MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đưa Đồng Nai cất cánh

Đồng Nai phấn đấu trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistics, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.

Hôm nay (24-9), tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh

. Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông có thể khái quát những điểm nhấn chiến lược, đột phá trong quy hoạch tỉnh lần này?

- Ông VÕ TẤN ĐỨC, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có những điểm nhấn mang tính đột phá nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. 

Trong đó, lấy Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, sông Đồng Nai làm động lực mới cho phát triển. Tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sinh học; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ tổng hợp với trọng tâm là giáo dục - đào tạo, y tế, logistics, du lịch.

Đưa Đồng Nai cất cánh- Ảnh 1.

Ông Võ Tấn Đức. Ảnh: KHẮC GIỚI

Bên cạnh đó, tỉnh đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Từ đó, phấn đấu đưa Đồng Nai trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistics, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; chủ động nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế với yêu cầu hội nhập quốc tế. Phát huy nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực và là mục tiêu quan trọng nhất của sự phát triển. Lấy giá trị văn hóa là một trụ cột trong phát triển bền vững; nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tỉnh tạo môi trường sống tốt nhất để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc tại Đồng Nai. Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh để mở rộng không gian phát triển; phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, không gian trên cao, tài nguyên số, không gian số.

. Với những nội dung mà quy hoạch tỉnh đã hoạch định, Đồng Nai sẽ có giải pháp chiến lược gì để đạt mục tiêu quy hoạch đặt ra và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, thưa ông?

- Những giải pháp chiến lược để tỉnh thực hiện đạt mục tiêu mà quy hoạch đặt ra, đó là tập trung nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông liên Vùng và hạ tầng xã hội. Kết hợp hiệu quả giữa nguồn vốn Trung ương và địa phương, có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh huy động nguồn lực từ hợp tác công - tư, xã hội hóa; ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, có lợi thế cạnh tranh vượt trội, phục vụ cho doanh nghiệp và người dân. Song song đó, chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như quỹ đất sạch, nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư. Thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút những dự án công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, tài nguyên và thân thiện với môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ, môi trường…

Đưa Đồng Nai cất cánh- Ảnh 2.

Sông Đồng Nai sẽ là động lực mới phát triển của tỉnh. Trong ảnh: Một góc phường Hiệp Hòa, nơi có dự án khu đô thị Hiệp Hòa

Phát triển các khu đô thị ven sông Đồng Nai

. Tỉnh Đồng Nai có 2 sân bay là Long Thành (dự kiến khai thác từ tháng 9-2026) và Biên Hòa (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch nâng cấp thành sân bay lưỡng dụng). Theo ông, quy hoạch của tỉnh bám sát, xác định tầm nhìn chiến lược thế nào để khai thác tối đa lợi thế 2 sân bay nhằm đưa tỉnh "cất cánh"?

- Để khai thác tối đa lợi thế của 2 sân bay, tỉnh sẽ tập trung xây dựng hệ sinh thái đô thị sân bay toàn diện với các dịch vụ đẳng cấp trong vùng, tập trung vào những lĩnh vực logistics - đào tạo - du lịch. Đối với hệ sinh thái kinh tế sân bay sẽ tạo lập cơ chế hợp tác để khai thác tối đa hiệu quả các dịch vụ gắn với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Xây dựng trung tâm logistics với kết nối đa phương tiện là đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không.

. Sông Đồng Nai được mệnh danh là "báu vật" của tỉnh. Vậy để đánh thức sông Đồng Nai, quy hoạch tỉnh đã định hướng chiến lược phát triển chuỗi đô thị ven sông, giao thông và du lịch ra sao, thưa ông?

- Để đánh thức sông Đồng Nai, tỉnh sẽ tập trung phát triển các khu đô thị ven sông đẳng cấp hiện đại nhằm thu hút các chuyên gia, trí thức đến sinh sống, cũng như những tập đoàn quốc tế đặt văn phòng tại đây. Trong thời kỳ mới, đây cũng vừa là trục giao thông xanh kết nối các đô thị của vùng, mặt tiền xanh của những thành phố văn minh hiện đại, hành lang sinh thái đem lại không gian mở cho các hoạt động cộng đồng ở mọi quy mô.

Cụ thể, khu vực ven sông thuộc phía Tây huyện Vĩnh Cửu sẽ phát triển đô thị sinh thái, kết nối với đô thị Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, hình thành tuyến đô thị năng động hai bên sông.

Khu vực ven sông thuộc phía Bắc TP Biên Hòa sẽ phát triển trung tâm đô thị tại Cù lao Hiệp Hòa và khu vực chuyển đổi công năng Khu Công nghiệp Biên Hòa I, phát triển khu đô thị hai bên sông Đồng Nai. Khu vực ven sông Nam Biên Hòa - Bắc Long Thành phát triển các khu đô thị - dịch vụ cao cấp, kiểu mẫu, từng bước giãn dân từ khu vực trung tâm Biên Hòa hiện hữu và thu hút dân cư từ TP HCM. Đối với khu vực ven sông thuộc huyện Nhơn Trạch sẽ phát triển các khu đô thị mới, du lịch, thương mại, dịch vụ, cảng biển. Bảo tồn những khu vực rừng ngập mặn, tổ chức các không gian mở, mảng xanh, công viên bán ngập...

Về giao thông sẽ kế thừa duy trì, tối ưu hóa cấu trúc mạng lưới kênh rạch ven sông Đồng Nai; xây dựng tuyến đường ven sông; xúc tiến xây dựng các cầu qua sông liên kết mạnh mẽ với TP HCM và tỉnh Bình Dương.

Về phát triển kinh tế, tập trung bảo vệ và phát triển cân bằng, hợp lý cảnh quan xanh toàn tuyến ven sông kết hợp các mô hình phát triển dịch vụ, đô thị, du lịch sinh thái có chọn lọc. Liên kết hài hòa tuyến cảnh quan ven sông với tuyến TOD liên đô thị. Phát triển giao thông đường thủy phục vụ du lịch và dân dụng, cùng các hoạt động vui chơi giải trí nước đa dạng.

Xin cảm ơn ông! 

Đưa Đồng Nai cất cánh- Ảnh 3.

Tỉnh Đồng Nai đang tập trung xây dựng hệ sinh thái đô thị sân bay toàn diện với các dịch vụ đẳng cấp trong vùng, tập trung vào các lĩnh vực logistics - đào tạo - du lịch. Trong ảnh: Thi công nhà ga sân bay Long Thành

Cần khoảng 1 triệu tỉ đồng vốn đầu tư

Về nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, ông Võ Tấn Đức cho hay căn cứ vào phương án tăng trưởng, dự báo nhu cầu vốn đầu tư của tỉnh lũy kế đến năm 2030 theo giá hiện hành khoảng 1 triệu tỉ đồng (tương đương khoảng 41 tỉ USD). Trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 478.200 tỉ đồng, giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 525.500 tỉ đồng; tỉ lệ vốn đầu tư công đạt khoảng 20%; vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 80% (trong đó, dự kiến vốn ngoài nhà nước đạt 42% và vốn FDI đạt 58%).

Các dự án và thứ tự ưu tiên được xác định trên cơ sở định hướng phát triển những ngành, lĩnh vực trọng điểm, các dự án lớn, có tính chất quan trọng, đột phá nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

 

Theo Nguyễn Tuấn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên