MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đưa 5 triệu hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp: Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động

19-10-2019 - 08:26 AM | Tài chính quốc tế

Trong dự thảo luật doanh nghiệp sửa đổi, 5 triệu hộ kinh doanh gia đình sẽ được đưa lên thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội đã yêu cầu chính phủ phải xem xét, đánh giá kỹ tác động.

Trả lời câu hỏi của phóng viên trước thềm Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, cho biết, trong luật doanh nghiệp sửa đổi, dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp này, có một phần đề cập tới việc đưa các hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp.

Chính phủ đưa thêm phần chuyển các hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp. Điều này động nghĩa với 5 triệu hộ kinh doanh sẽ trở thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, Quốc hội đặt câu hỏi với Chính phủ rằng sau khi luật được ban hành, nó sẽ tác động như thế nào tới 5 triệu hộ kinh doanh này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

"Họ đang kinh doanh bình thường, giờ buộc các bà bán bún, bán phở lên thành doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì đòi hạch toán, kế toán và nhiều đòi hỏi khác, liệu các hộ kinh doanh có đảm bảo được không? Vì sao bao năm nay, các hộ kinh doanh không muốn trở thành doanh nghiệp dù doanh nghiệp có nhiều ưu đãi?", ông Phúc nhấn mạnh.

Cùng với đó, các cơ quan của Quốc hội yêu cầu Chính phủ xem xét, đánh giá tác động trên diện rộng để tránh một quyết định ảnh hưởng tới 5 triệu người. "Chắc chắn chính phủ sẽ có ý kiến", ông Phúc nhấn mạnh.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào 21/10 và bế mạc vào 27/11. Kỳ họp thứ 8 sẽ bổ sung các nội dung: xem xét, thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội.

Đồng thời, Quốc hội sẽ cho ý kiến 2 dự án luật là: Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi về Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Xem xét, quyết định nhân sự cơ quan của Quốc hội và thành viên Chính phủ…

Một nội dung quan trọng khác là QH sẽ xem xét, quyết định nhân sự cơ quan của QH và thành viên Chính phủ. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến, đồng thời Thường vụ trình QH miễn nhiệm Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật với ông Nguyễn Khắc Định. Các đại biểu thảo luận ở đoàn và chiều cùng ngày, QH sẽ bỏ phiếu kín về hai nội dung này. Sau khi có kết quả bỏ phiếu, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm hai chức danh nêu trên.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên