Đưa hàng Việt vào siêu thị nước ngoài: Miếng bánh ngon không dễ có
Ngoài việc đảm bảo chất lượng, sản phẩm xuất khẩu rất cần có sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan quản lý, tài chính ngân hàng.
- 30-05-2017Hoa Kỳ dẫn đầu về thị trường xuất khẩu hàng Việt
- 27-04-2017Nghi ngờ chuyện hàng Việt chiếm 70-90% trong siêu thị
- 17-04-2017Hàng Việt bị vạ lây từ hàng Trung Quốc
Hàng hóa của Việt Nam dù đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị trên thế giới nhưng phần lớn là hàng xuất khẩu qua khâu trung gian và tốn nhiều chi phí và phải mang thương hiệu của nhà nhập khẩu, phân phối. Vậy doanh nghiệp phải làm gì, cần được hỗ trợ như thế nào để hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối này nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng được thương hiệu?
Ở nước ta hiện có nhiều hệ thống siêu thị lớn như Central Group, Lotte, Aeon… Theo các hệ thống siêu thị nước ngoài, để xuất khẩu trực tiếp vào đây, các doanh nghiệp phải đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Năm 2016, hệ thống Aeon đã nhập 200 triệu USD hàng hóa của Việt Nam để xuất đi các thị trường.
Ông Nishitoghe Yasuo, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, về chất lượng hàng hóa của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa và giảm giá thành khi nhập vào Nhật Bản. Quy trình xuất, nhập khẩu nên đơn giản hơn để việc nhập khẩu vào Nhật thuận tiện hơn nữa.
Thế nhưng trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào đáp ứng các tiêu chí về chất lượng cũng có thể xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống siêu thị nước ngoài. Công ty TNHH Hương Quế có hơn 10 năm xuất khẩu các sản phẩm giày dép, túi thơm từ gỗ và vỏ cây quế, đã xuất sang 11 quốc gia như Đức, Pháp, Nhật, Thái Lan … nhưng cũng chưa đưa được hàng trực tiếp vào chuỗi siêu thị tại các nước này.
Bởi lẽ, công ty này là doanh nghiệp nhỏ nên khó đàm phán, phải chấp nhận xuất khẩu qua các khâu trung gian. Sản phẩm của công ty vì thế cũng phải mang thương hiệu của nhà nhập khẩu hoặc nhà phân phối sỉ.
“Các nhà nhập khẩu chấp nhận chất lượng, giá cả hàng hóa nhưng không mang thương hiệu Việt. Điều này cần phải được lưu ý khi ký các hiệp định thương mại với các nước. Qua đó, các sản phẩm tốt của Việt Nam đã được các nước chấp nhận thì họ phải biết đó là sản phẩm của Việt Nam và của doanh nghiệp nào sản xuất”, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hương Quế nói.
Việc đảm bảo các yêu cầu chất lượng hàng hóa mới chỉ là bước khởi đầu để hàng hóa Việt Nam vào siêu thị nước ngoài. Điều khó khăn hơn là các doanh nghiệp phải luôn tuân thủ quy trình đảm bảo chất lượng hàng hóa ổn định suốt trong quá trình sản xuất và các yếu tố bền vững khác.
Theo xu hướng tiêu dùng mới, kiểm tra hàng hóa không chỉ là chất lượng sản phẩm cuối cùng mà phải truy xuất ngược lại quy trình sản xuất ở nước sở tại. Chính vì vậy, việc tuân thủ quy trình sản xuất từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng phải thực hiện nghiêm ngặt, không thể làm kiểu đối phó.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng việt Nam chất lượng cao lưu ý các doanh nghiệp trong việc kiểm tra hàng hóa, tránh việc bị trả lại nước sở tại. “Trong suốt quá trình sản xuất, đối tác nước ngoài chỉ có yêu cầu doanh nghiệp ở mỗi khâu đều có kiểm tra lại để ngăn ngừa rủi ro và có hồ sơ để hàng hóa đến cảng, như Hoa Kỳ người ta chỉ kiểm tra hồ sơ”, bà Hạnh cho biết.
Một khó khăn khác khi xuất khẩu trực tiếp là hệ thống siêu thị thanh toán tiền chậm. Sở dĩ có tình trạng này là do họ bán hàng trước trả tiền sau, thời gian trả tiền từ 3- 4 tuần hoặc hơn 3 tháng. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu qua đại lý thì được thanh toán tiền ngay. Do vậy, có nhiều trường hợp đáng tiếc là doanh nghiệp đáp ứng tốt các yêu cầu của hệ thống siêu thị nước ngoài nhưng không tham gia được.
Công ty Thanh long Song Nam là một trường hợp như vậy. Công ty xuất khẩu đến 8 quốc gia, trong đó có Mỹ và Ấn Độ. Vừa qua, có 2 hệ thống siêu thị ở nước này yêu cầu mỗi ngày công ty giao 1-2 container hàng trị giá từ 1 đến vài triệu USD, nhưng công ty không kham nổi vì thiếu vốn. Trong khi ở các nước khác, doanh nghiệp sản xuất có ngân hàng, hoặc tổ chức tài chính thứ 3 bảo lãnh, khi giao hàng đến siêu thị thì bên thứ 3 chuyển tiền cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Duẩn, Giám đốc Công ty Thanh long Song Nam cho rằng, ở các nước có mạng lưới tài chính phát triển sẽ giúp hỗ trợ doanh nghiệp có dòng tiền bảo đảm tiếp tục thực hiện đơn hàng. Các doanh nghiệp Việt Nam rất khó thực hiện điều này nên giảm lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Để đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống siêu thị nước ngoài, Bộ Công Thương đang triển khai Đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”.
Bộ sẽ tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, kết nối với hệ thống phân phối và xây dựng kho ngoại quan ở nước ngoài. Khi có kho ngoại quan, doanh nghiệp sẽ đóng gói hàng hóa tại nước ngoài với sự giám sát chất lượng của họ. Điều đó sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp.
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ sẽ sẽ ký hiệp định liên chính phủ với các nước sở tại để có các điều kiện về thuế, cơ sở hạ tầng và kho ngoại quan để doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện thuận lợi khi xuất khẩu trực tiếp.
Nếu các doanh nghiệp luôn chủ động tuân thủ tốt các quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng hàng hóa và các bộ ngành chức năng kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thì khả năng hàng hóa mang thương hiệu Việt, xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống siêu thị nước ngoài sẽ là không khó./.
VOV