Dù trạng thái “bình thường mới” xuất hiện nhưng khó mong chờ sự phục hồi nhanh từ thị trường địa ốc
Đã có không ít kỳ vọng về sự bật tăng trở lại đối với thị trường bất động sản ngay khi động thái nới lỏng tại Hà Nội đã bắt đầu xuất hiện. Nhưng các chuyên gia cho rằng, rất khó để mong chờ sự phục hồi nhanh chóng trên thị trường địa ốc.
Tại thị trường bất động sản Hà Nội, khi khảo sát các nhà đầu tư, nhiều lãnh đạo sàn môi giới đều tin tưởng rằng, thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, thị trường địa ốc sẽ bật tăng trở lại. Cơ sở của niềm tin này chính là nhu cầu về đầu tư chưa bao giờ hạ nhiệt. Hơn hết, sự kìm nén các giao dịch và hoạt động kiếm lời của những cá mập và ngay cả các nhà đầu tư F0 được cho là nhân tố thổi bùng sức nóng cho thị trường địa ốc sau tháng ngày ngủ đông.
Một điểm khác mà các nhà đầu tư tin tưởng rằng, bất động sản sẽ sớm trở lại quỹ đạo hấp dẫn như xưa và còn tăng nhiệt là bởi kỳ vọng về hoạt động giải ngân đầu tư công đẩy mạnh sẽ mang tới khả năng tăng giá cho đất đai.
Nhưng, ở góc độ đánh giá có phần thận trọng hơn, các chuyên gia lại cho rằng, thị trường bất động sản khó có khả năng phục hồi nhanh.
Ảnh minh hoạ.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam thẳng thắn cho rằng: "Chúng ta không mong chờ một sự phục hồi nhanh chóng sau khi dỡ bỏ giãn cách từ nền kinh tế, cũng như thị trường bất động sản".
Lý giải điều này, bà An phân tích, giai đoạn vừa qua đã làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh và thu nhập của phần lớn người dân, nên sẽ không tránh khỏi việc họ thận trọng hơn với quyết định mua nhà, dù là mua để ở hay để đầu tư. Bản thân chủ đầu tư khi chào bán cũng thăm dò nhu cầu trên thị trường và dần dần họ mới dám đưa ra những sản phẩm với quy mô lớn.
Bà An lấy dẫn chứng về mức độ phục hồi của các nước chịu ảnh hưởng của dịch, theo đó, đối với các phân khúc bất động sản thương mại, một khảo sát trên 158 khách thuê lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CBRE trong tháng 9, nhu cầu thuê mặt bằng văn phòng, bán lẻ và bất động sản công nghiệp đang dần phục hồi, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ đang có sự phục hồi tốt nhất sau 2 - 3 tháng khi dịch được kiểm soát. Đây cũng có thể là chỉ số thời gian phục hồi tham khảo cho các nước chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Việt Nam.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, dịch bệnh đã làm các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam suy yếu. Ông Hiếu đưa ra dẫn chứng về số lượng lớn các sàn môi giới đóng cửa vì dịch, và những doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước bờ vực phá sản sau nhiều tháng "ngủ đông".
Vị chuyên gia này cho rằng, đối với doanh nghiệp buộc phải trích lập khoản dự phòng để duy trì bộ máy khi có biến cố xảy ra. Nhưng theo ông Hiếu, ở Việt Nam, ông nhận thấy hiếm khi các doanh nghiệp dự trù khoản phí này. Chưa kể, đặc thù của doanh nghiệp bất động sản là cần nguồn vốn lớn để phát triển dự án. Khả năng quay vòng dòng tiền theo chu kỳ. Một điểm nữa, đó là để triển khai dự án, doanh nghiệp bất động sản chủ yếu là sử dụng nguồn tiền từ phía ngân hàng.
Khi không có dòng tiền dự phòng, doanh nghiệp không có nguồn thu sẽ dần suy giảm sức đề kháng. Dù dịch bệnh cơ bản kiểm soát, doanh nghiệp phải mất thời gian khá dài để phục hồi trở lại.
Trên góc độ của doanh nghiệp bất động sản, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho hay, làn sóng Covid-19 lần này kéo dài hơn so dự đoán, phức tạp, nghiêm trọng hơn so với những lần trước. Kịch bản của thị trường bất động sản sẽ không thể lạc quan như dự báo vào đầu năm 2021.
Theo bà, nếu dịch bệnh kéo dài, 2-3 năm khiến kinh tế chưa thể phục hồi, doanh nghiệp sẽ mất sức "đề kháng". Trường hợp ngược lại, nếu dịch bệnh lắng xuống, doanh nghiệp mới có thể tiếp tục hoạt động, đảm bảo dòng tiền thu về và khôi phục nguồn lực.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để khôi phục được nguồn lực thì doanh nghiệp cần thời gian dài vì sức "đề kháng" của doanh nghiệp đã suy kiệt. Chưa kể, nhìn vào diễn biến dịch bệnh hiện tại, khó có thể đoán định được mức độ ổn định kiểm soát như thế nào, nhất là khi nhiều biến chủng virus mới lại xuất hiện.