Đưa đặc sản nông nghiệp Việt vào bếp ăn của thế giới
Thảo luận về một nền kinh tế xanh trong Doanh nhân nữ Việt Nam 2017, ông Đặng Kim Sơn đã dẫn lại lời một GS người Mỹ: với sự giàu có về các đặc sản nông nghiệp, tại sao không biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới? Quan điểm này đã được bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH nhiệt liệt ủng hộ.
Doanh nhân tham gia vào lĩnh vực thực phẩm hãy là một người nội trợ tử tế
Bà Thái Hương cho rằng, chỉ cần mỗi phụ nữ tham gia vào lĩnh vực sản xuất thực phẩm làm bằng tất cả tấm lòng của một người mẹ đối với con cái, của con cái đối với cha mẹ mình thì sẽ trở thành một người nội trợ tử tế của cộng đồng và từ đó góp sức cho mục tiêu biến Việt Nam trở thành một bếp ăn tử tế của thế giới.
Bà kể lại câu chuyện thật ở TH khi bà bắt tay vào làm sữa năm 2008. Lúc đó, bà rất đau lòng trước nguy cơ hàng triệu quả thận trẻ em rỉ máu vì sữa nhiễm melamin tại Trung Quốc, nên dù không biết gì về sữa, không hề biết về công nghệ sản xuất sữa vẫn quyết tâm làm sữa theo cách thức khó nhất: tự sản xuất trên đồng đất Việt Nam. Bà mẹ đó đã tìm đến những người thầy giỏi nhất, những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới, tìm đúng chiếc chìa khóa vàng áp dụng vào nông nghiệp Việt Nam để tạo ra dòng sữa tươi ngon, bổ dưỡng cho trẻ em.
Đồng quan điểm về kinh doanh bằng sự tử tế, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam chia sẻ: “Doanh nhân nữ có thể khó cạnh tranh bằng qui mô nhưng sẽ cạnh tranh thành công bằng việc kinh doanh nhân văn, thực hiện trách nhiệm xã hội”.
Còn ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN, Bộ KHCN cho rằng, để nông sản Việt lên được bàn ăn của thế giới, việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xanh sạch, hữu cơ là điều vô cùng cấp bách trong bối cảnh Việt Nam chưa có nền kinh tế xanh.
Trong khi đó, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng: Phụ nữ vừa người tiêu dùng, vừa giữ tay hòm chìa khóa cho cả gia đình. Tiêu dùng quyết định sản xuất bởi vậy có thể nói phụ nữ quyết định sản xuất. Ông cũng cho rằng khi phụ nữ làm một sản phẩm với tất cả tấm lòng của họ như một người mẹ, người con, người chị… thì chắc chắn họ sẽ mang đến những sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng.
Minh bạch là yêu cầu tối thượng
Trong mục tiêu dài hạn để Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, bà Thái Hương cho rằng: “Minh bạch là yêu cầu tối thượng của nông nghiệp xanh sạch”.
Sự minh bạch đó nằm ở những thông tin doanh nghiệp cung cấp tới người tiêu dùng, ở quy trình quản lý khoa học mà doanh nghiệp có thể trưng bày, triển lãm để người tiêu dùng trực tiếp giám sát.
Sự minh bạch đó còn ở các chính sách của nhà nước đối với doanh nghiệp nói chung và nông dân nói riêng khi tham gia sản xuất nông sản sạch.
Còn ông Đặng Kim Sơn chia sẻ: Nông dân Việt Nam học hỏi và áp dụng mọi điều rất nhanh. Để sản xuất nông sản sạch, nông dân phải đầu tư cao hơn khoảng 30% nhưng liệu họ có bán được giá cao hơn 30% hay không? Trong vấn đề này, chính phủ phải có chính sách để tạo cơ chế cho điều đó.
Ở Việt Nam hiện còn thiếu các cơ quan chứng nhận cấp chứng chỉ nông nghiệp sạch, hữu cơ. Vì vậy doanh nghiệp gặp khó trong việc xác nhận sản phẩm. Nhà nước cần có những động thái để hình thành một dịch vụ công đủ khả năng cấp chứng chỉ nông nghiệp sạch, hữu cơ cho doanh nghiệp.
Cũng tại diễn đàn, bà Thái Hương, nữ doanh nhân đã gần 10 năm theo đuổi ước mơ xanh hóa nền nông nghiệp bằng tư duy khác biệt đã kêu gọi mọi người hãy trân quý bà mẹ thiên nhiên, người đã cho mình tất thảy. Bởi chỉ khi trân qúy mẹ thiên nhiên thì nông nghiệp xanh mới là hạnh phúc tự thân thiết thực gần gũi chứ không còn là một giá trị đạo đức xa vời. Và có như vậy, nông sản Việt mới thực sự vào được bếp ăn thế giới chứ không phải là một câu hô khẩu hiệu chung chung.