MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đưa ống hút tre xuất ngoại thu triệu USD

28-07-2019 - 10:06 AM | Doanh nghiệp

Sau gần nửa năm đưa ống hút tre ra thị trường, bài toán khó nhất mà Mão Mèo gặp phải chính là làm thay đổi tư duy của người tiêu dùng.

Lối nói chuyện gần gũi, hóm hỉnh, chất giọng miền Trung nhẹ nhàng, truyền cảm, ông chủ 8X Nguyễn Văn Mão, Giám đốc Công ty TNHH Sáo trúc Mão Mèo chia sẻ với Báo Giao thông về hành trình đưa sản phẩm ống hút tre “Made in Việt Nam” thân thiện với môi trường ra thế giới thu về hàng triệu USD mỗi năm.

Khi ống tre thành hàng xuất khẩu

Chiều cuối tháng 7, PV Báo Giao thông có mặt tại xưởng sản xuất của anh Nguyễn Văn Mão, Giám đốc Công ty TNHH Sáo trúc Mão Mèo mục sở thị quy trình làm ra những chiếc ống hút tre thân thiện với môi trường. Công nhân chia thành các nhóm, người chọn, phân loại nứa theo kích cỡ, người mài vỏ để đảm bảo mặt ngoài có độ nhẵn bóng nhất định. Đối với những thân còn cong, sẽ được uốn thẳng bằng nhiệt độ cao rồi đưa vào máy cắt. Mỗi ống hút thường dài khoảng 20cm tiếp tục được mài giũa hai đầu để tránh sắc nhọn khi sử dụng. Tiếp đó, ống hút được làm sạch cả trong lẫn ngoài bằng áp lực của nước rồi phơi khô. Với chất liệu nứa tép, ống hút tre có màu sắc sáng đẹp, sau khi sấy ở nhiệt độ 120 độ C sẽ có thêm mùi thanh nhẹ, dễ chịu đặc trưng.

Bên cạnh ống hút tre, ở tuổi 32, anh Nguyễn Văn Mão còn sở hữu hệ thống 30 cửa hàng thương hiệu sáo trúc Mão Mèo trên toàn quốc. Từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáo trúc miền Bắc, điều khiến anh tâm đắc, tự hào hơn nữa là đã và đang hiện thực hoá mục tiêu đem tiếng sáo đến gần hơn với cộng đồng cũng như gây dựng phong trào bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống của nhạc cụ dân tộc.

Cầm những chiếc ống hút nhỏ nhắn trên tay, anh Mão chia sẻ, đã có ý định sản xuất sản phẩm này từ năm 2017, bắt nguồn từ gợi ý của một người bạn cùng hình ảnh cha ông ta từ ngàn xưa sử dụng ống tre để uống rượu cần. Tuy nhiên, chỉ đến gần đây, khi truyền thông lên tiếng mạnh mẽ về vấn nạn rác thải nhựa cùng trào lưu nói không với ống hút nhựa, anh Mão mới quyết liệt triển khai. Có sẵn kinh nghiệm xử lý nguyên liệu tre, nứa, nhưng cũng phải mày mò thử nghiệm và phải qua không ít lần thất bại, những đơn hàng đầu tiên với số lượng 1.000 rồi 2.000 ống mới bắt đầu xuất khẩu tới “trời Âu”.

“Thuận lợi ở chỗ, công ty đã sản xuất sáo trúc được 10 năm nên những công cụ như lò sấy, máy hấp, máy cắt… đều có sẵn để đưa vào vận hành. Song, chỉ bấy nhiêu chưa đủ. Bước vào hành trình mới thấm nhiều gian nan, từ khâu tìm kiếm đầu vào đến đầu ra”, ông chủ Mão Mèo nhớ lại.

Anh Mão kể, gian nan nhất là quá trình tìm kiếm nguồn nguyên liệu tre, nứa có đường kính chỉ vừa bằng với ống hút. Mất nhiều tháng trời, anh rong ruổi khắp các tỉnh từ Tây Nguyên cho đến miền Trung, hết trèo đèo, lội suối, lúc ốm, khi đau mắt đỏ giữa núi cao, rừng sâu... Cuối cùng, những công sức đó đã được bù đắp khi anh đã có trong tay hệ thống bản đồ nguyên liệu trên cả nước để có thể cung cấp đủ số lượng ống hút tre cho thị trường.

“Hiện tại, chúng tôi mới chỉ khai thác một vùng rất nhỏ bởi giai đoạn này vẫn đang trong quá trình gây dựng thêm nhiều xưởng sản xuất. Có những nơi còn chưa đặt chân tới vì vậy nguyên liệu rất dồi dào. Theo dự kiến, mỗi tháng doanh nghiệp có thể cung cấp được hàng trăm triệu chiếc ống hút mà nguyên liệu không bao giờ sợ bị cạn kiệt. Đặc biệt, ở các nước như láng giềng như Lào, Campuchia cũng là những vùng nguyên liệu lý tưởng được hướng đến trong tương lai”, vị giám đốc trẻ cho hay.

Theo anh Mão, mỗi bụi tre, nứa bao gồm hàng trăm cây nhưng không phải cây nào cũng làm được ống hút bởi sẽ có cây lớn, cây nhỏ, cây non, cây măng… Khi bị chặt bớt đi cũng là điều kiện để cây phát triển rất nhanh, mọc măng liên tục. Và khi nhìn lại khu rừng vừa khai thác xong không khác đi là mấy, 4 tháng sau lại rậm rạp bình thường.

“Trước đây, người dân thường đốt đi để trồng những cây khác, rồi tập tính di canh, di cư cũng rất nhiều. Nay thấy những bụi tre, nứa có giá trị thật sự, chặt xong xuống có tiền ngay, bà con đã biết bảo vệ, rừng của nhà nào nhà nấy giữ và tuyệt đối không bao giờ đốt nữa. Trong tương lai, tôi dự định sẽ làm cả cốc, thìa, dĩa, muỗng… từ những nguyên liệu tự nhiên này để có thể tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho mọi người và không ảnh hưởng đến môi trường”, anh Mão bày tỏ.

Chinh phục được châu Âu, nhưng sân nhà còn bỏ ngỏ

 
 Đưa ống hút tre xuất ngoại thu triệu USD  - Ảnh 2.
Trung bình mỗi tháng, anh Mão cung cấp hơn 6 triệu ống hút tre thương hiệu Mão Mèo ra thị trường với tổng doanh thu từ 8 - 12 tỷ đồng


Sau gần nửa năm chính thức đưa ra thị trường, bài toán khó nhất mà Mão Mèo gặp phải chính là làm thay đổi tư duy của người tiêu dùng, bởi họ đang cần sự tiện lợi, giá rẻ, nhanh chóng và những thứ đó chỉ có ống hút nhựa mới có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, ống hút nhựa khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm, hàng nghìn năm mới có thể phân huỷ. Ngược lại, ống hút tre giá đắt hơn (40.000 đồng/hộp 10 ống - PV), dùng xong phải rửa… song có thể sử dụng tới vài chục lần trong khoảng 3 - 4 tháng. Điều quan trọng hơn, sản phẩm này có thể phân huỷ trong vòng 2 - 3 năm ngoài tự nhiên và không ảnh hưởng đến môi trường.

Mặc dù hầu hết các tỉnh ở Việt Nam đều có sự hiện diện của ống hút tre nhưng số lượng vẫn rất nhỏ lẻ. Trong khi, thị trường chính của ống hút tre Mão Mèo lại là châu Âu với giá bán 1.200 đồng/chiếc ở đơn hàng từ 500.000 sản phẩm trở lên. Đơn hàng ngày một lớn, theo chia sẻ của anh Mão, trung bình mỗi tháng công ty đã cung cấp được hơn 6 triệu ống với tổng doanh thu 8-12 tỷ đồng.

Dù doanh số chưa phải quá lớn, song để đưa được lượng sản phẩm đó vào thị trường khó tính như châu Âu không hề dễ dàng. Nhờ quy trình hút, sấy đạt chuẩn, ống hút tre không dùng hóa chất song không bị ẩm mốc, sản phẩm thương hiệu Mão Mèo đã được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Đức nên dễ dàng được chấp nhận ở các nước châu Âu.

“Trong thời gian làm sáo 10 năm, tôi có quen với rất nhiều đối tác làm về kinh doanh xuất, nhập khẩu và cả những người bạn ngoại quốc. Đó cũng là kênh phân phối chính mà thời điểm đầu mới đưa sản phẩm ống hút tre ra thị trường. Có những vị khách ở nước ngoài còn đến trực tiếp các xưởng sản xuất ở Hà Nội, Nghệ An và Đồng Nai để tìm hiểu quy trình sản xuất một chiếc ống hút, có hoàn toàn sạch và bảo vệ môi trường hay không”, anh Mão kể.

Trước băn khoăn về việc sau khi sử dụng, rửa sạch, phơi khô, ống hút tre vẫn rất có thể bị mốc bởi điều kiện thời tiết nồm, ẩm, anh Mão cho biết: Với các nhà hàng, quán cà phê lớn, sau khi sử dụng và rửa sạch được cho vào lò sấy tiệt trùng y tế. Còn với mỗi hộ gia đình, chỉ cần rửa sạch và cho vào ngăn mát của tủ lạnh trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Khi đó, ống hút tre sẽ khô hoàn toàn và không sợ ẩm, mốc.

Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, nguyên liệu đã được kiểm định ở những điều kiện khắc nghiệt nhất như phơi tự nhiên, luộc, sấy và chỉ những ống nào chịu được mới có thể tồn tại nếu không sẽ bị nứt, vỡ. “Với người tiêu dùng Việt, chúng tôi còn nhận khắc tên “chính chủ” của khách hàng lên ống hút. Đó cũng là một cách để khích lệ mọi người sử dụng nhiều hơn”, anh Mão tâm sự.

Đã có rất nhiều minh chứng trong kinh doanh, vòng đời sản phẩm càng lâu, tốc độ tiêu thụ sẽ càng chậm và ngược lại, sản phẩm có vòng đời càng ngắn như ống hút nhựa sẽ càng bán được nhiều và nhanh hơn. Tuy nhiên, điều này không khiến vị giám đốc trẻ quá lo lắng bởi số lượng ống hút tre công ty sản xuất ra hoàn toàn không thể cung ứng đủ và cũng được khuyến cáo sử dụng càng lâu càng tốt. “Đó là một động thái góp phần bảo vệ môi trường chứ không phải để đặt mục đích kinh tế lên hàng đầu. Một doanh nghiệp nếu đặt lợi nhuận lên hàng đầu thì cũng chỉ tồn tại theo kiểu lợi nhuận. Nhưng một khi các doanh nghiệp có định hướng lợi ích phải đi kèm với phúc lợi của xã hội mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài”, anh Mão bộc bạch.


Theo Tạ Hải

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên