Đại gia phố núi Đức Long Gia Lai (DLG) một thập kỷ đa ngành: Nguồn thu chính nay đến từ điện tử, lỗ luỹ kế hơn 2000 tỷ
Bị Lilama 45.3 yêu cầu mở thủ tục phá sản, DLG khẳng định không bị mất thanh khoản, song năm 2022 công ty đã lỗ kỷ lục hơn 1.200 tỷ đồng. Hiện DLG đang nợ quá hạn chưa thanh toán với số tiền hơn 195 tỷ đồng.
- 04-05-2023DLG đặt mục tiêu doanh thu 2023 tăng hơn 30%
- 18-01-2023Kinh doanh thua lỗ, Đức Long Gia Lai (DLG) xin lùi thời gian trả nợ hơn 181 tỷ đồng
- 03-11-2021Bán công ty con, Đức Long Gia Lai (DLG) chuyển từ lỗ trăm tỷ sang có lãi mỏng trong quý 3/2021
Mới đây, CTCP Lilama 45.3 (Quảng Ngãi) đã bất ngờ gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG). Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã thụ lý đơn.
Lên tiếng về điều này, DLG cho biết không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng, nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác.
DLG còn cho biết khoản nợ của Lilama 45.3 là rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của Công ty (khoảng 20 tỷ đồng), hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán do đó DLG cho rằng không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản.
Động thái này của Lilama 45.3 diễn ra trong bối cảnh bức tranh kinh doanh của DLG ngày càng kém sắc. Năm 2022 DLG lỗ kỷ lục hơn 1.200 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình của mình, DLG cũng không phủ nhận tình hình kinh doanh gặp khó khăn và đang trong quá trình tái cấu trúc, thương lượng với ngân hàng giảm/miễn thu lãi suất nợ vay….
Dù vậy, bức tranh kinh doanh của DLG cho thấy lợi nhuận Công ty liên tục đi xuống. Công ty bắt đầu thua lỗ từ năm 2019. Đây là hệ quả của 10 năm đầu tư đa ngành, doanh thu xoay trục (đặc biệt giai đoạn 2016 – 2019) với đóng góp từ hơn 10 mảng khác nhau. Trong khi, hiệu suất sinh lời của DLG vào khoảng 4-5% trên tổng doanh thu và chỉ đạt 2% trên tổng tài sản hàng ngàn tỷ đồng.
10 năm đầu tư đa ngành: Chỉ số sinh lời thấp, lỗ luỹ kế 2.041 tỷ đồng – gần "ăn" hết vốn góp chủ sở hữu
Đức Long Gia Lai vốn là một trong những tập đoàn lớn của tỉnh Gia Lai với tổng tài sản thời đỉnh cao lên gần 9.000 tỷ đồng. Doanh thu Công ty đến từ nhiều nguồn gồm bán gỗ, bán đá, bán nông sản, bán phân bón, thu phí BOT, bán linh kiện, môi giới bất động sản dịch vụ bến xe - xe buýt,… đến năng lượng tái tạo. Đáng chú ý, DLG liên tục "xoay trục”, mảng đem lại doanh thu chính liên tục thay đổi.
Trước năm 2015, mảng đá từng có lúc mang về 800 tỷ doanh thu cho DLG thì sang giai đoạn 2016 - 2018, nguồn thu từ mảng đá giảm mạnh còn trung bình khoảng 200 tỷ đồng trước khi không còn ghi nhận cho đến nay.
Hay mảng gỗ, năm 2015 từng mang về hàng trăm tỷ hàng năm cho DLG nhưng sau đó đã không còn đáng kể trên BCTC Công ty.
Tương tự, mảng phân bón và sản phẩm nông nghiệp những năm 2015 – 2018 đóng góp khoảng 400 tỷ, tương đương 15%, thì đến nay con số này gần như không còn trên doanh thu Tập đoàn.
Ngược lại, DLG được biết bắt đầu tham gia mảng bán linh kiện điện tử từ năm 2015, đến nay mảng này đang là “trụ cột” chiếm hơn 90% tổng doanh thu. Công ty đang đầu tư 3 nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, Hàn và Trung Quốc.
Xếp thứ hai về tỷ trọng đóng góp cho doanh thu là mảng thu phí BOT với khoảng 26-27% tổng doanh thu hàng năm. Được biết, DLG đang quản lý 4 trạm thu phí trên tuyến QL14.
Ngoài ra, đón đầu xu thế năng lượng tái tạo, DLG còn đang và tiếp tục đầu tư mạnh vào mảng điện gió, điện mặt trời và thuỷ điện ở Gia Lai với tổng công suất gần 4.000MW. Trong đó, chỉ 600 MW đã được Chính phủ và Bộ Công Thương đồng ý đưa vào Quy hoạch điện VII, số còn lại hơn 2.500MW đang chở bổ sung quy hoạch Chính phủ.
Đầu tư phân tán khiến áp lực chi phí DLG cao, trước khi lỗ vào năm 2019 thì chỉ số sinh lời ROA ở mức thấp, chưa đến 1%. Chỉ số ROE thậm chí chỉ đạt 0,23 trong năm 2018. Liên tục thua lỗ, tính đến 30/6/2023, DLG đang lỗ luỹ kế hơn 2.041 tỷ đồng, đã gần "ăn hết" vốn chủ sở hữu.
Cổ phiếu chỉ ngang “cốc trà đá” với 2.940 đồng/cp
Tài sản DLG những năm gần đây cũng giảm sút mạnh. Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản Công ty gần 5.702 tỷ (giảm gần 3.000 tỷ so với hồi năm 2020). Trong đó phần lớn nằm ở tài sản cố định ghi nhận 2.509 tỷ; các khoản phải thu ngắn và dài hạn hơn 2.348 tỷ đồng và chủ yếu là phải thu từ cho vay. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng trích lập dự phòng gần 1.363 tỷ đồng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.
Ngược lại, DLG đang đi vay 2.945 tỷ đồng, chiếm 64% tổng nợ phải trả và gấp hơn 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Chi phí lãi vay phải trả trong nửa đầu năm là hơn 181 tỷ đồng.
Hiện, DLG đang nợ ngắn hạn nhiều nhất tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Lai với tổng số tiền 747 tỷ đồng, bao gồm cả hợp đồng tín dụng và hợp đồng đặt mua trái phiếu. Ngoài ra, Đức Long Gia Lai còn nợ Vietinbank chi nhánh Gia lai hơn 22 tỷ đồng và Sacombank hơn 233 tỷ đồng, nợ CTCP Đầu tư phát triển địa ốc Gia Long hơn 6 tỷ...
Về khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn, Công ty đang còn vay tại BIDV chi nhánh Gia Lai hơn 1.436 tỷ đồng và vay hơn 478 tỷ đồng tại Vietinbank chi nhánh Gia Lai. Vì là khoản nợ dài hạn nên doanh nghiệp không có khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn quá hạn chưa thanh toán.
DLG đang nợ quá hạn chưa thanh toán với số tiền lên tới hơn 195 tỷ đồng.
Năm 2023 ban lãnh đạo DLG đặt mục tiêu doanh thu 1.800 tỷ - tăng 34% và lãi sau thuế 100 tỷ đồng - cải thiện so với mức lỗ gần 1.200 tỷ của năm 2022. Các chỉ tiêu này cho năm 2024 - 2025 lần lượt tăng lên mức 2.000 tỷ và 2.500 tỷ đồng doanh thu, 180 tỷ và 250 tỷ lợi nhuận.
Trên thị trường, cổ phiếu DLG giao dịch kém sắc. Trong khi hiệu quả kinh doanh không cao, DLG lại tăng vốn mạnh giai đoạn 2014-2018 (tăng 13 lần từ mức 227 tỷ đồng năm 2007 lên hơn 2.993 tỷ đồng) để đầu tư mở rộng khiến cổ phiếu bị pha loãng. Hiện, DLG đang giao dịch tại mức 2.940 đồng/cp. HoSE vừa có thông báo giữ nguyên diện cảnh báo với cổ phiếu DLG.
Nhịp sống thị trường