Đức có nguy cơ tụt xuống vị trí thứ 5 trong top các nền kinh tế lớn nhất thế giới
Nền kinh tế Đức dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong những năm tới, theo một báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR).
- 05-01-2024‘ETF Bitcoin giao ngay có thể bị từ chối, giá giảm tới 20%’
- 04-01-2024Những vấn đề nan giải của EU năm 2024
- 04-01-2024Mức lương tuyển dụng ở Trung Quốc giảm kỷ lục, chỉ còn khoảng 35 triệu đồng
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) cho thấy, Đức dự kiến sẽ "rơi khỏi" vị trí nền kinh tế lớn thứ tư tính theo đồng USD danh nghĩa, nhường vị trí này cho Ấn Độ vào năm 2027.
Theo kết quả nghiên cứu, việc Đức tụt xuống vị trí thứ năm trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới là do nước này phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất nội địa.
Theo báo cáo, việc đối mặt với cú sốc giá năng lượng đã góp phần thúc đẩy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) này. Giá tăng theo dự kiến là 6,3% vào năm 2023, giảm so với mức tăng giá 8,7% được ghi nhận vào năm 2022, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình trong những năm gần đây. "Lạm phát tăng cao đã góp phần làm giảm sức chi tiêu và qua đó hạn chế hoạt động tiêu dùng. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến các dịch vụ hướng tới người tiêu dùng", theo CEBR.
Tổng sản phẩm quốc nội của Đức dự kiến sẽ giảm 0,4% vào năm 2023.
CEBR viết: "Ngoại trừ sự sụt giảm do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm 2020, điều này thể hiện hiệu suất tăng trưởng yếu nhất của Đức kể từ năm 2009". CEBR lưu ý rằng các vấn đề về nguồn cung và sức chi tiêu yếu hơn đều góp phần vào sự sụt giảm này. Một yếu tố khác góp phần vào sự suy giảm là lãi suất thắt chặt hơn. CEBR dự kiến, nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2024 với tốc độ 0,7% và tăng tốc hơn nữa vào năm 2025.
Ngoài ra, báo cáo còn cho biết, GDP toàn cầu sẽ tăng gấp hơn 2 lần, đạt 219.000 tỷ USD vào năm 2038 do "sự mở rộng liên tục ở các nền kinh tế kém phát triển trước đây khi họ bắt kịp và vượt qua các nước giàu truyền thống". Việt Nam, Bangladesh và Philippines được coi là những nước tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế này.
VTV