của họ luôn sẵn sàng chi tiền và hài lòng vì việc đó, đó là đỉnh cao của nền công nghiệp giải trí” – một ý kiến nhận định.

Việc thần tượng một ai đó, vì thần tượng bản chất không phải xấu. Cái ta cần làm là kiểm soát nó ở mức hợp lý. Các ý kiến đưa ra cho rằng bậc phụ huynh, thay vì cấm đoán, hãy hướng dẫn con em mình thể hiện sao cho đúng, phù hợp. Đừng để vì một thần tượng xa lạ mà tổn hại mối quan hệ gia đình.

Ranh giới đúng, sai khi “đu” thần tượng

Chia sẻ với Tiền Phong , chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nhận định: “Bản thân tôi là người đã ‘đu' hàng chục show diễn trên thế giới nên tôi ủng hộ việc đi xem các nghệ sĩ nổi tiếng và chất lượng biểu diễn. Những trải nghiệm như vậy là ít có trong đời. Nhưng điều quan trọng là các bạn nên mua vé bằng tiền mình kiếm ra hoặc trong khả năng cho phép của gia đình. Đừng vì ham muốn bản thân mà dẫn đến những vấn đề không đáng có với những người xung quanh”.

MC Sơn Lâm không hoàn toàn đồng ý với quan điểm số tiền mua vé BlackPink nên được dùng vào những việc khác có ích hơn.

“Bản chất việc đu idol không có gì sai. Thời nào cũng có đu idol, thời của tôi có những nghệ sĩ như Đan Trường, Lam Trường, Phi Hùng, Ưng Hoàng Phúc, những sinh viên thời đó như tôi mong muốn được chụp ảnh và có được VCD của thần tượng.

Thần tượng có ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chắc mọi người vẫn có nhớ hình ảnh chàng trai xe bus chở các cầu thủ Arsenal khi họ đến Việt Nam. Khi đó không ai lên án chàng trai đó là fan cuồng. Tôi thấy có những định kiến bất công cho fan Kpop” – MC Chuyển động 24h nói.

'Đu' theo BlackPink, có sai không? - Ảnh 3.

'Đu' theo BlackPink, có sai không? - Ảnh 4.

Về ranh giới đúng sai, MC Sơn Lâm chỉ ra: “Tôi cho rằng việc đu idol chỉ sai khi chúng ta mất cân bằng thời gian, tiền bạc. Ví dụ nếu là fan BlackPink có đủ tiền để thoải mái mua vé, điều đó tuyệt vời. Nếu phải cân nhắc về vấn đề chi tiền mua vé, có công thức: 6 chiếc lọ chi tiêu thông minh, chỉ nên dành 10% thu nhập cá nhân cho nhu cầu giải trí, có nghĩa muốn bỏ ra khoảng 10 triệu đồng mua vé hãy kiếm được 100 triệu đồng. Dù thế, công thức này không đúng với tất cả mọi người”.

MC nhận định phần lớn fan BlackPink là học sinh, sinh viên, thành phần này chưa ổn định thu nhập. Tình huống đẹp nhất đó là hỏi ý kiến bố mẹ, người thân có đủ tiền thoải mái mua vé. "Nếu trong tình huống bố mẹ không đủ tiền, thậm chí bạn đi vay, việc mắc nợ vì show ca nhạc trong khi thu nhập chưa có là điều quá dở, tốt nhất nên bỏ" - anh nói.

Theo Hà Trang

Tiền Phong

Trở lên trên