Đức Long Gia Lai bị tòa mở thủ tục phá sản: 3 ngân hàng cho vay gần 3.000 tỷ, VietinBank từng rao bán tài sản để thu hồi nợ
Các ngân hàng cho Đức Long Gia Lai vay tiền gồm BIDV, VietinBank, Sacombank. Trong đó, BIDV là chủ nợ lớn nhất và VietinBank từng rao bán tài sản của doanh nghiệp này để thu hồi nợ.
- 13-10-2023Thêm khoản nợ liên quan đến Tân Hoàng Minh được ngân hàng rao bán
- 15-08-2023Big4 ngân hàng rao bán nhiều tài sản “khủng” để xử lý nợ xấu
- 26-09-2022VietinBank siết nợ Đức Long Gia Lai, rao bán dự án rộng 3.800m2 tại Đà Nẵng
Ngày 12/10, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai có quyết định mở thủ tục phá sản với CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) sau khi xem xét đơn yêu cầu của Công ty Cổ phần Lilama 45.3 (tỉnh Quảng Ngãi). Nguyên nhân do doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Trước đó, cuối tháng 7/2023, Công ty Cổ phần Lilama 45.3 có đơn gửi Tòa án Nhân dân Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản với Cty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai vì không đòi được khoản nợ 20 tỷ.
Được biết, Đức Long Gia Lai là một trong những tập đoàn lớn của tỉnh Gia Lai với quy mô tài sản lên tới hơn 5.700 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả ở mức gần 4.569 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là hơn 1.133 tỷ đồng.
Cuối quý II, chủ nợ lớn nhất của Đức Long Gia Lai là ngân hàng BIDV với tổng dư nợ hơn 2.225 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn với BIDV là gần 789 tỷ và nợ dài hạn là hơn 1.436 tỷ đồng. Tài sản thế chấp các khoản vay của Đức Long Gia Lai tại BIDV chủ yếu là các tài sản cố định, dự án BOT của các doanh nghiệp trong tập đoàn và một phần được bảo lãnh các cá nhân là lãnh đạo công ty.
Chủ nợ lớn thứ hai của Đức Long Gia Lai là VietinBank với tổng dư nợ 501 tỷ gồm gần 121 tỷ vay ngắn hạn và hơn 380 tỷ vay dài hạn. Tài sản thế chấp tại VietinBank là toàn bộ quyền khai thác, thu phí các trạm thu phí đoạn Km 817 - Km 887 trên quốc lộ 14 tỉnh Đắk Nông cùng các tài sản khác phát sinh từ ưu đãi đầu tư theo hợp đồng BOT.
Ngoài ra, Đức Long Gia Lai còn vay ngắn hạn Sacombank 233 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay 178 tỷ được bảo lãnh bởi ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT và tài sản hữu hình của công ty. Còn khoản vay 55 tỷ có khoản thế chấp là toàn bộ tài sản đầu tư xây dựng gắn liền với đất và các hệ thống máy móc, trang thiết bị gắn liền với công trình xây dựng hình thành từ vốn vay.
Như vậy, tổng nợ vay của Đức Long Gia Lai tại 3 ngân hàng trên vào cuối tháng 6 lên tới gần 2.960 tỷ đồng, chiếm gần 65% tổng nợ phải trả.
Trước đó, cuối tháng 9/2022, VietinBank từng thông báo xử lý tài sản bảo đảm của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai để thu hồi nợ.
Tài sản cần xử lý là quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng (diện tích 3.180 m2) và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của Dự án Bến xe khách liên tỉnh.
Giá bán/chuyển nhượng tối thiểu được VietinBank đưa ra là gần 48,3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản sẽ được dùng để thanh toán nợ vay của khách hàng tại VietinBank.
Niêm yết trên sàn chứng khoán từ rất sớm (2010), Đức Long Gia Lai vốn là một trong những tập đoàn lớn của tỉnh Gia Lai, sánh vai với Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. Thời kỳ đỉnh cao, tổng tài sản của DN từng lên gần 9.000 tỷ đồng.
Giai đoạn trước khi bắt đầu rơi vào vòng xoáy thua lỗ, DLG đã có 1 hệ sinh thái kinh doanh đa ngành, sở hữu thuỷ điện Păk Pô Cô, khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng, nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại TP Hồ Chí Minh, 51% cổ phần công ty cà phê Gia Lai và 51% cổ phần công ty chè Biển Hồ,...
Trong quá khứ, DLG từng kinh doanh gỗ, đá, nông sản, phân bón, bến xe khách,... với doanh thu hàng trăm tỷ/năm nhưng hiện tại đã không còn.
Trong báo cáo tài chính qua kiểm toán, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (Vietvalues) cho biết, tại ngày 30/6, khoản lỗ thuần lũy kế của Đức Long Gia Lai là hơn 2.042 tỷ đồng và nợ ngắn hạn đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn. Tập đoàn có kế hoạch về việc thanh lý, nhượng bán tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh để trả nợ cho ngân hàng trong giai đoạn 2023 -2025. Tuy nhiên, công ty kiểm toán này chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định giá trị của tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh tại ngày 30/6 theo đánh giá của Đức Long Gia Lai.
Do đó, phía kiểm toán cho rằng chưa thể xác định được giá trị của các tài sản này có phù hợp với kế hoạch trả nợ của công ty hay không. Vietvalues đánh giá điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai. Trước đó, phía kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ trên trong nhiều kỳ.
Sau đó, Đức Long Gia Lai đã có công văn giải trình ý kiến của kiểm toán ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023. Doanh nghiệp cho biết đến thời điểm 15/8/2023 (trước thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán soát xét) đã thu hồi hơn 422 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân. 6 tháng đầu năm 2023 công ty lãi số tiền là 34,46 tỷ đồng. Những vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục từ 2022 đến nay, công ty đang từng bước khắc phục.
Nhịp sống Thị trường