MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Đu' theo sóng đất Đà Nẵng, Quảng Nam rồi 'chết kẹt' trầy trật tìm cửa thoát hàng

11-05-2022 - 08:12 AM | Bất động sản

'Đu' theo sóng đất Đà Nẵng, Quảng Nam rồi 'chết kẹt' trầy trật tìm cửa thoát hàng

Sau giai đoạn tăng nóng, thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam 2 năm qua rơi vào cảnh trầm lắng, ảm đạm. Nhiều nhà đầu tư vỡ mộng, tìm cách thoát hàng.

Gần cuối năm 2018, anh Nguyễn Dương (Hà Nội) mua một mảnh đất tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) với diện tích gần 500m. Tổng số tiền mà anh phải thanh toán gần 3,5 tỷ đồng.

Lô đất 2 mặt đường, gần sông, vị trí đẹp nên được nhiều người hỏi mua sau đó.

Đu theo sóng đất Đà Nẵng, Quảng Nam rồi chết kẹt trầy trật tìm cửa thoát hàng - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư lỡ đu đỉnh thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam nay tìm cách thoát hàng. Ảnh minh hoạ.

Đầu năm 2019, cơn sốt đất lan khắp Đà Nẵng và Quảng Nam, lô đất của anh Dương mua tăng chóng mặt, tăng giá lên gấp 3 lần. Lúc đó anh Dương chần chừ không bán vì kỳ vọng giá sẽ còn tăng nữa.

Thế nhưng, cơn sốt đất nhanh chóng đi qua, rao bán bao nhiêu năm đến nay mảnh đất của anh vẫn chưa bán được dù anh đã giảm giá thấp. Anh sẵn sàng trả phí môi giới cao gấp rưỡi, gấp đôi để nhanh chóng bán được lô đất nhưng môi giới nói chỉ có một vài người hỏi để khảo giá hoặc trả với mức giá thấp.

Anh Dương tâm sự: “Tôi đang bỏ cả chục tỷ đồng, gồm cả tiền vay mượn để đổ hết vào đất mà đất thì không bán được nên thời gian qua phải sống chật vật để xoay xở. Giờ lãi ít cũng phải bán, chỉ mong thoát hàng sớm".

Tương tự, anh Mạnh Hùng, một nhà đầu tư ở Hà Nội chia sẻ, thời điểm năm 2019 anh lướt sóng thị trường bất động sản ở Quảng Nam kiếm lời. Lúc đầu, mỗi lô chỉ mới đóng cọc mà lãi vài trăm triệu là anh bán luôn.

Thấy việc làm ăn khá suôn sẻ, anh huy động tiền vốn từ người thân để tiếp tục đổ tiền vào đất.

Anh mua lô đất gần 300m2 đất ở Hội An với giá 20 triệu đồng/m2. Chỉ mới mua mấy ngày, lô đất đã có người trả chênh 300 triệu đồng, nghĩ giá còn tăng nữa nên anh chưa bán vội. Cuối cùng sau 3 năm, lô đất của anh vẫn không bán được.

“Tôi đu đúng lúc thị trường lên 'đỉnh' nên giờ khó bán. Nếu bán thì chấp nhận lỗ vì có người trả 18 triệu đồng/m2. Đất tôi mua lúc giá cao, lại nằm ở vị trí khá đông dân, không phát triển thêm hạ tầng nên khả năng tăng giá thêm là rất khó. Giờ tôi chỉ mong thị trường ấm lên chút để bán đúng giá vốn để đẩy hàng đi thôi”, anh Hùng thở dài cho hay.

Cũng theo anh Hùng, anh đã vào bay vào tận nơi để trao đổi với môi giới với mong muốn thúc đẩy bán nhanh lô đất để lấy tiền trả nợ, đầu tư vào vùng khác nhưng thực tế thị trường khó khăn chung.

“Thị trường bất động sản Quảng Nam, Đà Nẵng nói chung là trầm lắng, muốn thoát hàng cũng khó. Nhiều người cũng đang trong hoàn cảnh giống như mình. Có hai phương án, hoặc là tiếp tục ôm đất, chờ thị trường ấm lên để thoát hàng hoặc giảm giá bán. Nếu trong tháng 5 này tôi bán không thành công thì sẽ giảm giá, chấp nhận lỗ chứ chờ đợi thực sự không biết đến khi nào”, anh Hùng nói thêm.

Còn anh Quân, một nhà đầu tư kiêm môi giới bất động sản ở Đà Nẵng, chia sẻ, thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam trầm lắng bởi giá đất đã neo cao sau giai đoạn 'lướt sóng'.

Chẳng hạn, một lô đất 100m2 ở Hoà Xuân năm 2015 chỉ khoảng 400 triệu đồng, sau vài ba năm tăng giá gấp 10 lần, xấp xỉ 4 tỷ đồng. Đất nền được mua đi bán lại, giá cao nên khả năng tăng giá cao thêm là rất khó, nhà đầu tư không ai nhảy vào. Còn người có nhu cầu thực mua để ở thì giá quá cao nên khó tiếp cận được.

Để thoát hàng, từ cuối năm 2021, một số nhà đầu tư đã 'tạo sóng' song giao dịch vẫn ảm đạm.

Vừa qua, để tạo chiêu trò sốt ảo, một số nhóm người đã đăng tin người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải ở bộ phận một cửa huyện Hoà Vang (Đà Nẵng).

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết đây là chiêu trò thổi giá đất, gây sốt ảo từ các nhóm người có chủ ý để trục lợi. Theo khảo sát, tìm hiểu, hầu hết người dân thực hiện giao dịch thật sự theo nhu cầu thì không quá nhiều mà các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội có khá đông thành phần là những nhóm người môi giới mua bán đất đai, môi giới làm thay thủ tục đất đai cho người khác.

“Sau thời gian ngắn, bằng nhiều chiêu trò để tạo cơn sốt ảo rồi sau đó nhóm người này rút lui khỏi địa bàn thì giá đất lại trở về với giá trị thật của thị trường và theo nhu cầu thực tế. Chỉ còn người mua cuối cùng có nhu cầu bán nhưng không còn ai mua lại với giá cao như họ đã mua, thậm chí nhiều người phải chấp nhận bán cắt lỗ do dùng tiền vay để mua đất đầu cơ bán kiếm lời, dẫn đến hậu quả lặp lại là tiền mất, tật mang", Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cảnh báo.


Theo Diệu Thuỳ

Infonet

Trở lên trên