Đức Long Gia Lai thay CEO, tất cả ngân hàng đã ngừng giải ngân
Ông Nguyễn Trung Kiên sẽ rời vị trí CEO để nhường chỗ cho ông Trần Cao Châu từ 3/9. Lợi nhuận 6 tháng của DLG tăng 158% lên 70 tỷ đồng, thực hiện 58% kế hoạch năm. Công ty đang đối mặt với các khoản nợ đã quá hạn thanh toán, tất cả ngân hàng ngừng giải ngân.
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) vừa ra quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Trung Kiên kể từ 3/9. Song song đó, công ty thông báo ông Trần Cao Châu sẽ từ nhiệm chức vụ Kế toán trưởng để đảm nhận vị trí CEO thay thế.
Ông Nguyễn Trung Kiên hồi đầu năm 2019 đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu DLG nhưng chỉ mua được 340.000 đơn vị. Sau đó, ông thay đổi quyết định khi đăng ký bán gần hết 2,45 triệu cổ phiếu trong thời gian 23/7-21/8 (chưa có báo kết kết quả giao dịch).
Ông Kiên được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc DLG kể từ 1/4/2018. Ông từng làm nhân viên kỹ thuật Công ty công trình 86, nhân viên ban QLDA bến xe Đức Long Gia Lai, Giám đốc ban QLDA Đức Long Tower, Giám đốc CTCP BOT và Đức Long Đak Nông. Hiện ông vẫn là thành viên HĐQT CTCP Chè Biển Hồ (UPCoM: BHG).
Trong 6 tháng đầu năm, DLG ghi nhận doanh thu thuần tăng 9% lên 1.460 tỷ đồng. Nhờ doanh thu tài chính đột biến (chuyển nhượng công ty Đồng Phú Hưng) nên công ty báo lợi nhuận trước thuế 70,3 tỷ đồng, tăng 158% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, công ty thực hiện được 58% kế hoạch lợi nhuân 120 tỷ đồng năm 2019.
Dù vậy, báo cáo tài chính của DLG còn nhiều điểm bất cập. Kiểm toán đã cho ý kiến nhấn mạnh về khoản nợ phải thu Tập đoàn Xây dựng, cầu đường, thủy lợi, XNK Daohuensong & Công ty TNHH Đầu tư phát triển MTV Lào liên quan đến thanh toán hợp đồng xây dựng 5 cây cầu bê tông tại Lào với giá trị 125 tỷ đồng.
DLG lý giải đây là công trình của Chính phủ Lào, nguồn thanh toán phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và tiến độ giải ngân của Sở giao thông vận tải tỉnh Khăm Muồn (chủ đầu tư). Hiện DLG đã nghiệm thu công trình nhưng một số nhà thầu khác chưa hoàn thiện hạng mục dẫn đường nên chủ đầu tư chưa thể nghiệm thu để thanh toán cho DLG.
Bên cạnh đó, kiểm toán cũng nhấn mạnh báo cáo tài chính được lập trên giả định hoạt động liên tục. Tuy nhiên, tính đến 30/6, hầu hết các khoản nợ của tập đoàn đều đã quá hạn thanh toán (đặc biệt là nợ vay ngân hàng, tổ chức, cá nhân và nợ trái phiếu đến hạn trả). Tất cả các ngân hàng đều ngừng giải ngân cho tập đoàn. Những điều này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Tập đoàn có khả năng không thanh toán các khoản nợ phải trả trong điều kiện bình thường, theo đó hoạt động của DLG phụ thuộc vào hoạt động có lãi trong tương lai hoặc thỏa thuận với các chủ nợ về việc gia hạn, giãn nợ, giảm lãi…
DLG giải trình dòng tiền từ hoạt động kinh doanh nhiều năm gần đây vẫn dương. Hiện công ty đang làm việc với ngân hàng để cơ cấu lại nợ gốc vay, giảm lãi. Đồng thời, tập đoàn cũng xây dựng chiến lược kinh doanh mới và có phương án tái cấu trúc hoạt động kinh doanh.
Theo báo cáo đã soát xét, công ty có tổng nợ phải trả là 5.227 tỷ đồng (tương đương với 60% tổng tài sản). Trong đó tổng vay nợ tài chính là 3.695 tỷ đồng (các ngân hàng cho vay lớn BIDV, VietinBank…cùng gần 500 tỷ đồng trái phiếu).
NDH