MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự trữ ngoại hối liên tục tăng cao

28-09-2016 - 08:12 AM | Tài chính - ngân hàng

Dự trữ ngoại hối là chỉ tiêu rất quan trọng, thể hiện sức mạnh tài chính, tính thanh khoản của quốc gia.

Theo đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên từ năm 2004 đến năm 2008, với tốc độ tăng khá cao (35%/năm). Đây cũng là thời kỳ dự trữ ngoại hối đã vượt qua mức ba tháng nhập khẩu- ranh giới an toàn tài chính quốc gia, theo thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến năm 2011, quy mô tuyệt đối của dự trữ ngoại hối đã giảm tương đối nhanh- với tốc độ bình quân 17,2%/năm. Cùng với sự sụt giảm về quy mô tuyệt đối, thì mức bảo đảm số tháng nhập khẩu trong kỳ này cũng không an toàn (năm 2009 chỉ còn 2,8 tháng, năm 2010 giảm xuống dưới 1,8 tháng, năm 2011 giảm xuống chỉ còn trên 1,5 tháng).

Từ năm 2012 đến nay, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã liên tục tăng lên, kéo theo thời gian dự trữ ngoại tệ bảo đảm cũng tăng lên so với thời kỳ trước (năm 2012 đạt trên 2,7 tháng, năm 2013 đạt gần 2,4 tháng, năm 2014 đạt 2,8 tháng, năm 2015 đạt gần 2,9 tháng). Tuy mức bảo đảm vẫn còn dưới mức an toàn, nhưng quy mô đã cao thứ 42 trong tổng số 114 nước có số liệu so sánh.

Năm 2016 mặc dù có thông tin là từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối được dự báo ở mức trên 40 tỷ USD, mức lớn nhất từ trước đến nay. Mức dự trữ này có khả năng sẽ bảo đảm được ranh giới an toàn, khi kim ngạch nhập khẩu bình quân 1 tháng đạt 13,72 tỷ USD, thấp hơn mức bình quân 13,8 tỷ USD của năm trước.

Việc tăng dự trữ ngoại hối là do lượng ngoại tệ vào Việt Nam có quy mô khá và tăng lên qua các năm từ các nguồn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện từ năm 2008 đến nay liên tục đạt trên dưới 11 tỷ USD, trong đó năm 2015 đạt đỉnh điểm 14,5 tỷ USD; 8 tháng 2016 đạt 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, khả năng cả năm sẽ đạt kỷ lục mới.

Kim ngạch xuất khẩu từ 2010 đến nay liên tục tăng lên với tốc độ khá cao, từ chỗ nhập siêu lớn, nhưng từ năm 2012 đến nay đã có 3 năm xuất siêu (8 tháng năm 2016 xuất siêu gần 2,5 tỷ USD và khả năng cả năm vẫn sẽ xuất siêu). Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đến cuối 2015 đã ở mức 15 tỷ USD; đến cuối tháng 9/2016 đã ở mức gần 20 tỷ USD. Vốn hỗ trợ phát triển chính thức tuy giảm xuống trong 2 năm qua, nhưng năm 2015 vẫn ở mức 5 tỷ USD; 8 tháng 2016 vẫn ở mức gần 3 tỷ US.

Bên cạnh đó, lượng kiều hối chuyển về nước từ năm 2012 đến nay đã vượt qua mốc 10 tỷ USD, trong đó năm 2015 đạt 12,5 tỷ USD; năm 2016 có thể vẫn đạt khá do lãi suất nhiều nước thấp, lãi suất VND ở Việt Nam vẫn ở mức đạt thực dương. Ngoài ra, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam từ năm 2013 đến nay đã vượt qua mốc 7,2 tỷ USD, khả năng năm 2016 sẽ cán mốc 8,5 tỷ USD.

Yếu tố quan trọng khác là do tỷ giá ổn định, lạm phát 3 năm gần đây đều thấp, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm, lãi suất gửi USD bằng 0, nên người dân đã bán thẳng cho ngân hàng lấy VND gửi tiết kiệm. Đây cũng là một trong những lý do của tốc độ tăng tiền gửi cao hơn tốc độ tăng cho vay. Một yếu tố nữa là “cánh kéo tỷ giá” giữa tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương của Việt Nam còn cao hơn các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Về mặt điều hành, NHNN đã có nhiều giải pháp vừa ổn định được tỷ giá, vừa mua vào ngoại tệ, vừa có biện pháp trung hòa hút tiền về để không gây ra lạm phát. Theo các chuyên gia kinh tế, đó là những hiệu ứng tích cực và kịp thời, đảm bảo ổn định tỷ giá và an toàn tài chính tiền tệ quốc gia.

Theo ThS Đỗ Văn Huân

Thuế nhà nước

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên