MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dù vẫn là "vua tôm" nhưng muốn lợi nhuận bao nhiêu cũng có không còn là quyền của Minh Phú

09-10-2017 - 07:32 AM | Doanh nghiệp

Từ vị thế ‘muốn lời bao nhiêu là quyền của Minh Phú’ như Chủ tịch Lê Văn Quang nói trước cổ đông trong năm 2014, giờ đây Minh Phú đang ở vào một tình cảnh hoàn toàn trái ngược.

Sau 2 năm hủy niêm yết, ngày 16/10 tới đây, cổ phiếu MPC của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú sẽ chính thức trở lại với mức giá tham chiếu 79.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 35% so với mức giá đóng cửa trước khi hủy niêm yết tự nguyện năm 2015.

Đại diện Minh Phú lúc đó cho biết, công ty lúc đó đang rất cần vốn nhưng thị trường chứng khoán không thuận lợi, giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị thực làm công ty gặp khó trong phát hành thêm cổ phiếu. Theo đó, việc rời sàn nhằm tìm đối tác chiến lược và tái cơ cấu tập đoàn và đảm bảo nguồn vốn để phát triển.

Tuy nhiên, đến nay MPC vẫn chưa tăng vốn so với lúc trước khi rời sàn, cơ cấu cổ đông cũng không có gì thay đổi. Vốn điều lệ của MPC đến quý II/2017 vẫn giữ nguyên ở mức 700 tỷ đồng và chưa cho thấy động thái nào trong việc tìm đối tác chiến lược. Minh Phú có vẻ như bất khả dĩ phải lên Upcom do quy định bắt buộc của UBCKNN hơn là quyết định trở lại sàn để trở thành một công ty đại chúng đúng nghĩa, xem thị trường chứng khoán như một kênh huy động vốn cho mục đích phát triển.

Nhaquanly mới đây dẫn lời chủ tịch Minh Phú Lê Văn Quang cho biết, thật ra trong 2 năm qua, ông vẫn chưa thực sự bắt tay vào việc bán cổ phiếu, tìm đối tác hay kêu gọi thêm vốn như ý định ban đầu lúc rời sàn bởi ông đang đợi thủy sản thế giới hồi phục như năm 2014. Đó cũng là năm mà MPC đạt hiệu quả cao nhất trong lịch sử.

Ông Quang cho biết thêm là năm nay vẫn chưa phải là thời điểm tốt để công ty tiến hành gọi cổ đông chiến lược, bán cổ phần hay phát hành cổ phiếu…

Có vẻ như ông Quang đang kỳ vọng vào sự phục hồi tốt hơn của hoạt động kinh doanh cũng như bức tranh các chỉ số tài chính đẹp hơn. Điều đó giúp định giá công ty cao hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Dù vậy, một nhà đầu tư từng là cổ đông của MPC cho rằng, quyết định kéo cổ phiếu xuống sàn là một hành động có phần quá toan tính mà không thực sự dũng cảm để đối mặt với những diễn biến tiêu cực của thị trường.


Hoạt động kinh doanh của MPC vẫn rất bất bênh

Hoạt động kinh doanh của MPC vẫn rất bất bênh

Sau khi rời sàn, lợi nhuận của Minh Phú đã lập tức rơi thẳng đứng. Trong khi đó, tổng nợ tăng mạnh lên 3/4 tổng nguồn vốn, chỉ riêng vốn vay ngân hàng đã 6.354 tỷ đồng. Nếu nhìn vào kịch bản của cổ phiếu HVG của Thủy sản Hùng Vương cho thấy, Minh Phú đã tránh được một kịch bản thê thảm tương tự.

Thế nhưng ngược lại, việc cổ phiếu MPC xuống sàn giúp hạn chế tình cảnh sụt giá cổ phiếu nhưng điều đó cũng khiến cho hồ sơ của doanh nghiệp bị ‘nếp nhăn’ trong diễn tiến chung của thị trường, khơi gợi nghi ngại của nhà đầu tư đối với DN này về sau.

Cho đến nay, dù hoạt động kinh doanh của MPC đã có sự cải thiện. 6 tháng đầu năm 2017, MPC có mức tăng trưởng doanh thu thuần tăng 34,5%, lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 144 tỷ đồng. Dù vậy, so với kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất 841 tỷ đồng thì con số phải thực hiện trong 6 tháng còn lại là một thách thức rất lớn.

Mặc dù Minh Phú vẫn tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm nay. Tuy nhiên, những gì MPC đã thực hiện so với kế hoạch trong lịch sử không ủng hộ điều này.

Đến nay, Minh Phú vẫn đang là ‘ông vua’ ngành tôm tại Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 532 triệu USD năm 2016. Tuy nhiên, từ vị thế ‘muốn lời bao nhiêu là quyền của Minh Phú’ như Chủ tịch Lê Văn Quang nói trước cổ đông trong năm lợi nhuận đột biến 2014 giờ đây đang cho thấy một kịch bản hoàn toàn trái ngược.

Nguyên Trực

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên